Dấu ấn trong quân đội của Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Tin thế giới - Ngày đăng : 05:50, 21/06/2024
Phụ nữ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới. Nhiều phụ nữ đã được vinh danh nhờ nghị lực, sự dũng cảm, và ý chí kiên cường khi hoạt động trong môi trường vốn do nam giới thống trị. Dưới đây là chân dung những nữ quân nhân đã ghi dấu ấn khó phai trong quân đội các nước.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary Windsor, sinh ngày 21/4/1926. Bà là con đầu lòng của Vua George VI và Vương hậu Elizabeth.
Vào năm 1944, khi mới 18 tuổi, công chúa Elizabeth đã kiên quyết nhập ngũ bất chấp sự phản đối của vua cha. Bà đã được đào tạo làm công tác hỗ trợ hậu cần, lái xe, kiêm thợ cơ khí.
Khi Thế chiến thứ Hai bắt đầu, công chúa Elizabeth mới 13 tuổi, và em gái Margaret mới 8 tuổi. Dù nhiều người thúc giục Vương hậu sơ tán 2 con gái đến Canada, nhưng bà đã từ chối.
“Các con tôi sẽ không rời đi nếu thiếu tôi. Tôi sẽ chẳng đi đâu, nếu không có nhà vua. Và nhà vua sẽ chẳng bao giờ rời đi”, tờ Business Insider dẫn lời Vương hậu.
Theo tờ New York Times, việc gia đình công chúa Elizabeth ở lại Anh trong suốt Thế chiến thứ Hai kéo dài từ năm 1939-1945 đã được công chúng đánh giá cao. Họ trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, và sự kiên cường.
Còn theo tờ Stars and Stripes, Vua George ban đầu phản đối ý tưởng để con gái nhập ngũ, nhưng công chúa Elizabeth đã tìm mọi cách thuyết phục.
Ở tuổi 18, công chúa gia nhập lực lượng hỗ trợ hậu cần (ATS), được học cách sửa xe và lái xe tải cỡ lớn như xe cứu thương. Vương hậu đã tới thăm trong thời gian công chúa ở ATS. Sau này khi lên ngôi, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn thường xuyên tự lái xe. Bà từng là người duy nhất ở Anh được phép lái xe mà không cần bằng lái.
Vua George còn đảm bảo con gái sẽ không được trao bất kỳ đặc quyền nào trong quân đội. Song theo tạp chí Life năm 1945, công chúa lúc đó "không ngủ ở doanh trại mà lái xe mỗi đêm đến Lâu đài Windsor, và trình diện vào 9h sáng hôm sau".
Dù không đảm nhận vai trò chiến đấu, nhưng việc tình nguyện tham gia ATS không có nghĩa là không tiềm ẩn rủi ro. Đáng nói, phụ nữ trong ATS từng đảm nhận nhiều công việc truyền thống của nam giới trong chiến tranh như chế tạo pin và tìm kiếm máy bay địch. Theo BBC, trong giai đoạn đỉnh điểm, ATS thu hút 210.308 phụ nữ tham gia, và 335 người đã hy sinh.
Khi đảm nhận công việc của một thợ cơ khí, số hiệu của công chúa Elizabeth trong quân đội là 230873, đóng quân tại Camberley, Surrey. Công chúa đã được học cách thay bánh xe, tháo lắp các loại động cơ khác nhau.
Theo tạp chí Collier xuất bản năm 1947, công chúa rất thích làm thợ cơ khí dù khá vất vả. Công chúa còn có sở thích khoe móng tay đầy đất và dầu mỡ với bạn bè.
Còn theo Royal Collection Trust, đến năm 1945, công chúa đã được thăng cấp. Khi chiến tranh kết thúc, công chúa Elizabeth đã hoàn thành khóa học tại Trung tâm đào tạo cơ khí số 1 của ATS, và trở thành một tài xế.
Sau chiến tranh, công chúa cũng thường xuất hiện trong bộ quân phục, và đeo nhiều huân chương.
Khi mới 27 tuổi, công chúa tiếp nhận ngai vàng Vương quốc Anh với vương hiệu Elizabeth II vào năm 1952 sau khi vua cha băng hà. Với việc trị vì trong hơn 70 năm, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh. Kỷ lục trước đó do Nữ hoàng Victoria nắm giữ. Nữ hoàng Elizabeth qua đời ở tuổi 96 vào ngày 8/9/2022.
Một số hình ảnh công chúa Elizabeth gia nhập quân đội: