Khách Việt than thiếu chỗ chơi đêm: Cầm tiền ăn tiêu 21h lên giường đi ngủ
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:56, 22/06/2024
Khách Việt than thiếu chỗ chơi đêm để tiêu tiền
Sau 3 ngày tới Phú Quốc (Kiên Giang), anh Nguyễn Thành Chung (quận Đống Đa, Hà Nội) tới thăm nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như đảo Hòn Thơm, Bãi Sao, Mũi Gành Dầu, Vườn quốc gia Phú Quốc, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã lớn nhất Việt Nam.
Dẫu vậy, vị khách này vẫn chưa cảm thấy chuyến đi "thực sự đã" bởi các điểm đến đa số phục vụ cho hoạt động vui chơi của các con hay nhu cầu chụp ảnh "sống ảo" của các chị em. Hai ngày sau đó, họ chỉ loanh quanh trong khu nghỉ dưỡng ở khu vực Dương Đông hoặc đi uống cà phê, đi chợ đêm.
"Ăn uống, đi chợ vài ngày là chán. Chương trình nhạc nước xem một hôm cũng kết thúc sớm. Nhiều quán hàng chỉ mở cửa đến 23h-24h, chủ yếu là quán ăn, quán bar. Tôi thì không thích mấy chỗ như vậy nên những hôm sau, khoảng 21h là cả nhà đã rủ nhau về khách sạn ngủ vì chẳng còn chỗ để đi", anh Chung chia sẻ.
Từng đi du lịch ở Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, vị khách Hà Nội được trải nghiệm không ít các tour du lịch đêm hấp dẫn với các hoạt động đa dạng gắn với văn hóa địa phương như thưởng thức ẩm thực, các chương trình nghệ thuật đêm, đi xe điện dạo quanh thành phố.
Cảm giác chơi đêm khác hẳn ban ngày khiến những vị khách như anh Chung được tận hưởng trải nghiệm mới lạ "rút ví chi tiêu cũng thấy đáng".
"Khi đi du lịch ở Việt Nam ngay cả tới những thành phố lớn như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc, ngoài các khoản cố định như vé máy bay, chi phí lưu trú, ăn uống và mua vài món đồ lưu niệm, lắm bận tôi phải mang tiền về vì làm gì còn chỗ nào ăn tiêu", vị khách 40 tuổi nói.
Chẳng riêng gì anh Chung, bản thân anh Hoàng Linh, một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hà Nội, thừa nhận bí ý tưởng khi đưa khách đi chơi đêm.
"Trước đây, mỗi khi bạn bè ra Hà Nội và ngỏ ý muốn đi chơi buổi tối, tôi cũng chỉ loanh quanh đưa họ lên Tạ Hiện uống bia xong rồi về. Khi dẫn tour đưa khách quốc tế đi chơi, đa phần họ đều hết lời ca ngợi cảnh quan và ẩm thực, nhưng không ít khách thẳng thắn nói Việt Nam thiếu hẳn dịch vụ đêm đủ sức hấp dẫn họ", hướng dẫn viên này nói.
Hiện tại, Hà Nội đã triển khai một số tour đêm như tour tham quan Hỏa Lò, tour xe bus 2 tầng buổi đêm, tour đêm "giải mã Hoàng Thành" tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, khám phá Văn Miếu Quốc Tử Giám về đêm, tour du thuyền trên sông Hồng... Tuy nhiên anh Linh cho biết hầu hết các tour đều kết thúc sớm. Sau 0h, khách chỉ loanh quanh một lúc rồi đường ai nấy về vì hết chỗ chơi.
Du lịch đêm ở Việt Nam bao giờ hết cảnh "ngủ sớm"?
Năm 2022, Viện nghiên cứu phát triển du lịch đã tiến hành nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm cho khách tại 4 địa phương ở Việt Nam gồm thành phố Đà Nẵng, phố cổ Hội An (Quảng Nam), thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và TPHCM.
Kết quả cho thấy, các sản phẩm dịch vụ du lịch ở những điểm đến này còn sơ sài, chủ yếu phục vụ khách tới tham quan và lưu trú ngắn. Ngoài ra, nguồn nhân lực tham gia hoạt động dịch vụ đêm còn hạn chế.
Tiếp đó vào tháng 7/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng cho tới năm 2025, với mục tiêu tăng lượng du khách, tăng chi tiêu. Ngoài ra, đề án còn nhằm kéo dài thời gian lưu trú ít nhất một đêm của khách nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, một số đơn vị lữ hành nhận định, tiềm năng du lịch đêm của Việt Nam vẫn bị bỏ quên và rơi vào tình trạng "ngủ sớm".
Theo bà Cù Minh Phương, CEO CMPVINA Travel & Logistics, du lịch đêm ở Việt Nam còn mang tính hộ kinh doanh và cá thể nhỏ lẻ. Nhiều du khách muốn sử dụng các dịch vụ du lịch đêm có tâm lý e dè vì không biết dịch vụ của những hộ kinh doanh cá thể này có đạt chuẩn không.
"Trên thực tế, du lịch đêm rất đa dạng và không chỉ dừng ở các hoạt động của quán bar, nhà hàng. Nhiều nước trên thế giới tập trung khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống để tổ chức tour đêm như chương trình thực cảnh, khu phố cổ, trò chơi truyền thống, trải nghiệm ẩm thực, kết hợp về âm thanh, ánh sáng để trình diễn ở các con sông về đêm để tạo ra sự đa dạng còn Việt Nam vẫn thiếu điều này", bà Phương nhận xét.
Tương tự, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội chuyên đón đoàn khách tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, thừa nhận họ mới chỉ đang khai thác cho khách đi tour đêm ở dạng tự chọn. Sau bữa tối và kết thúc hành trình tham quan ban ngày, khách được khuyến khích tự do tham quan các phố thương mại, phố đi bộ.
"Đa số tour đêm chỉ hoạt động tới 22h và chỉ tập trung ở những quán nhậu vỉa hè hay phố đi bộ, quán bar. Dù nhu cầu khách lớn nhưng hoạt động triển khai lại riêng lẻ, nhiều nơi có tính tự phát chưa thống nhất. Đặc biệt vấn đề quản lý và ô nhiễm tiếng ồn chưa được đảm bảo", vị này nói.
Đây cũng là nhận định của một đại diện doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, địa phương vốn khai thác hoạt động du lịch đêm từ sớm như chợ đêm, đi du thuyền ngắm dọc sông Hàn, tham quan tại các cây cầu, lễ hội pháo hoa…
"Nhiều người than thở rằng, họ đi du lịch nhưng không tiêu hết tiền vì các dịch vụ vui chơi cả ngày và đêm còn đơn điệu. Ban ngày vui chơi chưa đủ, họ còn muốn vui chơi cả ban đêm cho xứng đáng kỳ nghỉ một năm chỉ có một lần.
Trong khi khách Việt đi nước ngoài quay về là hết tiền vì sản phẩm đa dạng, hình thức vui chơi giải trí phong phú. Việt Nam chưa thực hiện được các tour xuyên đêm do sự hạn chế của các chính sách pháp luật, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và yêu cầu không làm ảnh hưởng đến đời sống các khu dân cư về đêm", vị này nói.
Chính vì điều này, ông Phùng Quang Thắng, phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng, muốn kinh tế đêm phát triển cần có bộ máy và cơ chế quản lý phù hợp, có quy hoạch cụ thể với không gian và thời gian thích hợp.