Chính phủ đề xuất cấm mua bán thuốc qua mạng xã hội
Kinh doanh - Ngày đăng : 13:48, 18/06/2024
Chiều 18-6, Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, sau đó Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Dự thảo luật này quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trực tuyến phải thực hiện trên sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng.
Trường hợp có kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử có các trách nhiệm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật về an ninh mạng
"Không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức theo quy định" - theo dự thảo luật.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thấy rằng việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc (đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử), trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm để tạo sự công bằng với các cơ sở kinh doanh dược truyền thống.
Trên thực tế, thương mại điện tử đã trở thành một phương thức không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hiện các hoạt động này đang thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản liên quan. Tuy nhiên, trong chuỗi các hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, từ sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu đến bán buôn, bán lẻ, thì trong hoạt động bán lẻ là có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí có khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc, cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Do đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật chỉ nên tập trung quy định hoạt động bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.
Về các thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, Ủy ban Xã hội cho biết còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cụ thể ngay tại dự thảo Luật điều kiện đối với thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử theo hướng chỉ áp dụng đối với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tương tự như điều kiện đối với thuốc được quảng cáo quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật hiện hành).
Loại ý kiến thứ hai thống nhất với ý kiến của Chính phủ không quy định cụ thể các loại thuốc mà giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Về vấn đề này, đa số ý kiến Ủy ban Xã hội thống nhất loại ý kiến thứ nhất bởi thuốc là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân; đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung thông tin kinh nghiệm quốc tế trong quản lý hoạt động này và tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa quy định về việc kinh doanh, thông tin, quảng cáo thuốc tại điểm a, điểm b khoản 1a Điều 42 với khoản 2 Điều 79.
Đề nghị nghiên cứu quy định để có công cụ kiểm soát hiệu quả, bảo đảm việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử an toàn cho người sử dụng; việc mua, bán được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, giá cả hợp lý và bảo mật thông tin người mua hàng; áp dụng biện pháp liên thông dữ liệu với cơ quan quản lý nhà nước để quản lý, thực hiện có hiệu quả việc bán thuốc và bán thuốc theo đơn. Đây cũng là vấn đề cần được tiếp cận thận trọng, từng bước, đảm bảo "đủ chín, đủ rõ, thực tiễn kiểm nghiệm" khi đưa vào luật.
Về các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử được sử dụng trong kinh doanh dược, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử và bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các hình thức kinh doanh dược.
Ủy ban Xã hội Cũng cho biết dự thảo luật đang tập trung quy định đối với "thuốc", đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung quy định liên quan đến "nguyên liệu làm thuốc" để bảo đảm tính toàn diện (ví dụ việc đăng tải thông tin nguyên liệu làm thuốc, điều kiện nguyên liệu làm thuốc được kinh doanh trên phương tiện điện tử).