Những kỷ niệm đáng nhớ của học viên xe tăng Việt Nam ở Nga
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 07:14, 20/06/2024
Từ các "Mama tổng quản" ở ký túc xá...
Tại Trường đào tạo sĩ quan xe tăng cấp cao Vystrel - Học viện Quân sự mang tên Nguyên soái Shaposhnikov (nay đã sáp nhập cùng một số học viện nhà trường khác thành Học viện Quân sự Tổng hợp của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga), những người Nga mà các sĩ quan học viên của ta được tiếp xúc nhiều nhất vì lý do công việc tất nhiên là vị cán bộ quản lý khối học viên Việt Nam và giáo viên chủ nhiệm lớp.
Song thực ra, những người gần gũi nhất và tiếp xúc nhiều nhất với học viên cả trong và ngoài giờ làm việc chính là các "Mama tổng quản", cách gọi vui đối với những bà mẹ Nga trực tại ký túc xá của họ.
Có lẽ đây là một nét riêng có ở Liên Xô thời đó. Không biết vì lý do gì mà công việc trực ở ký túc xá học viên nước ngoài hầu hết được giao cho các bà mẹ người Nga, những người đã về hưu đảm nhiệm. Với tuổi tác của mình, các bà thường được học viên gọi là "Mama - Mẹ" và khi vui vẻ là "Mama tổng quản".
Nhiệm vụ của các bà là thường trực, giữ vệ sinh chung, nhắc nhở mọi người chấp hành các quy định về trật tự nội vụ...
Dưới bàn tay chăm sóc của các mẹ, hành lang và khu vực sinh hoạt chung trong căn nhà lúc nào cũng sạch như lau như ly. Nhờ vị trí làm việc ngay tại phòng sinh hoạt chung, đối diện với cửa ra vào nên không một hoạt động nào trong ký túc xá qua được mắt các bà.
Có thể dễ dàng nhận thấy một đặc điểm chung của các bà và có lẽ cũng là đặc điểm chung của những người Xô Viết lớn tuổi là có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, rất nguyên tắc, nghiêm khắc nhưng cũng tràn đầy tình thương yêu với những đứa con Việt Nam mà trong đó có nhiều con từng là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ.
Không chỉ thương yêu, các bà còn có sự thông cảm sâu sắc với họ. Biết học viên Việt Nam phụ cấp thấp, thường tự nấu ăn ở nhà nên mỗi khi các khóa trước ra trường về nước, các bà thường nhặt nhạnh nồi niêu, bát đũa, dao thớt... rửa sạch, sấy khô và cất đi. Khi khóa sau sang học, các bà giao lại cẩn thận, còn hướng dẫn về các cửa hàng và cách đi mua thực phẩm sao cho rẻ hơn và ngon hơn.
Ngăn kéo của các bà như "túi càn khôn", có đủ các thứ mà học viên cần bất cứ khi nào. Từ cây kim, sợi chỉ, cái cúc đến cục tẩy, bao diêm, ngọn nến..., cái gì cũng có.
Sau rất nhiều khóa quản lý ký túc xá của học viên Việt Nam, các bà tâm tình: "Các con Việt Nam ngoan lắm, tốt lắm. Lúc nào cũng chấp hành nghiêm quy định của học viện, không say rượu, không làm ồn, không để mất vệ sinh, chỉ tập trung vào học... Các mẹ chỉ ghét mấy đứa nghiện thuốc, hay đóng cửa phòng hút thuốc thôi".
Với khí hậu lạnh giá của nước Nga, nhà ở thường phải làm rất kín. Độ ẩm không khí lại thấp, mùi khói thuốc ám vào chăn đệm khá khó chịu. Mỗi khi như vậy, các bà lại phải mở cửa phòng thông gió vài giờ mới hết.
Còn đối với các học viên Việt Nam, họ đã thật sự coi các bà như mẹ đẻ và luôn cố gắng để các mẹ không phải buồn. Mỗi khi có dịp họ lại tặng các bà một món quà nhỏ. Quà Việt Nam sang các bà thích nhất là lọ cao Con Hổ và mấy cái rổ tre xinh xinh.
... đến các cháu thiếu nhi ở trại hè
Chương trình học tập của các học viên sĩ quan tại Trường Vystrel có khá nhiều buổi học ngoại khóa. Đó thường là các buổi tham quan các Viện Bảo tàng, tham quan Triển lãm Kinh tế - Kỹ thuật, xem biểu diễn nghệ thuật, với mục đích để các học viên hiểu sâu sắc thêm về đất nước và con người Xô Viết.
Một trong những lần tham quan để lại ấn tượng sâu sắc nhất với lớp học viên xạ kích xe tăng ở Trường Vystrel là buổi tham quan trại hè của thiếu niên một quận thuộc vùng Moscow.
Với tiềm năng kinh tế của một siêu cường, với nguồn phúc lợi xã hội phong phú và quan điểm cho rằng đầu tư cho nuôi dưỡng, giáo dục thiếu niên nhi đồng là khoản đầu tư thông minh nhất, có lợi nhất, các thiếu nhi Liên Xô luôn được Nhà nước cũng như cộng đồng dành cho những gì tốt đẹp nhất.
