Ngược dòng Nhật Lệ: Từ Đại giang đến thượng nguồn
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:07, 10/06/2024
Đại Giang có tên thường gọi là Long Đại. Dòng Long Đại vừa chảy qua những làng mạc yên ả, trầm mặc ở vùng cao, vừa uốn quanh những rặng núi đá vôi hùng vĩ. Có những đoạn sông nằm lọt giữa 2 khe núi, cảm giác như nó bị nuốt chửng, nhưng càng tiến lại gần, sông rộng dài, mềm mại quấn quýt chân núi, nước xanh màu ngọc bích quyến rũ. Thác Bạch Mã, Hoàng Tử, Tam Lu… là những cái tên được những người dân nơi đây gọi đúng như tưởng tượng của họ về vẻ đẹp của những ngọn thác.
Chuyện kể của người lái thuyền
Người lái thuyền cho chúng tôi tên là Trần Văn Trường, 37 tuổi. Trường quê xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh-là vùng đất nơi đầu nguồn của sông Long Đại. Trường kể, anh làm nghề này từ năm 12 tuổi, nghề "cha truyền, con nối". Lúc đầu, những đứa trẻ như anh được cho chạy thuyền nhỏ ở những khúc sông ít quanh co. Những năm 2000 trở về trước, từ trung tâm lên Trường Sơn hầu như chỉ đi bằng đường thủy trên sông Long Đại. Những người lái thuyền trên sông ngày đó vừa chở người, phương tiện, vừa chở lương thực thực phẩm và hàng hóa từ miền ngược xuống miền xuôi rồi từ miền xuôi lại ngược lên núi. Sông Long Đại trở thành con đường thông thương chính nối hai miền.
Sau này khi có tuyến đường bộ lên Trường Sơn, những người lái đò trên sông Long Đại ít dần, Trường cùng các bạn nghề vừa lái thuyền vừa đánh bắt cá trên sông. Mùa mưa lũ họ chèo thuyền đi cứu nạn hoặc tiếp tế lương thực cho bà con trong vùng bị nước lũ cô lập. Trường kể, có nhiều khi phải đội đèn đi cả đêm, "phải cứu bà con mình không đêm hôm nguy hiểm lắm chị". Thuộc từng con nước, từng mỏm đá nên trong đêm tối, thuyền của Trường tránh được những vùng nước xoáy có thể lật thuyền bất cứ lúc nào. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn, nhưng "cứ phải bám lấy sông mà sống chị à", Trường chia sẻ.
Ngồi trên thuyền, vượt qua những đoạn sông uốn khúc quanh co cùng các thác nước, tôi chợt nhớ "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân. Dòng sông Long Đại (rồng lớn) cũng có những khúc thác ghềnh hiểm trở, nhất là khi phải vượt thác Tam Lu. Thác Tam Lu, được coi là thác nước cao và đẹp nhất trong gần 100 con thác trên dòng sông Long Đại. Thác cao khoảng 20m so với mặt nước tự nhiên và có 3 bậc nước hình 3 chiếc lu, tung bọt trắng xóa. Muốn vượt qua thác, thuyền phải lách qua những rặng đá sắc nhọn vừa nhô lên mặt nước, vừa chìm dưới thác nước. Người cầm lái vừa phải uyển chuyển điều khiển thuyền, động tác vừa phải nhanh, dứt khoát để khi nước vừa đổ xuống là con thuyền sẵn sàng lao lên, trong "tích tắc" như bay trên cột sóng rồi đáp xuống nhẹ nhàng phía bên kia bờ thác.
Thuyền qua thác Tam Lu một đoạn thì đến thôn Tân Sơn. Trường nói: "Những người dân nơi đây, cuộc sống còn gian khổ lắm chị ạ, nhất là về mùa mưa lũ. Bà con làm được mấy thóc lúa dự trữ là lụt trôi hết, dân cần cù mà làng cứ nghèo mãi. Tội nhất là người già với con nít. Chưa có cầu nên buổi sáng cha mẹ phải dậy từ 4 rưỡi, đội đèn cõng con lội từ bên ni (này) qua bên tê (kia) sông để đi học, trưa lại bơi qua sông cõng con về. Thuyền không sắm nổi nên cứ phải khổ rứa đó chị. Dậy sớm nên bọn trẻ ngủ gật trên lưng cha mẹ đến trường. Chừ (giờ) mong răng (sao) có cây cầu cho bà con đỡ khổ".
Tôi bảo Trường neo thuyền cho chúng tôi lên thăm làng. Tân Sơn đẹp như trong cổ tích với nhiều cây cổ thụ xòe tán rộng trên những triền dốc. Làng nhỏ bé giữa thung lũng với sông núi bao quanh, có cả nhà sàn của đồng bào Bru-Vân Kiều và nhà cấp 4 của bà con người Kinh từ dưới xuôi lên định cư. Người đầu tiên chúng tôi gặp ở làng là cụ Võ Văn Khuynh, 91 tuổi. Quê cụ Khuynh ở Tân Ninh (huyện Quảng Ninh). Cụ lên đây lập nghiệp từ năm 1964. Hết chiến tranh đến bão lũ triền miên, cuộc sống gian khó nhưng đã gắn bó với nơi này nên cụ không muốn rời đi. Ngôi nhà con trai cụ mới sửa sang lại tạm bợ với những mảnh gỗ cũ được ghép đơn sơ, nắng đan xiên trên nền đất. Trên cánh cửa còn những vạch đánh dấu mức ngập lũ, có vạch gần đến nóc, ghi năm 1992. Cụ kể năm đó, thóc lúa, nhà cửa của làng Tân Sơn bị cuốn trôi hết, may nhờ bộ đội Biên phòng cưu mang, cho cái ăn cái mặc, giúp dựng lại nhà cửa. Cụ nói: "Rừng bị phá rứa tê (như thế) lấy chi mà không lũ lớn. Có trận lũ cuốn về hàng trăm súc gỗ". Rồi cụ chỉ những súc gỗ mục chất quanh nhà: "Đó o coi, gỗ ni (này) từ trên rừng theo nước lũ trôi về, dân Tân Sơn đến mùa lũ là ra sông lượm vô để làm củi, làm than, sưởi ấm mùa đông".
