Sốc với số tiền sản xuất MV nhạc Việt đầu tiên đạt một tỷ view
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 14:47, 18/06/2024
MV thiếu nhi, ca khúc Một con vịt do kênh Heo Con đăng tải vào tháng 8/2019, lập kỷ lục khi trở thành video âm nhạc đầu tiên của Việt Nam cán mốc một tỷ lượt xem (view) hôm 15/6. Tính đến hiện tại, video tăng thêm hơn 2,5 triệu view, đồng nghĩa với việc mỗi ngày tăng hơn một triệu view và đạt 2,2 triệu lượt thích.
Đây là kỷ lục mà ngay cả những ca sĩ đình đám nhất Việt Nam hiện nay là Sơn Tùng M-TP hay Mỹ Tâm đều chưa đạt được.
Sau khi cán mốc một tỷ view trên YouTube ngày 15/6, "Một con vịt" mỗi ngày hút hơn một triệu view. Ảnh: CMH.
Trả lời với Tiền Phong, chị H.M (TPHCM) - quản lý đội biên kịch công ty chuyên sản xuất video YouTube Kids - cho hay các kênh sáng tạo nội dung trẻ em bị tắt bình luận bởi quy định của YouTube, nhưng vẫn có thể bật chức năng quảng cáo kiếm tiền.
Quá trình sản xuất video được chia làm nhiều công đoạn. Với những bài hát thiếu nhi lâu đời như Một con vịt, công ty có thể sử dụng beat miễn phí, sau đó thuê producer (nhà sản xuất âm nhạc) và ca sĩ để làm beat mới, giữ nguyên phần melody (giai điệu), giá cả dao động từ 2-5 triệu đồng. Với producer vừa làm nhạc, vừa thể hiện ca khúc, giá cả cao hơn từ 5-10 triệu đồng, tùy theo độ đầu tư của bài nhạc.
Bên cạnh phần âm nhạc, video cần lên kịch bản và hình ảnh. Thông thường, biên kịch được trả từ 300.000 đồng-500.000 đồng/ kịch bản. Video 2D có giá dao động ở mức 800.000 đến một triệu đồng/phút, trong khi đó video đồ họa 3D có mức cao hơn trên một triệu đồng/phút. Giống với phần nhạc, giá cả để sản xuất video tùy vào độ phức tạp của sản phẩm.
Doanh thu sau cùng thuộc về công ty sản xuất. “Trong trường hợp ca sĩ thể hiện, nhà sản xuất làm nhạc là người của công ty và góp mặt trong MV có doanh thu cao, đạt hàng trăm triệu view, tỷ view, họ có thể thêm tiền thưởng trích ra. Nếu làm Freelancer (làm việc tự do) sẽ không được gì vì công ty đã chi trả hết một lần” - chị H.M nói.
Số tiền kênh chủ kênh YouTube mang về dựa trên chỉ số RPM - số biểu thị số tiền kiếm được trên mỗi 1.000 lượt xem video. Ở mỗi quốc gia, YouTube lại có cách tính khác nhau. Ở thị trường nước ngoài cao hơn Việt Nam.
Tại Việt Nam, chị H.M cho hay 1.000 lượt xem được trả 0.3 USD (7.400 đồng). Ngoài ra, số tiền thu thực tế chủ kênh sáng tạo nội dung thu về còn phải trừ các khoản thuế.
Theo Tiền Phong