Quân sự thế giới hôm nay (22-6): Hệ thống Vòm sắt (Iron Dome) của Israel có thể bị chế áp
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:03, 22/06/2024
* Nga tuyên bố đẩy lùi nhiều cuộc tấn công quy mô lớn bằng UAV của Ukraine
Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga ngày 21-6 ra thông báo, tuyên bố đã đẩy lùi một số cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) và xuồng không người lái hải quân (USV) của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng của nước này.
Theo đó, ít nhất 70 UAV đã bị bắn hạ trên bán đảo Crimea, trong khi Hạm đội Biển Đen phá hủy 6 USV trong các cuộc tấn công từ phía Kiev. Ngoài ra, 43 UAV khác đã bị bắn rơi trên bầu trời vùng Krasnodar, trong khi 1 chiếc khác bị chặn ở vùng Volgograd và thêm 3 bị bắn hạ ở vùng biên giới Bryansk giáp Ukraine.
Binh sĩ Nga bắn mục tiêu bay thấp trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Các nguồn tin của Nga cũng cho biết UAV của Ukraine đã nhằm mục tiêu vào một sân bay quân sự ở Yeysk và một nhà máy lọc dầu trong cuộc tấn công vào vùng Krasnodar.
Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng UAV nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Đây được xem là lĩnh vực quan trọng để Nga duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đến nay, phương Tây tiếp tục chia rẽ về việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga và việc liệu các đồng minh có đưa quân đến hỗ trợ Kiev hay không. Trong khi một số nước cho rằng Ukraine có quyền tập kích vào lãnh thổ Nga để tự vệ, số khác cảnh báo hành động đó có thể khiến xung đột leo thang, vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
* Hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel có nguy cơ bị chế áp bởi Hezbollah
CNN dẫn lời các quan chức Mỹ lo ngại rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon, lực lượng này có thể chế áp hệ thống phòng không của Israel ở phía Bắc, kể cả hệ thống phòng không Vòm Sắt.
Các quan chức Israel đã thông báo với Mỹ rằng họ đang lên kế hoạch chuyển các nguồn lực từ miền Nam Gaza sang miền Bắc Israel để chuẩn bị cho một cuộc tấn công Hezbollah tiềm tàng. Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng “Hezbollah không phải là Hamas”, và nếu Hezbollah tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn, chủ yếu sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác, thì đây có thể là thách thức đối với khả năng phòng thủ của Nhà nước Do Thái.
Bệ phóng của hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của quân đội Israel khai hỏa tiêu diệt mục tiêu. Ảnh: The War Zone |
Mỹ ước tính Hezbollah có khoảng 150.000 rocket và tên lửa, trong đó có hàng nghìn tên lửa chính xác, cũng như nhiều UAV. Số vũ khí này lớn hơn theo cấp số nhân, tinh vi hơn và có sức tàn phá mạnh hơn của Hamas. Giới chức Nhà Trắng chưa phản đối Israel tấn công Hezbollah, nhưng cảnh báo rằng hành động của Israel có thể dẫn đến một cuộc chiến lớn hơn mà cả hai bên thực sự không mong muốn. Khi đó, hệ thống phòng không của Israel ở phía Bắc, kể cả hệ thống phòng không Vòm Sắt, sẽ đứng trước nguy cơ bị áp đảo, gây nguy hiểm đến tính mạng của binh sĩ và người dân Israel.
Vòm Sắt đóng vai trò quan trong trong hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel và chính phủ Mỹ đã chi gần 3 tỷ USD cho dự án này. Quân đội Israel từng tuyên bố Vòm Sắt có tỷ lệ thành công tới 95% khi đánh chặn rocket vào năm 2023.
Trong một thông tin liên quan, ngày 21-6, Reuters dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah, lưu ý rằng “khu vực và thế giới không được để Lebanon trở thành một Gaza thứ hai”.
* Đức sẽ trao “vũ khí phòng không con lai” cho chính quyền Kiev
The Telegraph đưa tin, các chuyên gia tập đoàn sản xuất quốc phòng Rheinmetall của Đức sẽ cho lắp “hệ thống phòng không Skyranger hiện đại nhất lên khung thân xe tăng Leopard 1” để tạo ra loại khí tài mới nhằm tăng cường năng lực phòng không của Ukraine.
“Vẫn còn rất nhiều xe tăng chiến đấu Leopard 1 mà chúng tôi có thể tận dụng để đặt tháp pháo Skyranger với súng máy 35mm lên khung gầm của chúng”, ông Bjorn Bernhard, người đứng đầu bộ phận Các hệ thống mặt đất của Rheinmetall nhấn mạnh.
Một chiếc “xe tăng Frankenstein” do hãng Rheinmetall lắp. Ảnh: The Telegraph |
Cũng theo lãnh đạo Rheinmetall, các hệ thống mà truyền thông Đức gọi là “xe tăng Frankenstein” có khả năng bắn hạ UAV và tên lửa, bên cạnh đó là khả năng vượt qua các điều kiện địa hình khó khăn trên chiến trường.
Không chỉ có vậy, nhà sản xuất còn đứng trước cơ hội lắp đặt thêm thiết bị chuyên dụng để phát hiện và theo dõi mục tiêu, cũng như tăng số lượng tên lửa sẵn sàng phóng, nhờ khung gầm xe tăng Leopard 1 có kích thước khá lớn.
Hệ thống Skyranger của Rheinmetall sử dụng mô-đun chiến đấu với pháo 35mm GDM-008 có tốc độ bắn rất cao, lên đến 1.000 phát/phút, đồng thời có thể lắp đặt một bệ phóng cho 2 tên lửa vác vai loại FIM-92 Stinger hoặc Mistral. Đạn của pháo 35mm bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó có cả loại gắn ngòi nổ vô tuyến định tầm nổ, đây là tính năng quan trọng khi chống lại mục tiêu nhỏ bay thấp như UAV cảm tử (đạn tuần kích). Cơ số đạn tiêu chuẩn mà mô-đun Skyranger mang theo là 252 viên.
Yếu tố gây thắc mắc nhất hiện là giá thành của tổ hợp phòng không mới sẽ ở mức nào, khi Skyranger là một trong những vũ khí đắt đỏ nhất của Đức, trị giá ước tính khoảng 200 triệu USD. Vì vậy, giới truyền thông cho rằng sẽ chỉ có một vài chiếc xe tăng loại này được hoán cải và gửi cho Ukraine để thực hiện vai trò mẫu thử nghiệm công nghệ. Tuy nhiên, chưa rõ khi nào Ukraine có thể nhận được “xe tăng Frankenstein”.
Theo một thông cáo báo chí của Rheinmetall, hãng này đã giới thiệu một phương tiện tương tự, nhưng được đặt trên khung gầm Leopard 2, tại triển lãm Eurosatory 2024 vừa diễn ra ở Paris, Pháp.
MINH ANH(tổng hợp)