Trung tướng Phạm Tuân với kỷ niệm về Tổng thống Putin và những 'người bạn Nga'
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 12:19, 18/06/2024
Trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt, Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay chiếm vị trí quan trọng. Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ, chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành. Mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô đặc biệt không chỉ ở khía cạnh vật chất, tinh thần mà còn là tình cảm sâu sắc.
Những thầy cô trong lớp học Liên Xô
Nếu không có sự giúp đỡ của các nước trong đó có Liên Xô, sẽ không có những lớp phi công quân sự trở về phục vụ đất nước trong những năm tháng chiến tranh. Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân là một người trong “lứa” phi công có sự nghiệp gắn với nước Nga, con người Nga.
Trung tướng Phạm Tuân đánh giá: “Với Liên Xô trước kia và với nước Nga ngày nay, chúng ta luôn xác định đây là một người bạn, là sự hợp tác chiến lược rất quan trọng.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có những đánh giá rất cao về vai trò của Nga trong thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Riêng với tôi, nước Nga là một niềm tự hào, một tình cảm tốt đẹp và đặc biệt, bởi những gì mà tôi có được, làm được hầu hết liên quan đến nước Nga.
Từ khi trở thành phi công chiến đấu rồi bắn rơi máy bay B-52 và trở thành phi công vũ trụ, luôn có người Nga song hành cùng tôi trong suốt chặng đường dài như thế”.
Anh hùng Phạm Tuân lần đầu đặt chân đến xứ sở Bạch Dương vào năm 1965 khi mới 18 tuổi. Khoảng cuối tháng 10/1965, đoàn tàu liên vận chở Phạm Tuân cùng nhiều thanh niên Việt Nam sang Liên Xô học ngành kỹ thuật không quân (thợ máy của máy bay).
Sau hành trình dài, chàng trai trẻ đã rất ấn tượng phong cảnh mùa thu với những cây phong, cây sồi, bạch dương phủ màu vàng kỳ vĩ của nước Nga.
“Các thầy, cô giáo người Nga giảng dạy rất nhiệt tình. Các thầy cô xuất thân từ nhiều thành phần, có người là con liệt sĩ nên rất hiểu về chiến tranh”, ông Phạm Tuân kể về những người Nga mà ông gắn bó khi bắt đầu học ngôn ngữ Nga.
Với ông, họ là những người thật đôn hậu, nhân từ, chất phác, nhiệt huyết, cởi mở, chan hòa... Mới gặp lần đầu thôi nhưng đã thấy sự gần gũi, thân thiết như người nhà. Ai cũng quý các học viên Việt Nam như người thân thiết, ruột thịt của mình.
“Thời đó nói đến Việt Nam là nói đến chiến tranh nên các bạn Liên Xô đều nghĩ phải làm thế nào để giúp những người Việt Nam sang đây có đủ năng lực, đủ trình độ, đủ bản lĩnh để về nước chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc”, Trung tướng kể lại.
Có một chuyện mà ông nhớ đến bây giờ. Đó là khi mới học được mấy tuần, cô giáo dạy tiếng Nga hỏi Phạm Tuân ngày sinh, vì bí từ nên ông nói đại là ngày 1/1. Cứ tưởng như thế là xong chuyện. Ai ngờ, đúng 1/1 cô giáo đến lớp kèm theo tấm thiệp mừng sinh nhật, đứng trước lớp chúc mừng học viên Phạm Tuân.
Cả lớp ngớ người vì ngày ấy đâu phải ngày sinh của ông. Ông không biết giải thích ra sao, chỉ phân bua với mấy anh bạn là tiếng Nga chưa thạo nên đành nói vậy.
Tháng 4/1968, Phạm Tuân tốt nghiệp về nước. Ngày chia tay thật lưu luyến. Ô tô đón đoàn dừng ngay trước cửa nhà ăn, các chị em nhà bếp ùa ra tiễn, rơm rớm nước mắt. Có người tự hào vì thế hệ phi công Việt được đào tạo đã đủ điều kiện về nước, góp sức chiến đấu.
Có chị tuổi đã cao, ôm lấy các anh, rồi giãi bày: Các phi công Việt Nam còn trẻ quá, “về đánh nhau nguy hiểm lắm, cứ ở lại đây cho cứng cáp thêm đã”.
Thầy giáo Đôxuchep là Trung đội trưởng bay kèm Phạm Tuân cũng ra tiễn. Ông ôm lấy chàng trai trẻ Phạm Tuân bịn rịn và nhắc nhở: “Cất cánh chiến đấu là phải quay đầu 360, Tuân nhé - điều sống còn của phi công đấy” (ý nói phải quan sát xung quanh).
Trung tướng Phạm Tuân cho biết, sau này ông còn gặp lại người thầy ấy nhiều lần. Có lần ông về tập huấn ở Học viện, người thầy dẫn Phạm Tuân đi gặp gỡ bạn bè khắp nơi, ở đâu ông cũng giới thiệu: “Học viên của tôi đấy”.
