Làm gì để thẻ tín dụng nội địa hấp dẫn?

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 19:00, 21/05/2024

Tâm lý người tiêu dùng, yếu tố chi phí cơ hội, chi phí tài chính... là những nguyên nhân khiến thẻ tín dụng (TTD) nội địa chưa tiếp cận được rộng rãi người dùng. Giải quyết những vấn đề trên sẽ tiến nhanh hơn đến ‘thị trường thanh toán không tiền mặt’.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam cho hay, thường số loại TTD nội địa phát hành tại các ngân hàng thương mại chỉ chiếm 1/6 đến 1/10 so với số loại TTD quốc tế được phát hành. Phí và lãi suất không phải là rào cản với TTD nội địa, vì giá và phí ít và thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trung bình mỗi năm MasterCard và Visa thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, trong khi số loại phí của TTD nội địa thấp hơn nhiều.

the-tin-dung.jpeg

Ngoài ra, phí duy trì thường niên của TTD quốc tế giao động từ 299.000 đồng đến 2 triệu đồng cho nhóm thẻ phổ thông, và có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho nhóm thẻ ưu tiên. Trong khi đó, phí thường niên của TTD nội địa thường dao động từ 150.000 - 300.000 đồng cho các hạng thẻ khác nhau.

Các chi phí để sử dụng dịch vụ, sản phẩm của TTD nội địa cũng ít hơn so với TTD quốc tế. Phí tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng quốc tế giao động từ 2% đến 4% trên số tiền vượt hạn mức, thì đối với thẻ tín dụng nội địa, phí này chỉ rơi vào khoảng 0,075%. Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa là 1%, so với mức trung bình của thẻ tín dụng quốc tế là 3%.

hoithaothe_dhdainam-01.jpeg
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường ĐH Đại Nam. Ảnh: Lao Động 

Theo ông Đức, nguyên nhân chính khiến thẻ TTD nội địa chưa hấp dẫn là yếu tố về tâm lý người tiêu dùng, yếu tố chi phí cơ hội, chi phí tài chính... Đây chính là những vấn đề mà đơn vị phát hành và ngân hàng nhà nước cần ‘gỡ rối’ để thu hút người dùng.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank, việc đẩy mạnh phát triển TTD nội địa tại thị trường Việt Nam chưa khả quan do vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.

Thứ nhất, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phát triển TTD nội địa còn rất hạn chế, việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.

hoithaothe_ngtanphap.jpeg
Ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Ảnh: Lao Động

Ông Pháp nói thêm, để TTD nội địa phát triển mạnh hơn, NAPAS cần có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các Ngân hàng và tổ chức chuyển mạch.

Đồng thời, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp tiếp tục chung tay mở rộng hệ sinh thái sử dụng thẻ cho khách hàng như thanh toán giao thông, thanh toán hóa đơn định kỳ,… kèm những ưu đãi hấp dẫn từ các đối tác nhằm thu hút hơn nữa sử dụng thẻ để thanh toán.

Ở góc nhìn khác, ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, sự lo ngại của người dùng đến từ việc đang tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật trong các ứng dụng ngân hàng.

hoithaothe_ongson2.jpeg
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin. Ảnh: Lao Động

Việt Nam có hơn 100 triệu dân, khoảng 70 triệu người sử dụng Internet. Các đối tượng xấu lợi dụng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những tiện ích mà CNTT mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản giá trị cao.

Có nhiều cách thức lừa đảo khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng hướng đến là về tài chính.

(NCSC) đã thực hiện các phân tích, trong đó có khá nhiều các ngân hàng không vượt qua bài test trong bảo vệ dụng từ đầu đến cuối. Có 17% các đối tượng ngân hàng hiện tại không vượt qua được các cơ chế bảo vệ. Còn lại có thể vượt qua, tùy các mức độ khác nhau.

Người dùng cài đặt 1 số ứng dụng, các đối tượng tấn công vào, đánh cắp thông tin của người dùng. Đây là điểm yếu trong bảo mật. Làm sao ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro từ các hình thức lừa đảo gồm 4 trụ cột: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường tin cậy, ngăn ngừa lừa đảo, giảm thiểu tác động của lừa đảo.

Chống lừa đảo trên không gian mạng cần sự vào cuộc của nhiều bộ phận, xoay quanh 4 trụ cột: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường tin cậy, ngăn ngừa lừa đảo, giảm thiểu tác động của lừa đảo.

hoithaothe_bemac.jpeg
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Lao Động

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng.

Bên cạnh đó, ông Dũng yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán.

Một điều quan trọng cần được coi là chiến lược trong dài hạn là phải củng cố và nâng cao uy tín của mỗi ngân hàng thương mại để thẻ phát hành ra có thể sẽ được chấp nhận thanh toán ngoài Việt Nam, trở thành thẻ quốc tế. Chỉ có như vậy, người tiêu dùng sử dụng thẻ do các ngân hàng thương mại Việt Nam phát hành mới có được những tiện ích như sử dụng TTD quốc tế.

Bình An (tổng hợp)