Điểm tin kinh doanh 9/6: Giá vàng về mức thấp nhất trong 5 tháng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 10/06/2024

Thị trường nông sản: Giá lúa, gạo cùng giảm nhẹ; IMF cảnh báo nguy cơ thâm hụt ngân sách đối với Mỹ
vang-nhan-16968170588251740533517-1-.jpg

- Giá vàng về mức thấp nhất trong 5 tháng

Sau một tuần Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng trực tiếp, giá vàng miếng SJC đã về mức thấp nhất trong 5 tháng, giảm mạnh mức chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi. Đối với giá vàng thế giới, tuần qua cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Tại phiên cuối tuần 9/6, giá vàng được các doanh nghiệp, đơn vị, cửa hàng có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng niêm yết ở mức bán ra khoảng 76,98 - 77 triệu đồng/lượng, gần tương đương với mức 76,98 triệu đồng/lượng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phê duyệt bán miếng trực tiếp vào sáng ngày làm việc cuối cùng trong tuần 7/6.

So với tuần trước, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 6 triệu đồng/lượng, thu hẹp mức chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi hơn 8 triệu đồng/lượng; thấp hơn rất nhiều mức 13 triệu đồng hồi cuối tháng 5.

Cùng với mức giá bán ra hiện nay, giá vàng miếng đang dần tiệm cận với giá vàng nhẫn khi giá vàng nhẫn trong phiên cuối tuần 9/6 ghi nhận mức bán ra 74,14 - 74,68 triệu đồng/lượng. Với vàng nhẫn, đây cũng là giá giao dịch thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây.

Fed sớm hạ lãi suất. Số liệu việc làm đã kéo đồng USD lên giá và giảm giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới chốt phiên 7/6 ở mức thấp nhất trong khoảng 1 tháng qua. Đáng chú ý, tuần qua cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của giá vàng. Tại Sàn giao dịch Vàng Comex, giá vàng giao tháng 8/2024 giảm xuống mức 2.325 USD/ounce.

- Thái Lan bác bỏ đề xuất thu phí du lịch

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 8/6 cho biết ông sẽ hủy bỏ đề xuất của chính quyền tiền nhiệm về việc thu phí du lịch 300 baht (khoảng 8,2 USD) đối với mỗi khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan bằng đường hàng không.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, chính phủ của ông Srettha sẽ không xem xét đề xuất được đưa ra vào tháng 2 năm ngoái, vốn vấp phải sự phản đối của khu vực tư nhân. Người đứng đầu chính phủ Thái Lan cho rằng mặc dù thu phí du lịch có thể tạo thêm doanh thu nhưng nếu nhìn rộng hơn thì nguồn thu này chưa chắc đã bằng số tiền thu được từ các khoản chi tiêu mua sắm của du khách, nếu họ không phải trả khoản phí trên. Dưới góc nhìn của ông Srettha, sức chi tiêu của du khách mới là yếu tố kích thích nền kinh tế và tạo ra nhiều doanh thu cho đất nước.

Thủ tướng Srettha nói rõ mọi quyết định đều phải dựa trên tiếng nói của tất cả các bên liên quan và chính phủ của ông có thể tạo thêm doanh thu từ các nguồn thuế khác để hỗ trợ ngành du lịch khi cần thiết.

Khi được hỏi về việc Thái Lan bị rớt 6 bậc xuống vị trí 47/119 quốc gia về chỉ số phát triển du lịch và lữ hành do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng, Thủ tướng Srettha cho biết chính phủ hiện nay sẽ phát triển trên mọi lĩnh vực và, cũng giống như các chính phủ trước, luôn xác định du lịch là ngành mũi nhọn quan trọng giúp tạo ra nguồn thu cho đất nước.

Ông Srettha tin tưởng "ngành công nghiệp không khói" ở Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển vì nhiều thành phố và đảo ở nước này đã được công nhận là điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới. Theo ông, điểm mấu chốt hiện nay là Thái Lan chỉ cần tập trung vào việc khuyến khích những ý tưởng thúc đẩy phát triển du lịch trong tương lai.

- IMF cảnh báo nguy cơ thâm hụt ngân sách đối với Mỹ

Các chuyên gia nhận định Washington nên tận dụng những ưu thế về sức mạnh kinh tế hiện tại để giảm thiểu gánh nặng thâm hụt tài chính.

Trao đổi với tờ Financial Times, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath nhận định Mỹ cần giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Chuyên gia này cho rằng tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số một thế giới sẽ mang lại cho nước này nhiều dư địa hơn để thắt chặt chi tiêu và tăng thuế.

