Ở nơi bác sỹ và bệnh nhân cùng vẽ lại cuộc đời
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:00, 03/06/2024
Mái nhà chung
Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội ở xã Thụy An, cách trung tâm huyện Ba Vì 6km, tọa lạc trên một vùng gò đồi trung du xanh mướt và tĩnh lặng. Lúc chúng tôi đến, chị Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết hôm nay có cuộc thi cho bệnh nhân. Ở khu sinh hoạt chung nằm phía sau khu làm việc của cán bộ, mỗi bệnh nhân cầm trên tay chiếc ghế lần lượt di chuyển vào dự “Cuộc Thi Bác Hồ trong tim tôi - Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Những khi có các cuộc sinh hoạt chung như thế này, Trung tâm trở nên sinh động hơn bao giờ hết, là dịp để mọi người gần gũi.. “Bình ơi, Bình thắng thì tôi thưởng cho một món quà nhé!”, tiếng một hộ lý động viên bệnh nhân. Tựa như một gia đình đa thế hệ, những cuộc trò chuyện giữa cán bộ và bệnh nhân đều nhẹ nhàng, gần gũi, như những người thân trong gia đình.
Bệnh nhân Đ. T. Hiếu, 43 tuổi, đã gắn bó với trung tâm được 10 năm. “Sau khi tốt nghiệp cao đẳng và đi làm, tôi thường bị mất ngủ, nói nhiều, đập phá và cảm xúc thất thường. Bác sĩ chẩn đoán do thất nghiệp lâu ngày cùng áp lực học tập. Gia đình cũng đưa tôi đi chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm”, câu trả lời rõ ràng, rành mạch.
Từ ngày vào trung tâm, ông Hiếu được các y bác sĩ chăm sóc và phục hồi chức năng, bệnh tình đã đỡ hơn nhiều. Ông ngủ ngon, tỉnh táo hơn và không còn suy nghĩ tiêu cực. “Dần dần, tôi thấy yêu nơi này lắm! Trong đợt COVID-19 vừa qua, khi tôi vừa khỏi bệnh thì cán bộ điều trị cho tôi lại mắc bệnh. Tôi thấy thương cán bộ vô cùng. Tôi coi họ như người thân ruột thịt trong gia đình. Hàng ngày tôi đều mong cán bộ nhanh chóng khỏi bệnh để tiếp tục chăm sóc và bầu bạn với tôi”. Những trường hợp như ông Hiếu không hiếm và điểm chung là họ tìm thấy sự an ủi về tinh thần lẫn thể xác nơi các y bác sĩ.
Ngoài điều trị theo phác đồ, ở đây các bệnh nhân cũng được hướng dẫn và tập lao động sản xuất như một phương pháp để phục hồi. Ở tổ chăm sóc nằm phía sau một cánh cửa sắt, do hai y sĩ trẻ Linh và Hà phụ trách, các bệnh nhân được chia thành từng nhóm chăm sóc vườn rau và làm vàng mã. Nhìn họ tỉ mẩn từng thao tác dưới sự hướng dẫn của các cán bộ, ai cũng tin rằng những con người đặc biệt này sẽ sớm hòa nhập trở lại với đời sống chung.
Đó không chỉ là thứ hàng hóa góp nguồn thu nhập cho họ mà còn là vật chứng quý giá minh chứng giá trị lao động và khả năng đóng góp cho xã hội của các bệnh nhân.
'Tôi làm việc ở đây 10 năm rồi, không lý do gì không tiếp tục'
Chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân tâm thần luôn khó và vất vả gấp bội, đòi hỏi không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cả tình thương, đức hi sinh và nhẫn nại.
Chị Linh chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là cán bộ ở trung tâm nên từ nhỏ tôi đã được chứng kiến và tiếp xúc với các bệnh nhân ở đây. Thấy họ như vậy tôi thương lắm. Đồng cảm với họ nên tôi quyết định về đây làm việc, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình”.
Tình cảm gắn bó như người thân ruột thịt giữa cán bộ và bệnh nhân ở đây khiến chúng tôi bùi ngùi xúc động. “Người bệnh như người thân của mình vậy, một ngày có 24 tiếng thì chúng tôi gắn bó ở đây suốt rồi, thân thiết đến nỗi nhớ rõ từng bệnh nhân thích ăn gì, ai có nguy cơ phát bệnh khi thời tiết thay đổi… Mỗi bệnh nhân đều có hoàn cảnh khác nhau, đều có những điều khiến mình trăn trở, bận tâm”.
Đặc thù của bệnh nhân tâm thần là quá trình điều trị lâu dài. Chị Hà cho biết thường bệnh nhân vào trung tâm là sẽ gắn bó cả đời ở đây. Bệnh nhân sống tại trung tâm không giống bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Người bệnh trước khi vào đây đã được chẩn đoán và điều trị ở các bệnh viện tuyến trên nhưng không hiệu quả; đa số mắc các bệnh đồng diễn với tâm thần phân liệt như lao, HIV, tiểu đường... Triệu chứng bệnh đa phần là rối loạn cảm xúc, mất năng lực hành vi và khả năng lao động, gây mất trật tự cộng đồng. Tình trạng bệnh dễ chuyển biến nặng nên nhiều bệnh nhân không thể sinh hoạt như người bình thường.
Thậm chí với họ, sinh hoạt cá nhân như việc đánh răng, rửa mặt cũng là một trở ngại. Lâu dần họ sẽ mất đi những năng lực hành vi cơ bản nhất. Trách nhiệm của cán bộ y tế ở đây là giúp họ phục hồi, lấy lại những kĩ năng sống đó.
Nghề y vất vả và áp lực, điều đó càng nặng nề hơn với các y bác sĩ chuyên khoa tâm thần. “Chúng tôi dạo này cũng rất vất vả vì có khá nhiều bệnh nhân ung thư, bệnh nhân yếu liệt. Công việc gần như tương đương với phần việc của các bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu ở các bệnh viện”, chị Hà kể.
Ngày mới về đây công tác, chị không tránh được những bỡ ngỡ và cả sợ hãi của người trẻ, khi chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không kiểm soát được hành vi mà tấn công cả cán bộ. “Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân càng lâu, tôi càng quen, càng rèn được bản lĩnh. Làm ở đây không như ở tuyến bệnh viện, phải xuất phát từ tâm thì mới làm được. Ngưỡng thời gian mười năm là giai đoạn khó khăn nhất mà tôi còn vượt qua được thì không có lý do gì tôi không tiếp tục gắn bó với công việc này”. Tấm lòng của chị Hà và các y bác sĩ ở đây chắc chắn làm ấm lòng các bệnh nhân và cả thân nhân của họ.
Kỳ II: 1 bác sĩ phụ trách...700 bệnh nhân