Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam: Hành trình từ Thanh niên Bưng Phở đến Chủ Doanh nghiệp

Kinh doanh - Ngày đăng : 19:57, 01/06/2024

Từ một chàng thanh niên kiếm sống bằng nghề bưng phở, ông Phạm Văn Tam đã sở hữu được khối tài sản khổng lồ khi quyết định tạo ra thương hiệu hàng điện tử Asanzo đứng top 4 thị phần tivi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau biến cố vào năm 2019, ông Tam liên tục gặp khó khăn trong việc kinh doanh của mình, dự án nào mới ra mắt cũng không thể phát triển lâu dài.

asanzo-pham-van-tam.jpg
Chủ tịch Asanzo - doanh nhân Phạm Văn Tam. Ảnh: thanhnien

Mới đây, thông tin CTCP Tập đoàn Asanzo bị cơ quan quản lý dừng làm thủ tục hải quan đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Cụ thể, do công ty nợ thuế quá 90 ngày với số tiền lên đến 47 tỷ đồng, nên Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của công ty. Trước đó vào năm 2019, Asanzo cũng từng gặp biến cố khiến cho ông Phạm Văn Tam đau đớn vì bạn hàng đối xử “vô đạo đức” với mình.

Hành trình xây dựng sự nghiệp của ông Phạm Văn Tam

Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh, hiện là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo - thương hiệu hàng điện tử của Việt Nam. Không như những vị chủ tịch khác, ông Tam chưa từng bước chân vào trường đại học hay cao đẳng nào. Cuộc đời ông đã gắn liền với những thiết bị điện tử kể từ khi còn rất nhỏ, và nhờ nó, ông đã xây dựng được cơ ngơi nghìn tỷ từ hai bàn tay trắng.

chan-dung-chu-tich-asanzo-pham-van-tam-nhieu-lan-dau-don-vi-ban-hang-quay-lung-khi-gap-khung-hoang-2-1672484163.jpg

Năm 12 tuổi, cậu bé Tam đã bị cuốn hút ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy được chiếc tivi trắng đen của gia đình. Vốn dĩ có sở thích mày mò các đồ điện tử từ trước, nên khi bố mẹ vắng nhà, Tam bắt đầu lấy tivi ra vọc để tìm hiểu. Không chỉ đồ vật trong nhà, cậu bé này còn giúp hàng xóm sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị như: tivi, cát sét,...và thú vui là ngồi hàng giờ bên đống đồ điện tử. Đến năm 18 tuổi, chàng thanh niên Phạm Văn Tam chọn đi học chụp ảnh chứ không thi đại học, vì thấy nghề này “sạch sẽ, bảnh bao, nay đây mai đó”. Nhưng chỉ theo học được hai năm, anh từ bỏ vì không còn hứng thú. Còn lại một ít tiền dành dụm, anh quyết định đóng tiền học ngoại ngữ và bưng phở kiếm sống, từ chối khoản tiền hỗ trợ từ ba mẹ. Trong khoảng thời gian này, chàng trai 18 tuổi đã có cơ hội tiếp xúc với công việc buôn bán tivi, tủ lạnh ở khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh.

Sau đó, ông Phạm Văn Tam được giới thiệu đi theo xe chở hàng điện tử từ Móng Cái vào TPHCM, mỗi chuyến đi được 1 triệu đồng. Đến TPHCM, ông được người chủ tin tưởng cho trông coi kho hàng và giao hàng cho các tiểu thương ở chợ Nhật Tảo. Công việc cứ lặp đi lặp lại khoảng hai năm, thì bất ngờ xảy ra, người chủ quyết định không làm nữa nên ông Tam trở thành người thất nghiệp. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn này, những người tiểu thương chợ Nhật Tảo quyết định góp mỗi người chục triệu cho ông mượn để lấy hàng về giao cho họ. Nhờ vào niềm đam mê từ nhỏ cộng với kinh nghiệm làm việc cho người chủ cũ, ông đã kiếm được 400 triệu đồng chỉ trong vòng hai năm. Trong lúc công việc làm ăn đang phát triển tốt, ông Phạm Văn Tam nhận được tin vô cùng sốc, đó là người giữ hộ tiền của ông đã bị bắt vì đem tiền đi mua vàng lậu. Tất cả mọi thứ như sụp đổ hoàn toàn, ông buồn bã về quê và từng có suy nghĩ tự tử.

chan-dung-chu-tich-asanzo-pham-van-tam-nhieu-lan-dau-don-vi-ban-hang-quay-lung-khi-gap-khung-hoang-3-1672484694.jpg

