Các sếp Meta cũng ‘nóng ruột’ vì chính sách của Mark Zuckerberg

Cuộc sống số - Ngày đăng : 06:52, 14/06/2024

Nỗ lực tinh gọn Meta của CEO Mark Zuckerberg vẫn đang tiếp tục và ảnh hưởng đến cả các vị trí cấp cao như Phó Chủ tịch.

Đội ngũ quản lý cấp cao của Meta đang cảm nhận “sức nóng” từ chính sách tinh gọn của Mark Zuckerberg. Công ty mẹ Facebook tìm cách giảm số lượng các Phó Chủ tịch xuống thấp hơn nữa, theo nguồn tin của trang Insider.

avyylwb7.png
CEO Mark Zuckerberg biến "hiệu quả" thành chính sách vĩnh viễn tại Meta. Ảnh: Insider

CEO Meta khẳng định “năm của hiệu quả” – chính sách dẫn đến sự ra đi của hơn 20.000 nhân viên – đã trở thành một phần vĩnh viễn trong cách công ty vận hành. Ngay cả các lãnh đạo cũng không “miễn nhiễm” trước các tiêu chuẩn đánh giá nghiêm khắc và các nỗ lực tái cấu trúc bộ phận.

Nguồn tin của Insider tiết lộ, số lượng các Phó Chủ tịch của Meta lập đỉnh vào năm 2023 với khoảng 300 cá nhân đang giữ chức vụ này. Các năm trước, con số rơi vào khoảng 180.

Dù một số đã nghỉ việc năm ngoái trong làn sóng sa thải thứ hai, Zuckerberg được cho là chưa dừng lại ở đây và muốn đưa tổng số Phó Chủ tịch Meta xuống khoảng 250. Hiện có 5 cấp độ Phó Chủ tịch tại Meta. Theo nguồn tin, mục tiêu chung là giảm số lượng nhân sự cấp trung và cao cấp, tăng số lượng cấp dưới.

Người phát ngôn Meta từ chối bình luận mà chỉ nhắc lại bình luận công khai trước đó của Zuckerberg về sự hiệu quả. Năm 2023, CEO Meta tuyên bố không muốn một công ty mà trong đó “nhà quản lý lại quản lý nhà quản lý" và họ đã giảm bớt một số cấu trúc báo cáo.

Các cấp bậc Phó Chủ tịch đang ít đi thông qua các bài đánh giá hiệu quả công việc “mềm” vào giữa năm và thông qua quy trình đánh giá hiệu quả chính thức mỗi năm một lần, thường là trong quý I. Các Phó Chủ tịch là đối tượng của cái gọi là “stack ranking”, quy trình phổ biến trong giới công nghệ nơi các đồng nghiệp được so sánh xem ai làm việc hiệu quả hơn. Công việc và tác động của họ bị giám sát chặt chẽ.

Ngoài ra, Meta còn bắt buộc các quản lý xếp từ 10% đến 12,5% nhân sự trong nhóm vào danh mục làm việc kém hiệu quả. Những người này sẽ bị đưa vào kế hoạch cải thiện năng suất (PIP). Nhìn chung, những bài đánh giá như vậy thường dẫn đến bị sa thải hoặc giáng chức.

(Theo Insider)