Điểm tin công nghệ 17/6: YouTube chèn quảng cáo ngay từ máy chủ

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 17/06/2024

Lừa đảo đánh cắp mã OTP ngân hàng bằng cuộc gọi tự động; Sáng kiến chống giả mạo tin nhắn của chính phủ Singapore
gsmarena_002.jpg

- YouTube chèn quảng cáo ngay từ máy chủ

Cuộc chiến giữa YouTube và trình chặn (ad-blocker) vẫn chưa kết thúc với đòn mới nhất từ nền tảng - chèn quảng cáo ngay từ máy chủ, không cho bên thứ 3 có cơ hội can thiệp.

Phương pháp mới này có thể vĩnh viễn xóa xổ các trình chặn quảng cáo, bất chấp mọi cách lách luật gần đây.

Mới đây, nhà phát triển tiện ích mở rộng FunderBlock cho biết YouTube "đang thử nghiệm tính năng chèn quảng cáo từ phía máy chủ”. Đây là kỹ thuật được sử dụng để phát quảng cáo trực tiếp từ máy chủ lưu trữ nội dung, bỏ qua các hệ thống phía máy khách như trình chặn quảng cáo.

Hiện tại, quảng cáo trên YouTube được chèn vào nội dung ở phía máy khách (thiết bị của người dùng) bằng cách sử dụng các tập lệnh. Chúng có thể bị phần mềm chặn quảng cáo phát hiện và chặn.

Tuy nhiên, với tính năng chèn quảng cáo từ máy chủ mới, YouTube sẽ tích hợp quảng cáo vào nội dung trước khi gửi đến thiết bị của người dùng. Cách làm này khiến các trình chặn quảng cáo khó phân biệt và lọc quảng cáo hơn trước đây.

Mặc dù động thái này sẽ có hiệu quả trong việc chặn các trình chặn quảng cáo, nhiều người dùng trên Reddit cho rằng nó có thể “hủy hoại YouTube”.

Việc chèn quảng cáo từ máy chủ có thể làm hỏng các dấu thời gian (timestamp) và phân cảnh (marker) của video. Ngoài ra, điều này còn khiến hệ thống khó đảm bảo tính năng không quảng cáo dành riêng cho người xem Premium.

Theo Dexerto, động thái này được đưa ra ngay sau khi nổi lên tin đồn nền tảng bắt đầu trừng phạt người dùng chặn quảng cáo bằng cách bỏ qua toàn bộ video, tự động nhảy đến cuối.

- OPPO Reno12 Series ra mắt toàn cầu vào ngày 18/6

Sau khi ra mắt tại Trung Quốc, Oppo Reno 12 series sẽ ra mắt toàn cầu vào ngày 18/6 tới đây.

Oppo mới đây vừa tung loạt teaser chính thức để thông báo sớm ra mắt dòng sản phẩm Reno12 trên thị trường toàn cầu. Theo một số tin đồn Oppo Reno 12 series sẽ trình làng vào 18/6 tới đây.

Reno12 series gồm 2 model là Reno12 và Reno12 Pro. So với model tiền nhiệm, Reno12 series sở hữu nhiều nâng cấp từ thiết kế cho đến cấu hình.

Reno12 được trang bị tấm nền AMOLED cong cao cấp kích thước 6.7 inch, hỗ trợ độ phân giải 1.5K sắc nét và tần số quét 120Hz mang lại hình ảnh với độ sắc nét cao, màu sắc rực rỡ và tươi sáng.

Reno12 sở hữu hệ thống 3 camera nằm ở góc trên bên trái của mặt lưng bao gồm cảm biến chính LYT600 có độ phân giải 50MP và kích thước 1/1.95 inch, kèm máy ảnh 8MP cho góc chụp siêu rộng và máy ảnh tele 50MP hỗ trợ zoom quang học 2x. Reno12 Pro sẽ bổ sung thêm camera tele Samsung S5KJN5 50MP vào thiết lập này.

Oppo cho biết đây là một trong những dòng điện thoại Android đầu tiên hỗ trợ Live Photo và những bức ảnh này sẽ giữ nguyên chất lượng khi người dùng đăng lên mạng xã hội. Ngoài ra, điện thoại còn được trang bị một số tính năng chỉnh sửa ảnh dựa vào AI.

Reno12 sẽ được trang bị chipset MediaTek Dimensity 7300, có hai biến thể cấu hình để lưạ chọn là Ram 12GB/256GB bộ nhớ trong và 12GB/512GB bộ nhớ trong. Ngoài ra, Reno12 Pro sẽ có Ram LPDDR4x và bộ nhớ trong UFS 3.1.

Oppo Reno12 được trang bị viên pin có dung lượng 5,000 mAh cùng công nghệ sạc nhanh có dây 80W, chạy hệ điều hành Android 14 với giao diện người dùng ColorOS14 vag hỗ trợ kháng nước, chống bụi đạt tiêu chuẩn IP65.

- Sáng kiến chống giả mạo tin nhắn của chính phủ Singapore

Từ ngày 1/7, hầu hết tin nhắn SMS do các cơ quan chính phủ ở Singapore gửi sẽ có một ID người gửi duy nhất nhằm giúp công chúng dễ dàng xác thực tin nhắn văn bản của chính phủ.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, từ ngày 1/7, hầu hết tin nhắn SMS do các cơ quan chính phủ ở Singapore gửi sẽ có một ID người gửi duy nhất nhằm giúp công chúng dễ dàng xác thực tin nhắn văn bản của chính phủ.

Những tin nhắn SMS như vậy sẽ hiển thị “gov.sg” làm ID người gửi thay vì các cơ quan chính phủ riêng lẻ, chẳng hạn như “MOH” cho Bộ Y tế hoặc “Iras” cho Cơ quan Thuế vụ Nội địa Singapore.

