Gen Z khánh kiệt sau 2 năm chọn việc an nhàn, rải CV khắp nơi vẫn thất nghiệp
Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 08:08, 17/06/2024
Sau khi tốt nghiệp kế toán tại một trường đại học lớn ở Hà Nội, tôi quyết định không đi làm đúng ngành bởi lẽ đó không phải đam mê. Công việc đầu tiên tôi chọn là làm content marketing cho một thương hiệu spa làm đẹp.
Có chút năng khiếu viết lách, tôi nhận được mức lương 10 triệu đồng/tháng. Với một sinh viên vừa ra trường, mức lương đó đủ làm tôi hài lòng.
Công việc không quá khó khăn, chủ yếu là tạo nội dung chăm sóc fanpage Facebook và nhóm khách hàng quen. Thời gian làm việc linh hoạt. Sếp không quá sát sao. Đồng nghiệp cũng đều trẻ và thoải mái. Mỗi tội công ty không đóng bảo hiểm xã hội, nhưng khi đó tôi cũng chẳng quan tâm vấn đề đó lắm.
Trong suốt hai năm làm việc, tôi lặp đi lặp lại những tác vụ “an nhàn” mỗi ngày. Tiền kiếm được, tôi dành hầu như toàn bộ cho những cuộc vui, xả stress hay đi chill, dù chính mình không thấy bị áp lực gì. Thấy bạn bè chia sẻ áp lực khi làm ở những công ty lớn, tôi thầm thấy mình may mắn hơn.
Chọn an nhàn, hiện nay, tôi khánh kiệt và mất phương hướng. (Ảnh: Unsplash)
Đầu năm nay, khi kinh tế khó khăn, thương hiệu spa quyết định dừng hoạt động, chấm dứt hợp đồng với các nhân viên. Mà thật ra cũng chẳng có hợp đồng. Thôi việc, tôi không có nổi 2 triệu đồng trong tài khoản và cũng không có trợ cấp thất nghiệp.
Tôi tự tin rằng với kinh nghiệm của mình, kiếm việc mới không khó. Nhưng, tôi đã ở nhà suốt 4 tháng qua.
Ngành truyền thông luôn thay đổi nhanh đến chóng mặt. Các nhà tuyển dụng yêu cầu nhân viên content marketing phải biết thiết kế cơ bản, chạy quảng cáo và làm các clip ngắn cho nhiều nền tảng. Những cái này, tôi không thạo.
Lên các trang tuyển dụng, tôi ấn nộp CV cho tất cả các đơn vị đang tuyển content marketing, không quan tâm mức lương, địa điểm, ngành nghề hay yêu cầu công việc. Tôi đã gửi đến khoảng 100 công ty. Email của tôi tràn ngập hộp thư tự động của các đơn vị. Tôi cũng có vài buổi phỏng vấn, nhưng đều không được nhận.
Không nản chí, tôi vay tiền, học thêm các khóa thiết kế ảnh, dựng clip và chạy quảng cáo. Tuy nhiên những thứ liên quan đến mỹ thuật yêu cầu phải có chút ít năng khiếu hay chí ít là luyện tập thật nhiều, vì thế tôi chưa thể giỏi ngay để đáp ứng công việc nhà tuyển dụng đưa ra. Chạy quảng cáo thì khỏi nói, không có tiền thì cơ hội đâu mà luyện tập.
Vì không có thu nhập, tôi ít gặp gỡ bạn bè hơn. Có một vài người bạn thân, tôi vay họ tiền nên cũng ngại giao tiếp. Khó khăn nhất là tôi còn không dám nói chuyện với bố của mình.
Nhà chỉ có hai người đàn ông, tôi và bố. Tôi thường tránh mặt ông. Mỗi ngày, bố đi làm rồi, tôi mới ngủ dậy. Tối bố về, tôi đã ăn cơm xong và lên phòng. Tôi biết bố sốt ruột, nhưng tôi còn sốt ruột hơn thế nhiều lần. Bố đã ngoài 50 tuổi mà tôi vẫn chưa làm được gì cho bố. Tôi xấu hổ.
Giá như khi xưa tôi theo chuyên ngành đã học. Giá như tôi chọn một công việc không “an nhàn”. Giá như tôi sẵn sàng đương đầu với khó khăn để phát triển. Giá như tôi biết xong đại học không có nghĩa là ngừng học.
Truyện ngụ ngôn kể có con ếch tung tăng trong nồi nước ấm, đến khi nước nóng dần lên sắp đến điểm sôi, ếch vẫn không biết mình sắp chín. Có phải tôi đã rất giống với con ếch đó không?
Theo VTC News