Kinh tế Nga thời Tổng thống Putin: Tăng trưởng kinh ngạc, dầu khí bội thu
Tin thế giới - Ngày đăng : 09:24, 19/06/2024
Hồi phục đáng kinh ngạc
Không đổ vỡ như nhiều cảnh báo hồi đầu năm 2022, nền kinh tế Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin được đánh giá tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Nga tăng trưởng vượt trội so với kỳ vọng trong năm 2023 với 3,6%. Tổ chức này dự báo GDP của nước Nga dự kiến tăng 2,9% trong năm 2024 và 1,4% vào năm 2025. Trong quý I/2024, theo ông Putin, kinh tế Nga tăng trưởng 5,4%.
Đây là những con số ấn tượng nếu so với tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo WB, Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2023, năm 2024 dự kiến là 2,7%. Nước Anh tăng 0,5%, trong khi Đức và Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt là 0,2% và 0,7%.
Theo tờ Guardian, nền kinh tế Nga ghi nhận “khả năng phục hồi đáng kinh ngạc” cho dù phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga trong khoảng 2 năm vừa qua. Nga vẫn nhận được hàng hóa cần thiết của phương Tây thông qua trung gian, từ đó duy trì được nền sản xuất.
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, nền kinh tế Nga đã có những chuyển biến rất tích cực với doanh thu dầu thô có xu hướng tăng lên và đồng ruble cũng ổn định hơn.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 7/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, gần 40% kim ngạch thương mại của Nga hiện được giao dịch bằng đồng ruble. Con số này tăng so với mức khoảng 30% của một năm trước đó và cao hơn mức 15% trong giai đoạn trước cuộc xung đột Ukraine.
Nga gần đây tăng tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ của những quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Từ đầu năm 2024, nhóm BRICS kết nạp thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bên cạnh các thành viên cũ là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Nhóm BRICS chiếm 32% GDP thế giới, vượt G7. Hiện có khoảng 40 quốc gia khác quan tâm đến việc gia nhập BRICS gồm Bahrain, Belarus, Cuba , Kazakhstan, Pakistan, Sénégal và Venezuela…
Theo hãng tin IntelliNews, hồi tháng 8/2023, Nga đã vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và gần đây, WB ngày 30/5 đã cập nhật dữ liệu về các chỉ số ngang giá sức mua, cho rằng Nga đã vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Nền kinh tế Đức trì trệ trong vài năm gần đây do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trên thực tế, theo Intellinews, sau khi WB sửa đổi dữ liệu tính toán hồi đầu tháng 6, Nga được xem là đã vượt qua Nhật Bản từ hồi năm 2021 tính theo sức mua tương đương (PPP) kể từ đó tới nay. GDP tính tới năm 2021 của Nga là 5.700 tỷ USD.
Sở dĩ nền kinh tế Nga không sụp đổ như dự báo mà vẫn hồi phục ấn tượng, bởi xuất khẩu năng lượng vẫn được duy trì và tăng trưởng tốt. Nền kinh tế Nga đã thích ứng tốt hơn nhiều người dự đoán. Trong năm 2024, tăng trưởng GDP đến từ các ngành cơ bản như sản xuất, xây dựng, hậu cần, nông nghiệp…, còn 60% đến từ các ngành hỗ trợ như thương mại, khách sạn và dịch vụ tài chính.
Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 được tổ chức tại Đại cung điện Kremlin hôm 7/5, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, nước Nga sẽ trỗi dậy "mạnh mẽ hơn" sau giai đoạn khó khăn. Nhiệm kỳ mới sẽ kéo dài 6 năm.
Trong tuần trước, phương Tây cho biết sẽ biến lãi suất từ khoản tiền hơn 300 tỷ USD của Nga bị đóng băng thành khoản thế chấp để huy động 50 tỷ USD cho Ukraine.
Việc bị phong tỏa hơn 300 tỷ USD được xem là khó khăn để Nga phát triển kinh tế và ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn có một nguồn lực rất lớn đến từ mặt hàng tối quan trọng là dầu khí.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Nga ghi nhận doanh thu từ dầu khí tăng 73,5% so với cùng kỳ, lên 4,95 nghìn tỷ ruble (tương đương gần 56 tỷ USD). Doanh thu từ mảng này tăng mạnh nhờ giá dầu tăng cao và do Nga chuyển hướng khách hàng dầu mỏ và khí đốt từ EU sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.
Giá dầu thô gần đây tăng mạnh trở lại. Trong phiên 17/6, giá dầu đã nối dài đà tăng trong tuần trước, thêm 2,4% lên trên mức 80 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2% lên 84,3 USD/thùng. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 4,8% trong năm 2023, góp phần đẩy tiêu thụ dầu tăng cao.
Trước đó, Nga giảm ước tính giá xuất khẩu dầu từ 70 USD/thùng xuống 65 USD/thùng vào năm 2024-2027.
Đây được xem là một dự báo thận trọng, bởi doanh thu dầu khí từ đầu năm 2024 đến nay của Nga tăng mạnh khi nước này vượt qua lệnh trừng phạt để bán được dầu thô và sản phẩm tinh chế ở mức giá cao.
Có thể thấy, trong 25 năm lãnh đạo nước Nga (từ lần đắc cử đầu tiên năm 2000), trong giai đoạn đầu ông Putin có quan hệ tốt đẹp với các lãnh đạo phương Tây với cuộc gặp Tổng thống Mỹ George W. Bush năm 2001, hay thăm nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Anh vào năm 2003. Từ nửa cuối nhiệm kỳ 3, căng thẳng với phương Tây gia tăng sau sự kiện Crimea hồi năm 2014 và "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Nhìn chung sau gần 25 năm lãnh đạo, ông Putin đã đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khó khăn, thay đổi về mọi mặt. Tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu tăng từ 2% lên khoảng 4%. Ông Putin đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Nga lần thứ 5 với số phiếu cao kỷ lục trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ổn định.
Dù vậy, nước Nga vẫn đối mặt nhiều thách thức với hàng chục nghìn lệnh trừng phạt, chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế. Đồng ruble nhiều khoảng thời gian lao dốc. Những thách thức khác đối với kinh tế Nga là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trên thị trường lao động, lạm phát tăng cao...