Khách Tây 'toát mồ hôi' nếm thử món canh từ phân non động vật ăn cỏ ở Hà Giang
Ẩm thực - Ngày đăng : 19:00, 18/06/2024
Andrew Fraser là một YouTuber người Úc, hiện sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Anh sở hữu kênh YouTube cá nhân với hơn 80.000 lượt theo dõi, chuyên đăng tải các video về du lịch, trải nghiệm ẩm thực tại nhiều tỉnh thành trên dải đất hình chữ S và thu hút cả triệu lượt xem.
Andrew tiết lộ, anh không ngại tìm kiếm và thưởng thức các món ăn độc lạ, thậm chí đáng sợ, khiến khách Tây “khóc thét” như: sâu tre, côn trùng rang, thịt chuột...
Andrew Fraser thực hiện các chuyến phiêu lưu tới nhiều vùng đất xa xôi ở Việt Nam để khám phá văn hóa ẩm thực đặc sắc
Gần đây nhất, anh đến Hoàng Su Phì - một huyện nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang - để tìm hiểu cuộc sống văn hóa của bà con dân tộc Nùng. Đây là dân tộc sinh sống lâu đời và chiếm phần đông trong cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì.
Tương tự như các chuyến đi trước, Andrew cũng tìm và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương khi đến Hoàng Su Phì. Tại đây, anh có cơ hội trải nghiệm nậm pịa – một trong những món kén người ăn nhất ở Việt Nam.
“Ban đầu tôi đến đây vì muốn thử món nậm pịa bò, nhưng tìm khắp nơi vẫn chưa thấy. May mắn tôi được người bản địa giới thiệu món tương tự là nậm pịa dê. Tôi rất tò mò và muốn tìm hiểu xem vì sao món ăn này lại được nhiều du khách yêu thích đến vậy”, Andrew nói.
Để thưởng thức món này, vị khách Tây tìm đến một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn từ dê, nằm trên sườn núi, thuộc thị trấn Vinh Quang. Tại đây, anh được chứng kiến trực tiếp quá trình chế biến nậm pịa dê, từ công đoạn sơ chế các nguyên liệu cho đến khi hoàn thiện món ăn.
Nậm pịa là một trong những món ăn độc đáo của bà con dân tộc vùng Tây Bắc, được làm từ phân non của động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê và lục phủ ngũ tạng của chúng
Ở Tây Bắc, nậm pịa là món ăn đặc trưng của dân tộc Thái, Nùng, được làm từ ruột non của các loài vật ăn cỏ như trâu, bò, dê. Theo tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già.
Cùng với pịa, các bộ phận nội tạng như dạ dày, tiết, lòng, tim, gan… cũng được nấu kèm. Tuy nậm pịa kém hấp dẫn về hình thức và mùi vị cũng được nhận xét rất “khó nuốt”, song những ai ăn được món này sẽ rất thích vì vị đắng dịu nhẹ.
Tùy văn hóa từng nơi và sở thích của từng người mà cách chế biến món nậm pịa có sự khác nhau.
Pịa được lấy ra ngay từ bộ lòng của con vật và được bảo quản cẩn thận. Phần ruột non phải dùng lạt thắt chặt hai đầu ngăn cách với ruột già và dạ dày, sau đó cắt thành khúc ngắn, trộn kèm rau rừng và các loại gia vị được băm nhỏ.
Nước dùng của nậm pịa cũng được ninh từ xương động vật trong nhiều giờ, rồi cho tất cả những nguyên liệu như thịt vụn và lục phủ ngũ tạng vào nồi ninh cùng đến khi thu được hỗn hợp màu vàng đậm, sền sệt.
Món nậm pịa dê mà vị khách Tây thưởng thức ở Hoàng Su Phì (Hà Giang)
Khi quan sát người đầu bếp sơ chế các nguyên liệu làm món nậm pịa, Andrew tỏ ra rất bất ngờ. Anh còn kinh ngạc vì thấy tất cả các bộ phận của dê đều được người bản địa tận dụng để nấu ăn, không bỏ phí bất kỳ thứ gì.
“Lòng và những phần nội tạng khác đều được đầu bếp rửa qua nhiều lần nước, bóp cùng nước cốt chanh để giảm nhớt và mùi. Tôi thấy trong đó vẫn còn nguyên phân non”, anh kể.
Theo quan sát của vị khách Tây, nội tạng dê sau khi làm sạch được chia thành các miếng nhỏ rồi đảo trên bếp cho chín, thêm chút nước đun cùng. Đầu bếp tiếp tục nấu phần ruột cho phân non tan ra rồi thêm các nguyên liệu còn lại vào, đến khi thu được hỗn hợp sền sệt màu vàng đậm thì tắt bếp.
Dù từng thưởng thức nhiều món ăn "khó nhằn" ở Việt Nam, nhưng Andrew vẫn thừa nhận nậm pịa có vị đắng rất mạnh, không dễ chinh phục
Andrew cho biết sẽ thử phần nguyên liệu dễ ăn trước, nên chọn một miếng gan và nhận xét “không có nhiều hương vị, chỉ thấy vị đắng như từ mật tiết ra”. Sau đó, anh quyết định thử nước canh nậm pịa với “kỳ vọng có mùi vị nào đó mạnh mẽ hơn”.
Vị khách Tây nhận xét nậm pịa là một trong những món canh khó ăn nhất, kém hấp dẫn cả về hình thức và mùi vị.
“Tất cả các nguyên liệu đều có vị đắng rất mạnh vì hòa quyện trong nước canh từ phân non dê. Phần hoa chuối thái nhỏ được nấu cùng cũng có vị đắng khó tả. Cảm giác mỗi lần nhai là một lần vị đắng lại xuất hiện theo”, chàng YouTuber nhận xét.
Theo Andrew, điều khiến anh cảm thấy món nậm pịa dê khá quen thuộc là vì từng thử món súp lòng ngựa ở Mông Cổ trước đây. Hai món ăn có cách chế biến tương tự nhau, nhưng các nguyên liệu ở món súp lòng ngựa thường được để nguyên hình dạng ban đầu thay vì thái nhỏ như nậm pịa.
Ngoài nậm pịa, vị khách Tây còn thử món dê chao và thịt dê sống cuốn rau rừng
Vị khách Tây thừa nhận, điều dễ gây ám ảnh với thực khách khi thưởng thức món nậm pịa là về mặt tinh thần, chứ không phải mùi vị. Bởi món ăn được chế biến từ phân non và nội tạng của dê.
Anh cũng đánh giá nậm pịa là một trong những món khó ăn nhất Việt Nam dù trước đó từng nếm thử nhiều món độc lạ như thắng cố, thịt chuột, sâu tre… “Tôi từng ăn một số món kỳ lạ trước đây, nhưng nậm pịa là một cấp độ hoàn toàn mới”, Andrew cho hay.
Ngoài nậm pịa, Andrew cũng thưởng thức một số món ngon khác từ dê, như thịt dê sống cuốn rau rừng, dê chao...
Trong chuyến đi khám phá vùng đất xa xôi ở Hà Giang, chàng YouTuber người Úc còn ăn thử thắng cố, tìm hiểu đời sống văn hóa của bà con dân tộc nơi đây và thích thú với nghề làm trang sức độc đáo.
Theo Vietnamnet