Những lần đi công tác ở Nga, nếu có điều kiện, Trung tướng Phạm Tuân đều đến tận nhà thầy ở Krasnodar thăm hỏi. Có lần trước lúc ông rời Krasnodar, người thầy ấy đến tận khách sạn mang theo một lọ nấm tự làm và một gói xúc xích Nga nhờ Phạm Tuân mang về làm quà cho gia đình.
Trong 10 năm (1961-1972) Liên Xô đào tạo cho Việt Nam trên 1.000 cán bộ chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 447 người được đào tạo phi công, tốt nghiệp 220 phi công chiến đấu.
Đa số phi công được gửi đi mới học xong lớp 7-8, số ít hết lớp 10. Trừ lòng quyết tâm thì các yếu tố khác đều không bằng các nước cũng cử học viên đến Liên Xô. Nhưng bằng lòng nhiệt tình, bằng tình cảm đặc biệt với Việt Nam, những người thầy Liên Xô đã tận tâm chỉ bảo, rèn giũa, giúp những người trẻ Việt Nam từng bước làm chủ bầu trời.
Những "người bạn" làm nên lịch sử
Năm 2025 sẽ tròn 45 năm chuyến bay vào vũ trụ của phi công Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko (ngày 23/7/1980).
Trung tướng Phạm Tuân tưởng nhớ tới Gherman Titov là nhà du hành vũ trụ thứ hai của Liên Xô. Gherman Titov còn là Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt nhiều năm liền, có nhiều đóng góp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Ông Phạm Tuân cho biết, chính ông Titov đề xuất để người Việt Nam bay vào vũ trụ.
“Bác Hồ rất quý phi công vũ trụ. Người đã nhiều lần gặp Titov. Ông Titov cũng nhiều lần sang Việt Nam, được đích thân Bác Hồ dẫn đi tham quan vịnh Hạ Long. Sau này một hòn đảo nhỏ giữa vịnh được đặt là Ti tốp (lấy tên theo phi công vũ trụ Titov)”, Anh hùng Phạm Tuân nói.
Với người đồng đội cùng bay vào vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân tâm sự, trước đây ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên và hầu như năm nào cũng mời vợ chồng ông Gorbatko sang Việt Nam để nghỉ ngơi, du lịch. “Từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đà Lạt, Phú Quốc, Vũng Tàu… mỗi dịp hè Gorbatko sang đây tôi đều dẫn ông đi thăm thú những địa điểm nổi tiếng của Việt Nam”, Trung tướng kể.
Tháng 2/2017, tuy sức khỏe giảm sút, nhưng vì tình cảm với đất nước và con người Việt Nam, Viktor Gorbatko vẫn sang Việt Nam để tham dự khánh thành bức tượng bán thân về ông tại thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Đấy cũng là lần cuối ông thăm Việt Nam. Ba tháng sau nhà du hành vũ trụ Gorbatko qua đời ở tuổi 82.
Với Tổng thống Nga Putin, Trung tướng Phạm Tuân kể về lần đầu gặp trực tiếp ông. Đó là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Putin trên cương vị Tổng thống Nga. Từ ngày 28/2 - 2/3/2001, Tổng thống Nga Putin thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Trong đoàn khi đó cũng có ông Viktor Gorbatko.
Trong lịch trình có cuộc gặp mặt với những người Việt Nam từng học tập ở Nga tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô. Hội trường khi đó đông kín người, số người Việt từng học ở Nga rất lớn, khi về nước sinh sống tại nhiều tỉnh thành.
Trước khi vào hội trường, trong một gian phòng có bàn đặt bộ sách nói về quan hệ Việt-Nga, để Tổng thống Putin đến ký.
“Tổng thống rất trẻ, ông ngồi vào bàn ký sách, tôi và Gorbatko đứng ngay phía sau. Sau đó Tổng thống bắt tay và chúc mừng tôi. Lúc đó rất đông người, đến bây giờ tôi cũng cảm thấy tiếc vì không biết ai chụp được khoảnh khắc đó”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Ấn tượng lần đầu gặp mặt, ông Phạm Tuân cho biết, Tổng thống Nga Putin rất thẳng thắn, thoải mái khi giao lưu với các cựu lưu học sinh. Cảm nhận của những người khi tham dự cuộc gặp đó, không phải là tình cảm giữa một nhà lãnh đạo của một cường quốc đến với người dân của một nước, mà là tình cảm anh em thân thiết.
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt-Nga là tài sản vô giá, là nền móng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trong giai đoạn hiện nay. Trung tướng Phạm Tuân nhận định, quan hệ hai nước vẫn trên đà phát triển, kế thừa những thành quả từ lịch sử.
Ông cũng vui mừng nhận thấy giao lưu nhân dân giữa hai nước tiếp tục lớn mạnh, các hội hữu nghị Việt-Nga được thành lập ở nhiều địa phương với số lượng hội viên lớn.