Kho báu phía thượng nguồn
Tiếp tục hành trình ngược dòng Nhật Lệ, chúng tôi được chỉ đi về phía rừng đầu nguồn Động Châu-Khe Nước Trong (ĐC-KNT). Xe chạy qua những cung đường uốn quanh đồi núi, thấp thoáng nhà sàn của đồng bào Bru-Vân Kiều. Phải qua nhiều quả đồi loang lổ rừng trồng mùa khai thác, từng mảng xanh của rừng nguyên sinh mới lộ dần. Chúng tôi sững sờ trước khung cảnh núi non hùng vĩ khi flycam bắt được cả một vùng rừng nguyên sinh bao la, bay mãi không bao được độ rộng dài của nó. Dưới tán rừng, suối khe rộn ràng đổ nước vào những dòng sông. Người dẫn chúng tôi vào rừng là ông Bạch Thanh Hải-Giám đốc Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên ĐC-KNT. Ông Hải, ngoài 40 tuổi, từng nhiều năm gắn bó với Vườn Quốc gia Cát Tiên, có học vị tiến sĩ, trở về Quảng Bình với tiếng gọi "quê hương nghĩa nặng tình sâu".
"ĐC-KNT thực sự là một kho báu của Quảng Bình và của quốc gia", ông Hải khẳng định và cho biết thêm, ở đây tồn tại một diện tích rất lớn (gần 20 ngàn ha) kiểu rừng kín thường xanh trên núi đất, là kiểu rừng đã trở nên khan hiếm ở Việt Nam. Với kiểu rừng này, ĐC-KNT có hệ thống động thực vật vô cùng phong phú với nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới. Đặc biệt, rừng ở đây có nhiều tầng tán với tầng dưới cùng là thảm thực vật phủ kín, nên mưa xuống không bị tuột đi mà thấm dần vào lòng đất, tạo nên một vựa nước ngầm khổng lồ dưới tán rừng. Từ những khe suối trong lòng ĐC-KNT, nguồn nước vô tận đổ về 3 con sông lớn ở Quảng Bình là Long Đại, Kiến Giang và Nhật Lệ. Những làng mạc, xóm thôn với hàng vạn cư dân đã cậy nhờ nước ở những con sông này mà mưu sinh và hình thành nên những vùng văn hóa có bản sắc riêng.
"Sẽ như thế nào khi ĐC-KNT cũng như các khu rừng khác bị khai thác cạn kiệt ?". Ông Hải lý giải: nước lũ không được rừng đầu nguồn giữ lại sẽ dội xuống đồng bằng, cuốn phăng làng mạc. Không có rừng với hệ thống động thực vật phong phú sẽ mất cân bằng sinh thái, đất bị xói mòn về mùa mưa, khô hạn về mùa nắng. Khan hiếm nước ngầm sẽ đẩy đời sống con người đi đến nghèo kiệt.
Giọng ông Hải chợt trầm buồn khi kể về những mất mát, hy sinh của lực lượng bảo vệ rừng ở Động Châu trong chiến tranh cũng như thời bình. Gần đây nhất, tháng 10/2022, ông và đồng nghiệp đã phải đau xót tiễn đưa người đồng đội trẻ tuổi Hà Đình Phương bị nước cuốn trôi trên đường tuần tra qua suối Thù Lù - con suối đổ vào sông Long Đại.
Để giữ gìn và khai thác bền vững rừng đầu nguồn ĐC-KNT, cách mà chính quyền, Ban quản lý Khu dự trữ và người dân ở đây đang làm là tạo sinh kế cho người dân để giảm áp lực phá rừng, như: cho phép họ khai thác thảo dược, mật ong, tham gia các tổ tuần tra bảo vệ rừng, làm du lịch. Tiền bán tín chỉ carbon từ rừng và thu từ dịch vụ du lịch sẽ đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ rừng. Năm 2023, Quảng Bình bán được hơn 82 tỷ đồng tín chỉ carbon, con số này chắc chắn sẽ tăng trong những năm tới khi rừng được bảo vệ tốt.
"Trong tương lai, chúng tôi hy vọng ĐC-KNT sẽ là một khu bảo tồn độc đáo và thực sự được khai thác bền vững để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh", ông Hải nói.
Thế là tôi đã thỏa mãn giấc mơ thuở bé, theo hành trình của một giọt nước tìm về cội nguồn của dòng sông Nhật Lệ, con sông yêu thương của tôi và biết bao người. Tôi đã tắm trong mưa rừng bên suối đá, thỏa thích ngắm những réc nước nhỏ nhoi, róc rách chảy vào suối, khe suối rộn ràng chảy vào nhau, làm thành những thác nước tuyệt đẹp rồi lưu luyến chảy quanh khu rừng trước khi đổ vào sông để về với biển. Biết bao cuộc đời đã “tựa” vào sông, "lớn" cùng sông, nhưng cũng có bao thân phận rủi ro bị nhấn chìm dưới đáy sông sâu. Dù vậy, trong ký ức của tôi, dòng sông quê mãi là "một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng"!