Quân sự thế giới hôm nay (4-6): Phần Lan trang bị tên lửa tầm xa cho tiêm kích F-35
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:57, 04/06/2024
*Trung Quốc thử nghiệm hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625E
Mới đây, CCTV-7 - kênh truyền hình về quân sự - quốc phòng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vừa đăng tải thông tin về hoạt động thử nghiệm hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625E của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Type 625E là hệ thống phòng không tầm ngắn của Trung Quốc, có tầm bắn dao động từ 6 đến 10km tùy vào từng cấu hình. Ảnh: CCTV-7 |
Là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc (CSGC) và Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco), hệ thống Type 625E được chế tạo nhằm giải quyết những lỗ hổng phòng không tầm ngắn trong chiến lược phòng không đa tầng của Trung Quốc.
Vũ khí được trang bị trên Type 625E gồm súng máy Gatling 25mm 6 nòng, với tầm bắn hiệu quả lên tới 2,5km. Súng có khả năng ngăn chặn nhiều mối đe dọa trên không như máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, đạn tuần kích và máy bay không người lái (UAV) bay thấp, và tham gia tác chiến trên bộ chống lại các phương tiện bọc thép hạng nhẹ.
Hệ thống phòng không tầm ngắn Type 625E còn được trang bị 4 tên lửa phòng không FB-16 với tầm bắn tối đa 6km. Tên lửa này được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu ở độ cao thấp và cực thấp. Tuy nhiên, ở một số cấu hình, hệ thống có thể mang tên lửa FB-10, có thể tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 10km và ở độ cao từ 15 đến 5.000m.
Được đặt trên khung gầm có tính cơ động cao 8x8, Type 625E có khả năng cơ động cao trên nhiều địa hình khác nhau, cho phép triển khai và tái định vị nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu chiến trường. Bên cạnh đó, hệ thống phòng không này còn được tích hợp các radar tìm kiếm và máy theo dõi quang điện tử, giúp phát hiện và theo dõi máy bay bay ở độ cao thấp, UAV, trực thăng và tên lửa hành trình.
Trong tác chiến, hệ thống điều khiển hỏa lực trên Type 625E liên tục theo dõi mục tiêu, tính toán quỹ đạo và xác định vị trí đánh chặn tốt nhất. Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị cảm biến quang học hồng ngoại, cho phép tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc thông qua nguồn cấp dữ liệu từ camera hồng ngoại.
* Phần Lan dự kiến trang bị tên lửa tầm bắn 1.000km cho tiêm kích F-35
Không quân Phần Lan (FAF) dự định sẽ mua tên lửa tầm xa có tầm bắn 1.000km để trang bị cho tiêm kích F-35 nhằm duy trì khả năng sẵn sàng hoạt động của phi đội và tăng cường năng lực của Không quân.
Tên lửa JASSM được trang bị bên ngoài máy bay ném bom B-1B Lancer tại Căn cứ Không quân Edwards, California, Mỹ. Ảnh: Bulgarian Military |
Chính phủ Mỹ đã bật “đèn xanh” cho việc bán các tên lửa tầm xa JASSM-ER này cùng tiêm kích F-35A, với tổng chi phí ước tính vào khoảng 12,5 tỷ USD. Mặc dù số lượng tên lửa chính thức vẫn chưa được tiết lộ, nhưng Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết rằng Phần Lan đã đặt mua 200 tên lửa JASSM-ER.
JASSM-ER là tên lửa không đối đất tầm xa do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển để tấn công các mục tiêu quan trọng như sở chỉ huy, kho tàng chiến lược nằm sâu dưới lòng đất và được xây dựng kiên cố. Tên lửa có chiều dài khoảng 4,27m và sải cánh rộng 2,64m. Kích thước nhỏ gọn này cho phép tên lửa có thể được trang bị trên nhiều loại máy bay, bao gồm cả máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.
Về mặt kỹ thuật, JASSM-ER hoạt động nhờ vào hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp hệ thống định vị toàn cầu GPS có khả năng kháng nhiễu cao. Ở giai đoạn cuối, tên lửa sẽ sử dụng thiết bị dò hồng ngoại để phát hiện chính xác mục tiêu trước khi lao vào tiêu diệt, với sai số chệch mục tiêu (CEP) khoảng 3m.
Với phạm vi bắn lên tới 925km, JASSM-ER được đánh giá là một trong những tên lửa phóng từ trên không có tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Tên lửa mang đầu đạn xuyên phá nặng 450kg. Đầu đạn này được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất trong mọi điều kiện thời tiết.
* Rheinmetall ra mắt hệ thống mặt đất không người lái mới nhất tại CANSEC 2024
Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức mới đây đã giới thiệu ba biến thể của hệ thống mặt đất không người lái (UGS) mới nhất: Mission Master SP, Mission Master XT và Mission Master CXT tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh quốc tế 2024 (CANSEC 2024) được tổ chức tại thủ đô Ottawa, Canada.
Mission Master SP là phương tiện không người lái đa dụng (A-UGV), được thiết kế để hỗ trợ và bảo vệ binh sĩ trong nhiều nhiệm vụ có độ rủi ro cao. Ảnh: Joint Forces |
Mission Master SP là phương tiện không người lái đa dụng (A-UGV), được thiết kế để hỗ trợ và bảo vệ binh sĩ trong nhiều nhiệm vụ có độ rủi ro cao. Được trang bị động cơ điện, Mission Master SP thể hiện tính vượt trội trong các tình huống đòi hỏi khả năng tàng hình và sự nhanh nhẹn.
Xe không người lái Rheinmetall Mission Master SP có thiết kế nhỏ gọn, được trang bị các mô-đun tải trọng linh hoạt để thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển hàng hóa, giám sát, thậm chí đóng vai trò là trạm vũ khí điều khiển từ xa. Xe có khả năng nhận biết và điều hướng do AI hỗ trợ thông qua hệ thống Rheinmetall PATH, cho phép nó tự động vượt qua các loại địa hình trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như tuyết dày, bùn.
UGV Mission Master CXT trong cấu hình vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Rheinmetall |
Mission Master CXT là phương tiện không người lái (UGV), được thiết kế để hỗ trợ binh lính trong nhiều nhiệm vụ và nhiều môi trường khác nhau. Sử dụng động cơ diesel kết hợp động cơ điện không ồn và sở hữu khả năng lội nước, phương tiện có thể mang tải trọng 1000kg và có thể di chuyển trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Xe có phạm vi hoạt động 450km mà không cần tiếp nhiên liệu. Phương tiện này có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải CH-47, CH-53 và C-130, cũng như các máy bay thương mại.
Mission Master XT là A-UGV có khả năng di chuyển trên mọi địa hình và có thể lội nước. Phương tiện có thể mang tải trọng lên tới 1.000kg và có tầm hoạt động 750km. Xe tương thích với nhiều loại cảm biến và hệ thống vũ khí, cho phép các đơn vị nâng cao tầm bắn và hỏa lực bằng vũ khí hạng nặng và hệ thống quang học lớn hơn mức mà chúng thường có thể mang theo.
Mission Master XT có tầm hoạt động lên tới 750km. Ảnh: EDR Magazine |
QUỲNH OANH (Tổng hợp)