Theo bà Gopinath, đã đến lúc các nền kinh tế tiên tiến cần củng cố tài chính và giảm gánh nặng nợ xuống mức trước đại dịch.

“Mỹ có nhiều cơ sở để giảm quy mô thâm hụt tài chính nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế” – đại diện IMF cho biết.

Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath kêu gọi Washington cần gấp rút hạn chế thâm hụt ngân sách. Ảnh: The Financial Times

Cảnh báo được đưa ra khi các nhà kinh tế và nhà đầu tư lo ngại nhiều năm đẩy mạnh chi tiêu tài khóa của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang khiến kinh tế Mỹ đối diện với nhiều thách thức.

image005-16823248834761501529099-1682387147485-16823871475822012099123.jpg

- Thị trường nông sản: Giá lúa, gạo cùng giảm nhẹ

Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự giảm nhẹ. Nhiều địa phương đang tích cực vào vụ thu hoạch lúa vụ Hè Thu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.125 đồng/kg, giá bình quân là 7.089 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho giảm trung bình 42 đồng/kg, ở mức 9.575 đồng/kg; giá cao nhất là 9.050 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 13.950 đồng/kg, giá bình quân 13.521 đồng/kg, giảm 164 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.750 đồng/kg, giá bình quân 13.292 đồng/kg, giảm 167 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.300 đồng/kg, giá bình quân 13.292 đồng/kg, giảm 125 đồng/kg.

Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 150 đồng/kg, giá trung bình là 13.740 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 208 đồng/kg, trung bình là 11.392 đồng/kg.

Ti An Giang, giá hầu hết các loại lúa không có sự thay đổi như: OM 18 từ 7.800 – 8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg; OM 5451 từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 7.8000 – 8.000 đồng/kg...

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Cùng với giá lúa gạo trong nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tuần này, trước sức ép từ nguồn cung tăng khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ tăng do nguồn cung giảm và nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lớn tăng lên.

Gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ được chào bán với giá từ 539 - 546 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 535 - 543 USD/tấn của tuần trước. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Mumbai cho biết, hầu hết các nước nhập khẩu lớn đều ưu tiên gạo Ấn Độ do giá thấp hơn.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 575 - 580 USD/tấn trong phiên 6/6, giảm so với mức 580 - 585 USD/tấn của một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung tiếp tục dồi dào do vụ thu hoạch đang diễn ra.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 630 USD/tấn, không thay đổi nhiều so với tuần trước do nhu cầu ổn định. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết một số thị trường như Philippines, Brazil và châu Phi có quan tâm đến gạo Thái Lan, nhưng chưa có thỏa thuận lớn nào có thể ảnh hưởng đến giá cả.

Các quan chức cho biết, sản lượng gạo vụ Hè của Bangladesh có thể vượt mức 20,7 triệu tấn của năm 2023, do nông dân tăng diện tích canh tác. Vụ lúa Hè thường đóng góp hơn 50% trong sản lượng gạo khoảng 37 triệu tấn của Bangladesh.

- Giá Bitcoin hôm nay 9/6: Điều chỉnh mốc 69.400 USD

Giá Bitcoin giao dịch ở mức 69.380,84 USD/BTC, tăng nhẹ 0,09% trong 24 giờ qua.

Theo dữ liệu của Coindesk, cập nhật tới 13h50 ngày 9/6 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 69.380,84 USD/BTC, tăng nhẹ 0,09% trong 24 giờ qua. Thanh khoản của đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 17,45 tỉ USD, giảm 74,4% so với ngày 8/6. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 1.370 tỉ USD, chiếm 52,76% tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.

Giá trị vốn hóa toàn bộ thị trường được ghi nhận vào thời điểm 14h00 là 2,602,49 tỉ USD giảm 0,39% so với 24 giờ trước.

Được biết, đồng ETH có xu hướng tăng nhẹ 0,06%, giao dịch ở mức 3.688,25 USD/ETH. Trong khi đó, hàng loạt đồng tiền mã hóa khác lại có xu hướng giảm trong 24 giờ qua. XRP và SOL - những đồng tiền mã hóa phổ biến khác - có xu hướng điều chỉnh.

Vào lúc 13h55, trong số 10 đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất, có tới 8 đồng có xu hướng giảm so với 24h trước đó. Theo đó, TONCOIN là đồng có xu hướng giảm lớn nhất ở mức 4,14%.

Việt Báo (Tổng hợp)