Lạc vào ma trận các khoá học hè, nhiều phụ huynh loay hoay sập bẫy
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:21, 19/06/2024
Hè năm nay, chị Nguyễn Như Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dự định tìm cho cậu con trai út 8 tuổi khoá học hè để có thêm vốn kiến thức và kỹ năng sống. Thế nhưng lên mạng tìm kiếm, chị hoang mang trước quá nhiều lựa chọn.
Các trại hè đa dạng về nội dung: trại hè quân đội, trại hè tiếng Anh, trại hè thể thao, sáng chế mô hình, kỹ năng giao tiếp, hội hoạ, khai phá tài năng. Các hoạt động thường kéo dài 7 ngày đến 10 ngày, thậm chí kéo dài cả tháng hè với mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô tổ chức.
Để thu hút học viên tham gia, nhiều đơn vị còn tung các chương trình ưu đãi: giảm giá 30% học phí nếu đăng ký sớm, đăng ký từ 3 người trở lên, trả góp học phí với lãi suất 0%. "Càng tìm tôi càng hoa mắt như lạc vào ma trận trại hè, băn khoăn không biết làm sao để lựa chọn chương trình phù hợp cho con", chị Dung cho hay.
Việc nở rộ các khoá học hè khiến chị càng phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt trước tình trạng nhiều phụ huynh từng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, chị càng thêm phần lo lắng.
Từ ngày con được nghỉ hè đến nay cũng gần một tháng, nhưng chị Dung vẫn chưa tìm được khoá học với nội dung phù hợp cho con trai. “Quá nhiều trại hè nhưng chất lượng, hiệu quả vẫn là ẩn số”, nữ phụ huynh lăn tăn.
Ở hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Đức Long (Thanh Xuân, Hà Nội) đau đầu tìm khoá học hè cho con. Kỳ nghỉ hè mọi năm, vợ chồng anh chị thường đưa con sang ông bà để gửi. Năm nay sức khoẻ ông bà đôi phần giảm sút, gia đình lại bận rộn nên anh chị quyết định tìm cho con trại hè nội trú. Mục tiêu vợ chồng anh Long đặt ra là muốn cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm và tăng cường trau dồi kỹ năng mềm.
Việc tưởng đơn giản lại trở nên vô cùng khó khăn, khi xuất hiện nhan nhản các hình thức trại hè khiến anh không biết chất lượng thế nào và nên chọn theo tiêu chí gì.
Tìm kiếm mãi, phụ huynh khá ưng ý với một mô hình trại hè làng quê được quảng cáo trên mạng xã hội. Khi tham gia chương trình này, trẻ sẽ được trải nghiệm thức tế về cuộc sống làng quê, vun đắp tình yêu quê hương đất nước. Tuy nhiên, khi trao đổi trực tiếp với ban tổ chức, nam phụ huynh cảm nhận các hoạt động sơ sài, không sáng tạo và không đủ an toàn cho con trai, nên quyết định ngừng đăng ký.
"Đặc biệt hơn, đa phần các hoạt động trại hè, lớp kỹ năng được quảng cáo trên mạng xã hội đều không có web rõ ràng, đơn vị chủ quản hay thông tin cấp giấy phép hoạt động, chủ yếu là hoạt động của một nhóm tự phát. Nếu phụ huynh nào không tìm hiểu kỹ rất dễ sập bẫy", anh Long nói. Không chỉ có nhu cầu cho con tham gia các hoạt động vui chơi và học kỹ năng sống, anh còn mong muốn tìm một trại hè uy tín, giáo dục tốt để đảm bảo an toàn cho con.
Không đủ tỉnh táo như anh Long, chị Dung, chị Trần Thị Hà (38 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới mất oan khoản tiền hơn 4 triệu đồng với khoá học hè tài năng nhí.
Đầu tháng 6, đứa con gái lớp 1 bắt đầu nghỉ hè, chị và chồng lên mạng xã hội tìm kiếm các khoá học hè gần nhà. Sau cú nhập chuột, hàng chục khoá học hè quanh quận Nam Từ Liêm được gợi ý. Chị đăng ký cho con một lớp học được quảng cáo trang bị cho học sinh đầy đủ các kỹ năng từ múa hát, thuyết trình, kỹ năng tự chăm sóc bản thân... thời gian học 15 buổi, kéo dài hết tháng 7.
Thời gian kết thúc khoá học vừa khớp với lịch đi học bồi dưỡng ở trường nên chị Hà không suy nghĩ nhiều nộp tiền đăng ký cho con theo học. Thế nhưng buổi đầu đưa con đến lớp - nhà 3 tầng nằm trong khu đô thị, được trung tâm thuê lại, hình ảnh trang trí không có, số lượng giáo viên đứng lớp cũng chỉ 1 - 2 người, dụng cụ phục vụ học tập cũng sơ sài.
"Lúc đó tôi khá sốc, khác hoàn toàn với những lời quảng cáo có cánh trên mạng xã hội. Thắc mắc với chủ trung tâm thì được thông báo học chủ yếu bằng máy chiếu nên không cần trang bị nhiều thiết bị học", chị nói và cho biết có ý định xin rút lại học phí nhưng không được chấp nhận. Để đảm bảo an toàn cho con, vợ chồng chị chấp nhận mất trắng số tiền đóng học, tìm trung tâm uy tín hơn gửi con.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc các khóa học kỹ năng sống, trại hè dành cho trẻ thường nổ rộ vào các dịp hè, sau khi các em kết thúc năm học, phụ huynh mong muốn tìm nơi gửi con. Xu hướng này có nhiều điểm tích cực giúp trẻ được học, được trải nghiệm nhiều hơn. Đồng thời khi đời sống kinh tế tốt hơn, cha mẹ có điều kiện để đầu tư cho con nhiều hơn là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh công nghệ nền tảng số phát triển, khi trẻ được nghỉ học ở nhà, các bậc phụ huynh cũng lo lắng thế giới công nghệ đang trở thành môi trường rất nguy hiểm, nếu không có sự hỗ trợ hay giám sát của nhà trường hoặc cha mẹ.
"Việc cho con tham gia những khóa học kỹ năng, trại hè cũng là giải pháp tình thế để giúp bố mẹ yên tâm hơn. Tuy nhiên tâm lý này rất dễ bị những cá nhân tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống hoặc trại hè dựa vào để trục lợi", vị chuyên nói và khuyên phụ huynh nên tìm đến các trung tâm tư vấn có trụ sở rõ ràng, kinh nghiệm tổ chức lâu năm, tránh các khoá học quảng cáo trên mạng không rõ đơn vị tổ chức.
Theo Công an Thành phố Hà Nội, lợi dụng nhu cầu của các bậc phụ huynh cho con trong dịp nghỉ hè năm 2024, gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các trại hè, khóa học kỹ năng, khóa tu mùa hè… có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia.
Trước chiêu trò lừa đảo thông qua các khóa học mùa hè đang rộ lên trên mạng xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên các trang mạng để tránh bị lừa đảo.