Mong chờ gì ở các kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024?
Kinh doanh - Ngày đăng : 21:15, 21/06/2024
Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines: Hướng đến mục tiêu phục hồi mạnh mẽ mạng bay lẫn tối ưu chi phí vận hành
Ngày 21/6, Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines đã được diễn ra với mục tiêu đạt được kỳ vọng tăng trưởng và duy trì đà phục hồi mạnh mẽ.
Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, dự kiến năm 2024, hãng sẽ vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so 2019.
Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 7,64 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 120,2% so cùng và bằng 84,4% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm đạt 15 triệu khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và tăng 8,7% so với năm 2019.
Về mô hình đội tàu bay, Vietnam Airlines sẽ tập trung đầu tư dự án tàu bay thân hẹp, dự án chuyển đổi cấu hình các tàu bay A321ceo để nâng cao hiệu quả khai thác, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát triển trên cơ sở phù hợp với định hướng tái cơ cấu tối ưu.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.
Một trong những khó khăn hiện tại cần nhìn nhận thực tế, theo Vietnam Airlines chính là vấn đề động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt nguồn lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch.
“Tình huống này có thể kéo dài đến năm 2025, Vietnam Airlines đang có 11 tàu Airbus320 và 2 tàu A350 đang phải nằm đất để đợi khắc phục các vấn đề liên quan đến động cơ. Vietnam Airlines đang triển khao nhiều giải pháp đồng bộ nhưng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn khai thác tuyệt đối trong mọi tình huống”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Đại hội đồng cổ đông VNG: Tập trung AI và mở rộng thị trường nước ngoài
Cũng trong ngày 21/6, Công ty Cổ phần VNG đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông cho mục tiêu kiên trì định hướng trở thành Công ty công nghệ toàn cầu, đặt mục tiêu dẫn đầu làn sóng AI trong khu vực.
Theo ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VNG, với đội ngũ hơn 300 kỹ sư và chuyên gia AI, Công ty xác định trí tuệ nhân tạo là trọng tâm phát triển, có thể tạo ra đà tăng trưởng mới trong những năm tới cho công ty. VNG hiện là một trong những doanh nghiệp đón bắt làn sóng AI nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đi đầu cả về đầu tư, nghiên cứu, triển khai, và thương mại hóa, tạo ra doanh thu từ AI.
VNG hiện là một trong số ít doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tạo được tăng trưởng đột phá tại thị trường quốc tế, từ cả những mảng kinh doanh lõi như game cho đến các mảng kinh doanh hoàn toàn mới như AI. Năm 2023, doanh thu cung cấp dịch vụ cho thị trường nước ngoài của Công ty đạt 1.744 tỷ đồng, tăng tới 35% so với 2022.
Cho 3 năm tới, VNG đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài của khối Trò chơi trực tuyến sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn doanh thu trong nước. Xa hơn nữa, Công ty đặt mục tiêu tất cả các sản phẩm, dịch vụ đều có thể cung cấp cho các khách hàng trên phạm vi quốc tế, đặc biệt là với dịch vụ AI sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam lẫn thị trường khu vực.
Đại hội đồng cổ đông VEAM: Đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 5.400 tỷ đồng
Ngày 20/6, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)-CTCP đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 cho mục tiêu lợi nhuận hơn 5.400 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Quy - Phó tổng giám đốc cho biết, năm 2024, VEAM đã đề ra 7 giải pháp nhằm thực hiện được các mục tiêu tối ưu vận hành, tập trung nhóm vấn đề: Tái cơ cấu doanh nghiệp; kinh doanh và phát triển thị trường; hợp tác sản xuất; đầu tư; tài chính, thu hồi công nợ; tổ chức, nhân sự và một số công tác khác.
Đặc biệt, VEAM cũng tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng đối với máy nông nghiệp sản xuất trong nước (không có VAT) so với máy nhập khẩu (VAT 0%).
Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, gây bất lợi đối với sản phẩm máy nông nghiệp sản xuất trong nước do không được hoàn thuế VAT đầu vào, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa sản phẩm máy nông nghiệp sản xuất trong nước và máy nhập khẩu để hỗ trợ, giúp các đơn vị của VEAM tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này.
Đại hội đồng cổ đông Viconship: Tập trung kế hoạch đầu tư lĩnh vực quan trọng
Trung tuần tháng 6, CTCP Container Việt Nam - Viconship cũng đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông 2024, trong đó tập trung kế hoạch đầu tư quan trọng mang lại nguồn thu tối đa trong vận hành.
Theo đó, Viconship sẽ thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 2.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11,5% và 20,8% so với thực hiện năm 2023. Cổ tức dự kiến sẽ ở mức 10%.
Về kế hoạch mua bán sáp nhập, Viconship dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng từ vốn góp của các thành viên để nâng sở hữu mức tối đa 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Đáng lưu ý, Viconship cũng đã có những kế hoạch huy động tài chính để thực hiện chương trình đầu tư quan trọng. Cụ thể, Viconship dự kiến sẽ đầu tư nhận chuyển nhượng để đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển với tổng vốn đầu tư dự kiến tối đa là 500 tỷ đồng; Đầu tư tài chính với số tiền dự kiến 500 tỷ đồng; Đặt cọc để đầu tư vào một cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện, Hải Phòng với số tiền dự kiến 1.000 tỷ đồng.
Hiện trên thị trường, cổ phiếu VSC của Viconship đang có nhịp tăng khá mạnh từ giữa tháng 4 đến nay. Chốt phiên 21/6, thị giá VSC đã tăng gần 18% và hiện giao dịch quanh mức 22.300 đồng/cp, cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Vốn hóa thị trường của Viconship tương ứng hơn 6.000 tỷ đồng.