Những lý do khiến đèn check engine sáng
Xe - Ngày đăng : 13:29, 11/06/2024
Đèn check engine là gì?
Đèn check engine là đèn báo lỗi khi động cơ ô tô hay các hệ thống liên quan xảy ra lỗi. Đèn check engine thường được bố trí ở cụm đồng hồ sau vô lăng xe. Vì đèn màu vàng và biểu tượng check engine ô tô khá giống cá vàng nên lỗi check engine còn được nhiều người gọi là “lỗi cá vàng”.
Khối điều khiển động cơ ECM trực tiếp tiếp nhận thông tin từ các cảm biến xe, sau đó xử lý và gửi lệch để điều khiển toàn bộ sự vận hành của động cơ như điều khiển kim phun nhiên liệu, độ mở van, thời gian bô bin đánh lửa cấp điện cho bugi…
Khi ECM phát hiện thông tin từ cảm biến có giá trị khác biệt so với thông thường hay bị mất tín hiệu, ECM sẽ ra lệnh bật sáng đèn báo lỗi check engine để thông báo cho người lái.
Khi xe vừa khởi động, tất cả hệ thống đèn báo lỗi nằm trên cụm đồng hồ trung tâm thường bật sáng và sau đó tắt đi. Điều này cho biết hệ thống đã được khởi động và đang trong tình trạng hoạt động bình thường. Tuy nhiên nếu xe bị lỗi động cơ, đèn check engine sẽ phát sáng hoặc nhấp nháy liên tục mà không tắt.
Nguyên nhân đèn check engine sáng
- Lỗi xe báo đèn check engine thường do bugi xảy ra trục trặc như bị mòn bẩn, đầu nối bugi hay dây dẫn điện cao áp bị hỏng. Những lỗi này có thể khiến bugi phát ra tia lửa yếu hay không đúng thời điểm, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đốt cháy hỗn hợp khí và nhiên liệu.
Điều này sẽ làm giảm hiệu suất động cơ, gây nên tình trạng máy rung, xe bị giật khi tăng ga, xe khó nổ máy, xe đang chạy chết máy…
- Bô bin đánh lửa ô tô có nhiệm vụ tạo ra dòng điện cao áp để bugi phát ra tia lửa điện đốt cháy hỗn hợp khí và nhiên liệu trong xy lanh động cơ. Nếu bô bin đánh lửa trục trặc, hỏng hóc sẽ ảnh hưởng đến bugi.
Nếu nghiêm trọng, bugi có thể không đánh lửa được, dẫn đến tình trạng động cơ bỏ máy. Do đó khi bô bin đánh lửa hỏng, đèn check engine thường sẽ sáng vàng.
- Kim phun nhiên liệu giúp cung cấp nhiên liệu cho buồng đốt để tạo ra sự cháy. Kim phun hoạt động lâu ngày không được vệ sinh dễ bị tắc, nghẽn do bám cặn, gỉ…ảnh hưởng lớn đến hoạt động của động cơ.
Khi ECM phát hiện kim phun bị lỗi, đèn báo check engine sẽ được bật sáng để thông báo.
- Nếu nắp bình nhiên liệu không được đậy kín xe cũng sẽ báo lỗi check engine.
- Hệ thống kiểm soát hơi xăng (EVAP) có nhiệm vụ hấp thụ hơi xăng đi qua bộ lọc để dẫn vào buồng cháy, ngăn hơi xăng bay từ bình xăng ra ngoài. Khi hệ thống này trục trặc, xe sẽ phát tín hiệu lỗi báo đèn check engine.
- Hệ thống tuần hoàn khí xả (EGR) có nhiệm vụ đưa khí thải trở lại hoà chung với khí nạp để giảm nồng độ NOx. Sau thời gian dài làm việc, van điều khiển tuần hoàn khí xả hay hệ thống đường ống này có thể bị tắc do bám bẩn, bám muội than khí thải.
Lúc này hệ thống ECM sẽ bật đèn báo lỗi check engine để thông báo.
- Van hằng nhiệt có vai trò điều tiết sự tuần hoàn nước làm mát để làm mát động cơ. Van hằng nhiệt giúp đảm bảo nhiệt độ làm mát từ 80 – 95 độ C để động cơ vận hành tối ưu nhất.
Tuy nhiên lâu ngày van cũng có thể bị các trục trặc như bị kẹt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát, khiến máy xe bị nóng. Nếu không sớm xử lý có thể bị hiện tượng bó máy. Khi ECM phát hiện van hằng nhiệt bị lỗi sẽ cho taplo hiện đèn check engine.
- Cảm biến lưu lượng khí nạp (MAF) có nhiệm vụ đo lưu lượng khí nạp đi vào động cơ, chuyển tín hiệu về ECM để ECM tính toán điều chỉnh lượng nhiên liệu và thời điểm đánh lửa phù hợp.
Tuy nhiên khi hoạt động lâu ngày, cảm biến này cũng dễ bị bám bụi bẩn làm thông tin chuyển về bị sai lệch, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Do đó nếu phát hiện cảm biến lưu lượng khí nạp bị lỗi biểu tượng đèn check engine sẽ bật sáng để thông báo.
- Cảm biến oxy giúp đo lượng oxy dư có trong khí thải động cơ, chuyển tín hiệu về ECM. Từ đó ECM sẽ điều chỉnh tỷ lệ nhiên liệu, khí và thời điểm đánh lửa tối ưu hơn.
Khi cảm biến oxy bị trục trặc, thông tin sai lệch, quá trình đốt cháy sẽ không còn hiệu quả nên xe thường phải tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn để bù vào. Do đó khi đèn check engine thì rất có thể cảm biến oxy đã bị lỗi.
- Bộ chuyển đối xúc tác có nhiệm vụ xử lý những thành phần độc hại có trong khí xả trước khi thải ra môi trường. Nếu bộ chuyển đổi xúc tác bị trục trặc, xe cũng sẽ bật đèn báo check ô tô.
Đèn check engine sáng, nên làm gì?
Khi thấy đèn check engine sáng, nếu xe bị các lỗi nhẹ, động cơ vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tài xế vẫn không nên chủ quan bởi nếu không sớm khắc phục thì tình trạng lỗi xe có thể diễn biến nghiêm trọng hơn. Vì hoạt động của động cơ là sự phối hợp của rất nhiều bộ phận. Nếu một bộ phận bị trục trặc có thể ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều bộ phận khác.
Tốt nhất, chỉ nên cho xe vận hành ở dải tốc độ dưới 40 km/h. Sau đó nên đưa xe đến garage để kiểm tra lỗi ngay.
Trong trường hợp đèn check engine nhấp nháy liên tục thì đây là dấu hiệu cho thấy tình huống khẩn cấp, động cơ có thể đang bị quá nóng hay bộ xúc tác quá nóng.
Nếu tiếp tục di chuyển có thể gây hại nghiêm trọng đến hệ thống vận hành của xe, thậm chí khiến xe bốc cháy. Do đó tốt nhất lúc này là nên tìm chỗ an toàn để dừng xe và gọi cứu hộ kéo xe về garage kiểm tra.