Ở Liên Xô lúc đó, tất cả các trường học đều là trường công, được xây dựng khoa học và đẹp mắt trên những khu đất đẹp và rất rộng rãi, có đủ các sân chơi ngoài trời và nhà luyện tập đa năng. Học sinh đi học không phải đóng học phí, còn được bao ăn bữa trưa nếu học cả ngày.
Vào dịp nghỉ hè, học sinh được đi nghỉ ở các trại hè. Trại hè có nhiều cấp và thường được xây dựng ở gần biển hoặc trong rừng sâu, gần các hồ nước lớn.
Đi nghỉ ở trại hè, các học sinh được tham gia sinh hoạt ăn ở dã ngoại, những kỳ huấn luyện kỹ năng sống và hoạt động thể dục thể thao nhằm giáo dục một cách toàn diện cho các em. Mỗi đợt nghỉ đó thường kéo dài 1 đến 2 tuần.
Một ngày mùa Hè năm 1985, đoàn sĩ quan Việt Nam, học viên ở Trường Vystrel được đến thăm một trại hè của thiếu nhi một quận phía bắc của thủ đô Moscow. Trại nằm biệt lập trong một khu rừng rộng lớn, cạnh đó là một cái hồ rộng mênh mông. Không khí trong lành, mát mẻ. Sức chứa của khu trại đạt từ 150 đến 200 thành viên.
Sau khi tham quan một vòng cơ sở vật chất và chứng kiến các hoạt động dã ngoại của trại viên, Ban giám đốc trại mời đoàn đến giao lưu với các trại viên tại hội trường lớn.
Sau khi được nghe giới thiệu đây là các sĩ quan xe tăng Việt Nam mà rất nhiều người trong số này từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, giành độc lập, thống nhất cho đất nước Việt Nam, các thiếu nhi vỗ tay hoan nghênh kéo dài. Nhiều sĩ quan trong đoàn mắt rưng rưng vì cảm động.
Tiếp đó là màn giao lưu thân mật. Một vài học viên được mời lên kể chuyện chiến đấu. Một số cháu đặt các câu hỏi để học viên trả lời. Thì ra, khá nhiều cháu ở đây có hiểu biết rất tường tận về cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Rồi màn giao lưu cũng kết thúc và đến lúc phải chia tay. Các cháu ùa lên sân khấu xúm quanh các học viên, nhất là những người được giới thiệu là đã từng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, để xin chữ ký. Có cậu bé không chuẩn bị trước sổ tay còn giơ cả áo của mình ra xin chữ ký của các chú.
Lúc đã lên xe trên đường về nhà, có học viên vui vẻ nói: "Chưa bao giờ được ký nhiều thế này. Mỏi cả tay".
Bao khoai tây ngoài bờ rào
Là cơ sở đào tạo sĩ quan từ thời Nga Sa hoàng nên khuôn viên Trường Vystrel có diện tích rộng mênh mông. Bên cạnh đó là khu gia đình sĩ quan cũng rất rộng lớn. Để tận dụng đất đồng thời cải thiện đời sống nên Học viện thường cho gia đình các sĩ quan mượn đất để tăng gia sản xuất. Diện tích đất cho mượn không hạn chế và cũng không phải nộp bất cứ thuế phí gì.
Thực ra, vào thời điểm đó thu nhập của gia đình các sĩ quan Liên Xô không phải thấp so với mặt bằng xã hội. Tuy nhiên, phần nhiều trong số họ xuất thân từ nông dân nên rất yêu quý ruộng đất và cũng thích lao động. Ngoài ra, họ cũng muốn thông qua công việc này để giáo dục tinh thần yêu lao động cho con cái.
Vì vậy, hầu hết gia đình các sĩ quan đều mượn Học viện một khoảnh đất để trồng trọt, dù ít hay nhiều. Các loại cây họ trồng thường là rau củ các loại, phổ biến nhất là khoai tây và cà chua.
Biết được điều đó, các học viên lớp xạ kích xe tăng Việt Nam đã đề nghị với thầy chủ nhiệm cho cùng tham gia cho vui bởi ngày nghỉ ở học viện cũng chẳng có việc gì làm. Lúc đầu, thầy đồng ý nhưng sau đó lại từ chối vì lý do: "Các đồng chí thông cảm. Học viện nghiêm cấm chuyện học viên lao động giúp gia đình giáo viên".
Mọi chuyện rồi cũng đi vào quên lãng. Cho đến một ngày thầy bảo: "Sáng Chủ nhật này, nếu thấy một bao tải khoai tây để ở bờ rào ký túc xá thì cứ xách vào mà dùng nhé!". Khi học viên hỏi lại, thầy cười: "Không nói nhiều. Cứ thế mà thực hiện!".
Thì ra, đến mùa thu hoạch, thầy muốn chia sẻ thành quả lao động của gia đình mình với các học viên Việt Nam. Tuy nhiên, vì những quy định của Học viện, thầy không thể đem cho một cách công khai đành nghĩ ra giải pháp này. Câu chuyện thật cảm động.
Mấy chục năm đã trôi qua. Liên bang Xô Viết không còn nữa nhưng tình người Nga - Xô Viết trong lòng các học viên quân sự Việt Nam còn mãi mãi.