Bước khởi đầu để phát triển hệ sinh thái giải pháp bảo vệ trẻ em Việt trên mạng
Cuộc sống số - Ngày đăng : 14:34, 25/06/2024
Công bố bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tiên trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em
Ngày 25/6, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức Lễ công bố tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/2024-VNISA về ‘Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng’.
Việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng là một hoạt động thiết thực của VNISA để triển khai ‘Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025’ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/6/2021.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong bối cảnh Internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro an toàn thông tin với trẻ em, bên cạnh những lợi ích, việc cha mẹ, thầy cô sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả và an toàn trên môi trường mạng là quan trọng, cần thiết.
Từ nhận thức trên, thời gian qua, VNISA đã đẩy mạnh khuyến khích các đơn vị hội viên đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em, tiến tới xây dựng hệ sinh thái các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam.
Để góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em và hỗ trợ phát triển thị trường trong lĩnh vực này, VNISA đã giao Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) chủ trì biên soạn dự thảo tiêu chuẩn. Trước khi ban hành, tiêu chuẩn đã được sự góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan và được đánh giá bởi Hội đồng thẩm định tiêu chuẩn cơ sở của VNISA.
“Chúng tôi tin tưởng rằng bộ tiêu chuẩn sẽ là những định hướng để nghiên cứu, phát triển sản phẩm và được sự đón nhận của đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.
Ở góc độ của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), đơn vị thường trực của Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, quyền Giám đốc Trung tâm VNCERT/CC Nguyễn Đức Tuân đánh giá cao việc VNISA cùng các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam đã nỗ lực xây dựng yêu cầu kỹ thuật cơ bản với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
“Việc ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở về sản phẩm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là nền tảng cơ bản, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước định hướng phát triển các sản phẩm Make in Viet Nam chất lượng tốt, vươn tầm quốc tế. Bộ tiêu chuẩn cơ sở cũng giúp các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá lại mức độ phù hợp khi cung cấp các sản phẩm tại thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Tuân nhận xét.
Ông Nguyễn Đức Tuân cũng tin rằng, với sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội, sẽ không chỉ phát triển được hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên mạng, mà còn góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu phòng ngừa các nội dung độc hại với trẻ em trên mạng. Qua đó, tạo dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, nơi trẻ em có thể tự do khám phá, học tập và phát triển một cách toàn diện.
Khởi động đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng
Chia sẻ góc nhìn của cơ quan quản lý về phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm VNCERT/CC nhấn mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt để bảo vệ và giúp cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo là một mục tiêu, giải pháp quan trọng của chương trình ‘Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025’.
Theo thống kê của Fortune Business Insights, thị trường các sản phẩm về bảo vệ trẻ em đã đạt 1,25 tỷ USD năm 2023, dự kiến đạt 1,4 tỷ USD năm 2024 và 3,54 tỷ USD năm 2032 với tỷ lệ tăng trưởng kép khoảng 12,3%. Tại Mỹ, 50% phụ huynh đã sử dụng sản phẩm này để bảo vệ con mình, trong đó có 90% người dùng cảm thấy sản phẩm này hữu ích.
Tại Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về thị trường sản phẩm bảo vệ trẻ em, song hiện nay hầu hết phụ huynh, giáo viên đều đang có nhu cầu sử dụng các sản phẩm tốt để bảo vệ, quản lý việc sử dụng Internet của trẻ em.
Thực tế, thị trường sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam đã có nhiều giải pháp. Bên cạnh các sản phẩm của nước ngoài, cũng đã có sự xuất hiện các giải pháp đến từ những doanh nghiệp trong nước như: SafeGate Family của SCS, Mobile Guard của CyRadar, Cyber Purify, V-Safe...
“Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc phát triển sản phẩm an toàn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Đinh Thị Như Hoa nhận định.
Thông tin cụ thể hơn về tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/2024-VNISA mới được công bố, Phó Chủ tịch VNISA Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, cho biết tiêu chuẩn quy định các yêu cầu cơ bản với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bao gồm 5 nhóm: Yêu cầu về tài liệu; yêu cầu về tính năng; yêu cầu về tính tuân thủ và đặc thù Việt Nam; yêu cầu về yếu tố an toàn thông tin của sản phẩm; yêu cầu về hiệu năng xử lý.
Cho biết bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên các xu hướng công nghệ mới và cơ sở thực tiễn các sản phẩm cũng như các quy định pháp lý tại Việt Nam hiện nay, ông Ngô Tuấn Anh cũng cho hay: “Các yêu cầu nêu trong nội dung tiêu chuẩn là căn cứ cho việc đánh giá chất lượng sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp bổ sung thêm các yêu cầu ở cấp độ cao hơn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình”.
Theo kế hoạch, VNISA sẽ tiếp nhận hồ sơ đánh giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/2024-VNISA trong 2 tháng 7, 8/2024 và dự kiến sẽ công bố các sản phẩm đạt tiêu chuẩn đợt đầu tiên trong tháng 11/2024, tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2024.