Hình ảnh thời trẻ của ông Phạm Văn Tam

Một lần nữa, bà con tiểu thương thân thiết tại chợ Nhật Tảo lại góp tiền cho ông Tam mượn, và tạo cơ hội cho ông làm trung gian giúp họ nhập hàng từ nước ngoài, không cần vốn chỉ cần kiểm tra chất lượng. Thời điểm đó buôn đồ điện tử lời rất nhiều, bán 1 lời 1, thậm chí lời gấp 2 lần và ông còn nhập linh thêm linh kiện để cung cấp cho các công ty sản xuất. Nhờ có kinh nghiệm trong nghề và được sự hỗ trợ của các tiểu thương, ông nhanh chóng dành dụm được số vốn. Đến năm 2009, các sản phẩm điện tử trong nước không thể cạnh tranh được với những thương hiệu đến từ nước ngoài như: Samsung, LG, Sony,...khiến cho các khách hàng của ông Tam phải “đầu hàng”. Trước tình cảnh làm ăn không được, ông quyết định tự làm sản phẩm riêng của mình. Lần đầu tiên, vị doanh nhân này đã lỗ vài trăm triệu khi sản phẩm bị tẩy chay vì không có đội ngũ bảo hành những sản phẩm hư. Năm 2011, ông cố gắng tạo ra thương hiệu khác nhưng vẫn thất bại. Đến năm 2013, sau nhiều lần thất bại với mặt hàng điện tử gia dụng, ông Phạm Văn Tam quyết đánh cược vào tivi giá rẻ với thương hiệu Asanzo.

Theo chia sẻ của ông chủ Asanzo, lý do chọn tivi giá rẻ vì những người có thu nhập trung bình ở các nông thôn chỉ cần một thiết bị nghe nhìn tốt, giá cả phải chăng. Trong khi đó, các sản phẩm của thương hiệu nước ngoài có rất nhiều tính năng cao cấp nhưng lại không cần thiết dẫn đến giá thành quá cao, nên ông Tam tin rằng mình sẽ thành công ở thị trường ngách phân khúc giá rẻ. Kể từ đó, các sản phẩm thương hiệu Asanzo đã phát triển như “diều gặp gió”, xuất hiện ở khắp mọi nơi và giúp ông Phạm Văn Tam sở hữu khối tài sản khổng lồ sau nhiều lần thất bại.

Đau đớn vì những biến cố xảy ra tại Asanzo

Năm 2013, ông Tam bỏ ra 20 triệu USD để đầu tư nhà máy sản xuất tivi thương hiệu Asanzo với mong muốn mỗi tháng bán vài trăm chiếc. Đầu tiên, ông đặt linh kiện từ nước ngoài về lắp ráp được 4.000 chiếc tivi, nhưng lô hàng này đã bị thu hồi vì hư màn hình. Thất bại này khiến cho ông lỗ hàng chục tỷ đồng. Sau đó tivi Asanzo 25 inch ra đời với giá thành chưa tới 2 triệu đã thành công khi bán được hàng nghìn chiếc trong đợt ra mắt thị trường. Nhận thấy sản phẩm của mình được khách hàng đón nhận, ông Tam liên tục cho ra mắt các dòng tivi khác nhau đáp ứng nhu cầu của thị trường như: màn hình LED, màn hình cong, màn hình 32 - 55 inch,...Kết quả cuối năm 2014, doanh số đạt được 100.000 chiếc tivi, cao hơn rất nhiều lần so với vài trăm chiếc mỗi tháng như mục tiêu ban đầu. Năm 2015, doanh số tăng trưởng gấp 3 lần so với năm trước đạt 300.000 chiếc, và năm 2016 là 500.000 chiếc. Doanh thu từ những chiếc tivi cũng đạt con số “khủng” khi ghi nhận 1.200 tỷ đồng năm 2015 và 2.500 tỷ đồng năm 2016.

chan-dung-chu-tich-asanzo-pham-van-tam-nhieu-lan-dau-don-vi-ban-hang-quay-lung-khi-gap-khung-hoang-4-1672485062.jpg

Tháng 10/2016, ông Phạm Văn Tam chính thức thành lập CTCP Tập đoàn Asanzo với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, ông Tam góp 90% vốn, CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam góp 2 tỷ đồng và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo góp 2 tỷ đồng. Còn lại 6% chia đều cho ba cổ đông cá nhân là: bà Phạm Thị The, Phạm Văn Toản và Phạm Xuân Tình. Khi đó, ông Tam là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, ông chủ của Asanzo đã thoái vốn gần hết khi chỉ còn nắm giữ 1% vốn của công ty, sau đó hai cổ đông là công ty điện tử và công ty truyền thông cũng rút hết vốn. Giai đoạn 2017 - 2018, doanh thu của thương hiệu đồ điện tử này tăng trưởng mạnh đạt lần lượt là 4.600 tỷ đồng và 6.250 tỷ đồng. Với hàng triệu chiếc tivi bán ra thị trường, Asanzo lọt vào top 4 thương hiệu có doanh số tivi cao nhất tại thị trường Việt Nam có thị phần khoảng 16% chủ yếu bán ở nông thôn, chỉ đứng sau các ông lớn như: Samsung (35%), Sony (25%) và LG (17%).

Đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thì bất ngờ xảy ra vào tháng 6/2019, hàng loạt các kênh truyền thông đột nhiên đưa tin về việc “Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao”. Công ty bị Bộ Công an điều tra về việc: sản xuất, buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng, buôn lậu và trốn thuế. Đặc biệt là nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, rồi về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, sau đó dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang nước thứ ba. Ngay sau khi thông tin này bị lan truyền, hàng loạt “tai họa” liền ập xuống công ty của ông Tam. Các chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy lớn đồng loạt ngừng kinh doanh sản phẩm của Asanzo, bị các đối tác quay lưng, nhà máy sản xuất đình trệ,...gây tổn thất lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng bản thân ông Tam còn bị cắt sóng trên chương trình Shark Tank mùa 3. Biến cố này đã khiến ông muốn buông bỏ mọi thứ vì đau đớn và mệt mỏi. Ông từng chia sẻ rằng rất đau lòng vì những đối tác do ông giúp đỡ từ những ngày đầu đã quay lưng, và nói: “"Cùng nhau chịu đựng, cùng nhau vượt qua mới là người bạn tốt, đối tác tốt. Chứ không phải thấy người ta thất thế thì quay lưng đi, đó là vô đạo đức". Sau đó tận 1 năm trời, Bộ Công an mới công bố kết quả điều tra là chưa có căn cứ xác định Asanzo vi phạm những điều trên.

Đến giai đoạn 2020 - 2021, vị chủ tịch Phạm Văn Tam tiếp tục gặp thêm khủng hoảng từ dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Asanzo. Có thời điểm ông không làm gì trong vòng 4 tháng trời, chỉ ngồi ở trang trại của công ty ở Hòa Bình và gọi điện cho vợ con. Tiền lương nhân viên, tiền duy trì bộ máy, thuê mướn nhà xưởng,... vẫn phải trả đều đặn, nhưng sản xuất và kinh doanh thì bị gián đoạn vì các đợt giãn cách. Tuy nhiên, dù thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng nhưng đối với ông chỉ là những khoản “học phí” để công ty có thể thực hiện những thay đổi theo hướng bền vững hơn. Đối với ông đau đớn nhất là mất lòng, khách hàng mà quay lưng là án tử đối với sự nghiệp.

chan-dung-chu-tich-asanzo-pham-van-tam-nhieu-lan-dau-don-vi-ban-hang-quay-lung-khi-gap-khung-hoang-5-1672485460.jpg

Cuối năm 2020, vị doanh nhân này quyết định thành lập Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan với số vốn dự kiến lên đến 1.000 tỷ đồng. Winsan hoạt động dưới mô hình tài chính dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được ông Tam ấp ủ từ năm 2017. Khi mới thành lập, vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng do ông chủ Asanzo góp 95% vốn, còn lại bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng. Và ông Tam chính là người đại diện pháp luật kiêm giám đốc. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian truyền thông mạnh mẽ trên khắp các kênh, thì đến nay trang web của công ty tài chính này không hề có dấu hiệu hoạt động. Những tin tức mới nhất được đăng tải trên trang chủ của Winsan là vào tháng 12/2021 về việc cảnh báo lừa đảo. Và người đại diện pháp luật không còn là ông Tam mà được thay thế bởi ông Phùng Đông Hưng.

Đến năm 2021, ông Phạm Văn Tam tuyên bố cùng một nhóm nhà đầu tư thực hiện dự án 5 trang trại nuôi bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An, với quy mô vốn lên đến 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ông còn cho ra mắt sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu Ba Con Bò được sản xuất từ quy trình khép kín và rất tự tin vào dự án này. Vị doanh nhân này chia sẻ lý do bước chân sang mảng nông nghiệp vì khách hàng chủ yếu của Asanzo là người nông dân, nên ông muốn đồng hành cùng bà con để giúp kiếm họ kiếm tiền. Nhưng chỉ trong vài ngày sau, nhà sản xuất thương hiệu phân bón này bất ngờ khẳng định ông Tam hoàn toàn không đầu tư vào bất kỳ trang trại nào. Theo đơn vị sản xuất chia sẻ, ông chủ của Asanzo chỉ mua bao tiêu và phân phối độc quyền sản phẩm Ba Con Bò. Kể từ đó đến nay, không còn thấy ông Tam đề cập gì đến sản phẩm này nữa.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Tam là người có đam mê chơi golf khi thường xuyên chia sẻ các hình ảnh của ông tại sân golf trên mạng xã hội. Sau tất cả dự án được ông công bố đầu tư, thì trên trang cá nhân của ông chỉ còn đăng tải những thông tin liên quan đến thương hiệu điện tử Asanzo, hoàn toàn không có sự xuất hiện của công ty tài chính Winsan hay phân Ba Con Bò.