Quân sự thế giới hôm nay (25-6): Nga ra mắt tàu hộ vệ tên lửa lớp Gremyashchy thứ hai
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:13, 25/06/2024
*Nga trình làng tàu hộ vệ tên lửa lớp Gremyashchy thứ hai
Mới đây, Hải quân Nga vừa ra mắt tàu hộ vệ tên lửa mới có tên “Provornyy” tại xưởng đóng tàu Severnaya ở St. Petersburg. Con tàu này sẽ sớm được Hải quân Nga đưa vào sử dụng để tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Nga ra mắt tàu hộ vệ tên lửa lớp Gremyashchy mới có tên “Provornyy”. Ảnh: Militarnyi |
Provornyy là tàu hộ vệ tên lửa thứ 2 thuộc Dự án 20385 (lớp Gremyashchy) và là phiên bản hiện đại hóa của Dự án 20380 thuộc lớp Steregushchiy. Với thiết kế tàng hình, tàu có thể thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra ven bờ, an ninh hàng hải, tác chiến chống tàu mặt nước cũng như tàu ngầm, tác chiến phòng không, đổ bộ, bảo vệ khu vực ven biển và hộ tống các tàu khác.
Tàu Provornyy lớp Gremyashchy có chiều dài 104m, rộng 13m, và mớn nước khoảng 8m. Tàu có lượng giãn nước 2.200 tấn và có thể chở thủy thủ đoàn gồm 99 người. Tàu được trang bị nhiều hệ thống radar tiên tiến khác nhau để phát hiện và định vị tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay và các mục tiêu trên bờ của đối phương. Ngoài ra, tàu còn có sàn đáp ở phía sau cho 1 trực thăng tác chiến chống ngầm Kamov Ka-27PL/Ka-27PS Helix.
Vũ khí được trang bị trên tàu hộ vệ lớp Gremyashchy bao gồm pháo hạng nhẹ А190-01 100mm ở mũi tàu để tấn công tàu nổi, các mục tiêu ven biển và trên không của đối phương. Với tốc độ bắn 80 phát/phút, А190-01 có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách 20km. Bên cạnh đó, tàu được lắp đặt hệ thống 8 ống phóng thẳng đứng UKSK có thể triển khai tên lửa hành trình tầm xa Caliber-NK hoặc P-800 Oniks (Onyx) nhằm chống lại các mục tiêu trên mặt nước và trên bờ trong phạm vi 300km.
Lớp Gremyashchy còn được trang bị 2 hệ thống pháo phòng thủ tầm gần AK-630M 30mm và 1 bệ phóng 16 ống cho tổ hợp tên lửa phòng không Redut hoặc tên lửa đất đối không 9K96. Hệ thống chống ngầm Paket trên tàu cung cấp khả năng tự vệ trước tàu ngầm và ngư lôi của đối phương.
Sử dụng động cơ diesel nội địa 1DDA 12000, lớp Gremyashchy có thể đạt vận tốc khoảng 50km/giờ và phạm vi hoạt động 5.672km.
* Đức sẽ trang bị xe tăng Leopard 2A8 cho các lữ đoàn đóng quân ở nước ngoài
Theo Army Recognition, Bộ Quốc phòng Đức có kế hoạch mua 105 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A8 với giá 2,9 tỷ USD để triển khai ở Litva.
Leopard 2A8 là xe tăng chiến đấu chủ lực do Tập đoàn quốc phòng Pháp - Đức KNDS (Liên doanh giữa KMW và Nexter Defense Systems) phát triển. Ảnh: Militarnyi |
Việc mua xe tăng Leopard 2A8 được thực hiện theo hợp đồng với Tập đoàn quốc phòng Pháp - Đức KNDS và dự kiến xe tăng sẽ được giao trong khoảng thời gian từ năm 2027 đến năm 2030.
Leopard 2A8 là phiên bản nguyên mẫu của Leopard-2A7HU hay Leopard-2A7+, được sửa đổi riêng theo yêu cầu của Quân đội Hungary đặt hàng từ năm 2018. Xe tăng vẫn giữ lại pháo nòng trơn 120mm, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa và được trang bị hệ thống liên lạc và dẫn đường hiện đại, bảo đảm hiệu quả chiến đấu cao.
Leopard-2A8 được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động mới và tăng cường lớp giáp bảo vệ (lớp giáp composite thế hệ thứ ba). Hệ thống giáp này được cấu tạo từ hợp kim thép gia cường, vonfram, chất độn nhựa và gốm. Kết cấu giáp mới giúp tăng khả năng bảo vệ phương tiện trước các mối nguy cơ từ đạn chống tăng dạng thanh xuyên, cũng như các loại tên lửa chống tăng hiện đại. Nhiều cải tiến mới tăng cường bảo vệ nóc xe và gầm xe trước các mối nguy cơ từ mìn chống tăng cũng được nhà sản xuất tích hợp lên phiên bản mới của xe tăng Leopard-2.
Một điểm cải tiến đáng chú ý khác của Leopard-2A8 là hệ thống quan sát, ngắm bắn quang-điện tử thế hệ mới kết hợp với các kênh quan sát video và hồng ngoại cho toàn bộ thành viên kíp lái. Hệ thống điều khiển hỏa lực, thông tin liên lạc chuẩn số hóa giúp tăng cường khả năng nhận diện tình huống chiến đấu và hiệu quả tác chiến tổng thể.
* Romania mua hệ thống máy bay không người lái Vector
Ngày 24-6, Romania đã ký hợp đồng trị giá 18,4 triệu euro để mua các hệ thống máy bay không người lái (UAS) Vector do công ty Quantum Systems của Đức sản xuất, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của quốc gia.
Vector là hệ thống máy bay không người lái (UAS) do công ty Quantum Systems của Đức sản xuất. Ảnh: Quantum Systems |
Việc mua các nền tảng UAS tiên tiến này có vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức tác chiến và chiến thuật chiến đấu của lực lượng bộ binh, đặc biệt là trong các môi trường phức tạp, nơi hoạt động giám sát và trinh sát theo thời gian thực đóng vai trò quan trọng trong tác chiến và quản lý mối đe dọa hiệu quả.
Vector là hệ thống máy bay không người lái cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, có thể thực hiện nhiệm vụ ISR (tình báo, giám sát, trinh sát). Được thiết kế để hoạt động trong các khu vực hạn chế, Vector có thiết kế nhỏ gọn với chiều dài 1,63m, sải cánh rộng 2,8m và có trọng lượng dưới 8,5kg.
UAS này được trang bị radio mạng lưới mã hóa AES-256 để liên lạc an toàn; bộ điều khiển cầm tay cũng như máy tính xách tay tùy chọn để vận hành; cảm biến quang điện và hồng ngoại, cho phép phát hiện mục tiêu bất kể ngày hay đêm. Ngoài ra, Vector còn được tích hợp công nghệ AI nhằm phân tích dữ liệu và các thuật toán có thể tự động xác định đối tượng và nhanh chóng truyền thông tin.
UAS Vector có thời gian bay lên tới 180 phút, phạm vi liên kết dữ liệu là 35km. Máy bay có thể duy trì tốc độ hành trình trong khoảng 15-20m/s và có tầm bay là 180km ở vận tốc 17m/s.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)