Nam giới bị bạo lực gia đình tăng: Góc nhìn từ chuyên gia tâm lý
Gia đình - Ngày đăng : 11:27, 24/06/2024
Tính theo tỷ lệ phần trăm thì số nạn nhân BLGĐ là nam chiếm gần 17,7% so với số nạn nhân BLGĐ là nữ chiếm hơn 82,3%, tương đương cứ 1 nam giới bị BLGĐ thì có gần 5 phụ nữ bị BLGĐ. Hiện chưa có nghiên cứu về mức độ, các hình thức bạo lực đối với nam giới cũng như về đối tượng gây BLGĐ với nam giới.
Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn "bức tranh" BLGĐ với nam giới, phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Khánh Linh, Phó phòng Công tác Xã hội (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) về vấn đề này.
PV: Thưa chị, tỷ lệ nạn nhân BLGĐ là nam tìm đến Phòng Tham vấn, Ngôi nhà Bình yên như thế nào?
Chị Nguyễn Khánh Linh: Theo chức năng, nhiệm vụ, Ngôi nhà Bình yên (NNBY) không tiếp nhận nạn nhân là nam giới vào hỗ trợ tại nhà tạm lánh. Tuy nhiên, Tổng đài 1900 96 96 80 và Phòng Tham vấn có thực hiện các cuộc tham vấn đối với khách hàng là nam giới.
PV: Vậy số nạn nhân BLGĐ là nam gọi đến đường dây nóng được Phòng Tham vấn thống kê trong những năm qua thế nào?
Chị Nguyễn Khánh Linh: Từ năm 2007 đến nay, NNBY đã thực hiện trên 27.000 lượt tham vấn về các vấn đề, trong đó có 48% là về BLGĐ. Có nhiều trường hợp khách hàng nam giới liên hệ tham vấn nhưng số lượng không nhiều và không phải đều là nạn nhân BLGĐ.
PV: Vậy họ là những đối tượng như thế nào, thưa chị?
Nhân viên Trung tâm trợ giúp xã hội Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) thực hiện tham vấn qua Tổng đài 1900.969680
Chị Nguyễn Khánh Linh: Khách hàng nam giới liên hệ tham vấn có thể chia thành 3 nhóm. Thứ nhất là những người gây bạo lực. Họ tìm đến phòng Tham vấn chủ yếu để tìm vợ, yêu cầu vợ quay trở về nhà. Khoảng 7% trong số đó có nhu cầu được tham vấn, hỗ trợ để giải quyết vấn đề tâm lý của bản thân nhằm giảm thiểu hành vi bạo lực.
Thứ hai là những nam giới gọi điện đến để tham vấn cho người thân, bạn bè là nữ giới, trẻ em hoặc các trường hợp bạo lực phụ nữ/trẻ em mà họ chứng kiến. Con số này chiếm khoảng 8% tổng số lượt, tính từ năm 2007 đến nay.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2023 đến đầu năm 2024, số lượng nam giới quan tâm về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em liên hệ đến tổng đài tăng đáng kể, chiếm khoảng 20% số lượt tham vấn.
Thứ ba chính là nạn nhân của BLGĐ nhưng số lượng khá ít, từ năm 2022 tới nay ghi nhận 7 lượt gọi tới Tổng đài để được hỗ trợ.
PV: Những vấn đề được họ chia sẻ là gì, thưa chị?
Chị Nguyễn Khánh Linh: Các trường hợp này đều là nam giới đã trưởng thành. Các hình thức bạo lực chủ yếu là về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, tính chất, mức độ của các trường hợp bị bạo lực đều không nghiêm trọng bằng các ca bạo lực với phụ nữ và trẻ em được tiếp nhận vào NNBY. Có 4/7 lượt báo tin mình bị bạo lực bởi bố đẻ, 3 lượt bị bạo lực bởi vợ.
Đặc biệt, có 1 trường hợp liên hệ đến Tổng đài trong tình trạng hoảng loạn vì bị kiểm soát và bị đe dọa đánh. Đây cũng là trường hợp duy nhất có nhu cầu tạm lánh tại NNBY.
Tuy nhiên, vì đặc điểm liên quan đến đối tượng tiếp nhận của NNBY là phụ nữ và trẻ em nên bộ phận tham vấn đã có những biện pháp hỗ trợ và hướng dẫn họ hồi gia an toàn.
PV: Các nạn nhân BLGĐ nam thường cần hỗ trợ những gì?
Chị Nguyễn Khánh Linh: Chúng tôi thực hiện tham vấn bình ổn tâm lý, cung cấp các kỹ năng ứng phó với bạo lực, tư vấn về quyền của nạn nhân và hướng dẫn trình báo theo quy định pháp luật. Khi đó, nhân viên tư vấn đã thực hiện các biện pháp chuyên môn cùng thân chủ đưa ra các phương án đảm bảo an toàn và hướng dẫn trình báo cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết bạo lực.
PV: Xin chị cho biết, thời gian ổn định tâm lý của các trường hợp này thường mất bao lâu?
Chị Nguyễn Khánh Linh: Các ca tham vấn cho nam giới là nạn nhân BLGĐ ở chỗ chúng tôi đều qua điện thoại, không phải là ca hỗ trợ tâm lý trực tiếp nên không thể đánh giá được vấn đề này. Cần lưu ý rằng, mặc dù nam giới bị BLGĐ tăng lên nhưng số lượng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình vẫn chiếm đa số.
Bạo lực gia đình để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nạn nhân sống trong môi trường bạo lực phải chịu tổn thương nặng nề cả về thể chất và tinh thần. Họ có nguy cơ cao phải trải qua căng thẳng kéo dài, có những trường hợp có những rối loạn sau sang chấn, thậm chí có những suy nghĩ và hành vi tự hại…
Đặc biệt, trẻ em phải sống trong môi trường bạo lực sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Việc phòng, chống BLGĐ cần được quan tâm và có những hành động, chiến lược cụ thể để giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với tất cả các thành viên trong gia đình.
PV: Xin cảm ơn chị!
Theo Phụ nữ Việt Nam