Liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử còn nhiều vướng mắc
Cuộc sống số - Ngày đăng : 07:52, 13/06/2024
Nội dung trên được ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra khi báo cáo kết quả thực hiện và một số khó khăn của TP.HCM trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, được tổ chức ngày 10/6 vừa qua.
Trong thời gian qua, TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Điển hình, tại kỳ họp thứ 15 vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua chính sách miễn phí 5 loại hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần gồm: lệ phí hộ tịch; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính. Chính sách này được áp dụng từ ngày 29/5/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06.
Trong đó, về dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử còn nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, như 2 nhóm thủ tục liên thông “Khai sinh – Khai tử” chưa có sự thống nhất giữa Luật Cư trú và văn bản triển khai thực hiện 2 nhóm liên thông về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Hay về việc thu thập dữ liệu công dân, một số trường hợp nhân khẩu có Giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, do đó không thể cập nhật trường thông tin “Quốc tịch” trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất ở lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an trao đổi với các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp khi người dân nộp hồ sơ điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương bằng tài khoản VNeID - tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử từ ngày 01/7/2024 theo chủ trương của Chính phủ - thì không cần phải ký số điện tử. Việc này giúp giảm bớt chi phí khi người dân sử dụng dịch vụ ký số, giảm bớt các thao tác khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công.
Bộ Công an cập nhật phần mềm liên thông "Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp chi phí mai táng" được chọn mối quan hệ chủ hộ đối với trường hợp xóa đăng ký thường trú chủ hộ.
Về thể chế, Văn phòng Chính phủ chỉnh sửa phụ lục 1 về việc bãi bỏ việc yêu cầu công dân đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (vì trái quy định của Luật Cư trú) khi thực hiện 2 thủ tục liên thông “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bộ Tư pháp tháo gỡ đối với các trường hợp Giấy khai sinh công dân có sử dụng những ký tự đặc biệt, Giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng phần quốc tịch bỏ trống hoặc không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Một đề xuất nữa cũng được lãnh đạo TP.HCM đưa ra là Văn phòng Chính phủ nâng hiệu năng Cổng thanh toán trực tuyến đảm bảo tốc độ phản hồi thông tin nhanh, không bị mất thông tin, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính toàn trình.
(Tổng hợp)