Con làm bài không tốt, cha mẹ cần an ủi, nhưng nói 1 câu này dễ gây tác dụng ngược!
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:54, 10/06/2024
Sau khi mỗi kỳ thi, nhiều phụ huynh thấy kết quả của con mình chưa đạt yêu cầu, nhưng chưa chắc họ biết cách giao tiếp hiệu quả với con. Một số người la mắng, chỉ trích con, trong khi có người lại an ủi bằng câu nói: “Làm không tốt cũng không sao”.
Đối với người lớn, có thể nghĩ đây là lời động viên. Nhưng đối với trẻ, câu nói này thực ra có thể có tác động tiêu cực.
Đầu tiên, câu nói này đôi khi có thể khiến con bạn cảm thấy cha mẹ không quan tâm đến kết quả của mình, trẻ thắc mắc hay là bố mẹ không coi trọng việc đó? Thứ hai, câu nói này có thể khiến con bạn cảm thấy nỗ lực của mình là vô ích, từ đó dần đánh mất nhiệt huyết và sự tự tin. Cuối cùng, câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy thành công không quan trọng, cách tư duy này gián tiếp khiến trẻ mất đi động lực theo đuổi sự tiến bộ.
Vậy nên làm thế nào? Một bài viết trên trang 163 có thể là gợi ý tốt.
Đầu tiên, giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc
Sau khi một đứa trẻ thất bại trong một bài kiểm tra hoặc bài thi, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ cảm thấy khó chịu, nhiều cảm xúc tiêu cực. Với tư cách là cha mẹ, bạn phải kịp thời xoa dịu cảm xúc của con.
Cha mẹ có thể nhẹ nhàng nói với con rằng: “Cho dù con thi không tốt, thì bố mẹ vẫn sẽ yêu thương con. Điểm số chỉ là công cụ để kiểm tra trình độ học tập chứ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất của một con người”.
Chỉ khi cha mẹ chấp nhận sai sót của một con một cách thật lòng và trọn vẹn, đứa trẻ đó mới có đủ cảm giác được bố mẹ trợ lực chở che, nhờ đó có thêm sức mạnh để thay đổi chính mình. Các bậc phụ huynh nên thật sự sát cánh bên con trong quá trình sau đó, để tiếp thêm sức mạnh cho trẻ thay vì chỉ trích.
Thứ hai, cha mẹ hãy hỏi 3 câu khi thấy thời điểm phù hợp
1. Con có hài lòng với kết quả của mình không?
Thông qua câu hỏi này, cha mẹ có thể hiểu được sự tự đánh giá và thái độ của con đối với thành tích của bản thân. Nếu trẻ bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được thì bạn có thể hỏi thêm về lý do khiến trẻ hài lòng, từ đó khen ngợi những nỗ lực và tiến bộ mà trẻ đã đạt được trong quá trình học tập.
Nếu trẻ tỏ ra không hài lòng, bố mẹ có thể hỏi tại sao con không hài lòng và phân tích con cần cải thiện thêm ở điểm nào.
2. Con có nghĩ lần này mình đã tiến bộ hơn trước không?
Câu hỏi này có thể giúp các bậc phụ huynh hiểu được sự tự nhận thức và đánh giá của trẻ về quá trình học tập của chính mình. Nếu đứa trẻ cho rằng mình đã đạt được tiến bộ thì bố mẹ hãy hỏi về kết quả cụ thể và các biện pháp mà con đã áp dụng.
Nếu con cảm thấy mình không tiến bộ, thì cha mẹ hãy góp ý về các phương pháp hoặc chiến lược học tập phù hợp.
3. Con nghĩ vấn đề chính nằm ở đâu?
Câu hỏi này có thể giúp các bậc phụ huynh hiểu được những vấn đề, khó khăn mà các con gặp phải trong kỳ thi vừa qua. Thông qua câu trả lời của trẻ, bạn có thể hiểu những lĩnh vực mà trẻ cần cải thiện hoặc cải thiện hơn nữa, đồng thời gợi ý những hướng giải quyết tốt hơn.
Thông qua giao tiếp, trao đổi về 3 vấn đề trên, cha mẹ có thể giúp các com hiểu rõ hơn về tình hình, vấn đề học tập của bản thân, đồng thời cũng có thể hỗ trợ, động viên con, kích thích động lực học tập và sự tự tin sau này.
Thứ ba, phân tích nguyên nhân khiến con làm không tốt
Sau khi trò chuyện, cha mẹ có thể cùng con phân tích nguyên nhân gây mất điểm. Con không làm được là vì câu hỏi không rõ ràng, tính toán sai hay do thiếu kiến thức? Đồng thời, cha mẹ hãy ghi lại chi tiết lý do của những câu hỏi sai. Quá trình này cũng có thể cho trẻ biết điểm yếu của mình.
Đồng thời, cha mẹ cũng có thể khuyến khích con suy nghĩ về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân trong học tập và giúp trẻ xây dựng kế hoạch tiếp theo...
Tóm lại, khi con làm bài không tốt, cha mẹ nên bình tĩnh và đừng nói “thi trượt cũng không sao”, cũng đừng chỉ trích hay đổ lỗi cho con quá mức. Chỉ khi trẻ nhận được sự hỗ trợ và khuyến khích đầy đủ thì mới cảm nhận được giá trị của chính mình để tự tin phấn đấu tiếp.
Theo Người đưa tin