Ngoài ID “gov.sg”, mọi tin nhắn văn bản sẽ bắt đầu bằng tên đầy đủ của cơ quan gửi đi và kết thúc bằng ghi chú nêu rõ đó là tin nhắn tự động của Chính phủ Singapore, để người nhận biết rằng không nên trả lời tin nhắn đó. Trong khoảng thời gian hai tuần bắt đầu từ ngày 18/6, các cơ quan chính phủ sẽ dần bắt đầu gửi tin nhắn bằng ID “gov.sg”. Từ ngày 1/7, tất cả các tin nhắn sẽ được thống nhất hiển thị ID mới.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, theo đó tin nhắn văn bản từ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ về các vấn đề dịch vụ quốc gia và dịch vụ khẩn cấp sẽ có ID người gửi khác nhau. ID người gửi “gov.sg” hiện áp dụng cho các tin nhắn được gửi qua SMS, nhưng không áp dụng cho các nền tảng nhắn tin khác như WhatsApp hoặc Telegram.

Sáng kiến mới trên Open Government Products (OGP), một bộ phận độc lập của Cơ quan Công nghệ Chính phủ chuyên xây dựng công nghệ vì lợi ích công cộng, phát triển. Nỗ lực này nhằm mục đích bảo vệ người dân khỏi các hành vi lừa đảo mạo danh quan chức, tạo niềm tin cho công chúng đối với hoạt động truyền thông của chính phủ. Trợ lý Giám đốc chính sách của OGP Hygin Fernandez cho biết: “Chính phủ đang tìm cách tăng cường sự đảm bảo trên các kênh liên lạc khác như cuộc gọi, thư điện tử, WhatsApp và Telegram”.

kinh-te-hoi-phuc-thanh-toan-khong-tien-mat-lan-toa-1-.jpg

- Nhật Bản và hãng IBM hợp tác phát triển máy tính 10.000 bit lượng tử

Máy tính lượng tử thế hệ mới dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2029, và với hơn 10.000 qubit, máy có thể tính toán các tổ hợp bậc cao mà không gặp lỗi, đồng thời không cần siêu máy tính hỗ trợ.

Ngày 16/6, tờ Nikkei Asia đưa tin Viện Khoa học Công nghiệp và Công nghệ Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản (AIST) sẽ hợp tác với tập đoàn công nghệ máy tính IBM tại Mỹ để phát triển máy tính lượng tử thế hệ tiếp theo.

AIST đặt mục tiêu phát triển máy tính lượng tử với 10.000 bit lượng tử (qubit), gấp 75 lần so với các máy tính lượng tử hiện nay.

Trong điện toán lượng tử, qubit là đơn vị thông tin cơ bản - giống như bit nhị phân trong máy tính thông thường - và đưa ra ý tưởng sơ bộ về hiệu suất. Các máy tính lượng tử tiên tiến nhất hiện nay có 133 qubit.

Viện AIST và IBM dự kiến sẽ ký một bản ghi nhớ và công bố thỏa thuận hợp tác trong những ngày tới.

Theo AIST, việc này đánh dấu mốc lần đầu tiên IBM hợp tác với một tổ chức nghiên cứu nước ngoài về điện toán lượng tử ở quy mô lớn như vậy.

Trong khuôn khổ hợp tác, hai bên sẽ phát triển chất bán dẫn và mạch tích hợp siêu dẫn cần thiết trong các máy tính lượng tử thế hệ tiếp theo.

AIST cho biết những máy tính lượng tử 133 qubit hiện nay vẫn mắc lỗi, thường cần tới sự trợ giúp của các siêu máy tính khi được sử dụng trong nghiên cứu.

Dự kiến, máy tính lượng tử thế hệ mới đang được phát triển sẽ có thể đưa vào sử dụng trong năm 2029. Với hơn 10.000 qubit, máy tính này có thể tính toán các tổ hợp bậc cao mà không gặp lỗi, đồng thời không cần sự hỗ trợ của siêu máy tính.

- Lừa đảo đánh cắp mã OTP ngân hàng bằng cuộc gọi tự động

Hiện nay, đa số người sử dụng “internet banking” hoặc các ứng dụng của các ngân hàng đều xác thực giao dịch qua mã OTP nhằm mục đích bảo vệ tài khoản của người dùng ngay cả khi mật khẩu của họ bị đánh cắp. Tuy nhiên tội phạm mạng đã tìm ra kẽ hở để tấn công lừa đảo…

Xác thực 2 yếu tố (2FA) là tính năng bảo mật tiêu chuẩn trong an ninh mạng. Tính năng này yêu cầu người dùng xác minh danh tính bằng một bước xác thực thứ hai, thường là mật khẩu dùng một lần (OTP).

OTP (mật khẩu dùng một lần) là hình thức bảo mật phổ biến, dùng trong xác thực hai yếu tố cho các tài khoản online. Mã này thường được gửi qua tin nhắn văn bản, email hoặc ứng dụng, nhằm đảm bảo đúng người dùng, tránh việc bị đánh cắp tài khoản ngay cả khi đã lộ tên đăng nhập và mật khẩu.

Với sự phát triển công nghệ hiện nay, một số ứng đụng đang ưu tiên cuộc gọi thoại tự dộng thay vì tin nhắn SMS như trước đây. Các chuyên gia tại hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam đưa ra cảnh báo sau khi phát hiện và ngăn chặn hàng nghìn cuộc tấn công bằng trang web giả mạo kết hợp "bot OTP".

Cuộc gọi tự động bằng bot mô phỏng giọng khẩn trương, thúc giục người nghe cung cấp mã OTP, khiến nạn nhân dễ sập bẫy.

Việt Báo (Tổng hợp)