Cơ hội cho ô tô điện chuyên chở học sinh
Xe - Ngày đăng : 07:44, 03/06/2024
Đưa đón học sinh sẽ có xe riêng
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị này đang được Bộ Giao thông Vận tải, giao chủ trì soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, trong đó có xe chở học sinh. Dự kiến 2 tháng nữa sẽ ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2025.
Theo đó, xe chở học sinh phải thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt sau xe phải có thiết bị cảnh báo hoặc biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh. Bên trong và bên ngoài xe không được có các lỗ, các góc cạnh sắc nhọn, các khuyết tật có thể gây thương tích.
Đối với xe chở học sinh mẫu giáo, tiểu học, phải có thêm tối thiểu 1 chỗ ngồi cho người quản lý học sinh; xe chở từ 29 học sinh mẫu giáo, tiểu học trở lên phải có thêm 2 chỗ ngồi cho người quản lý. Xe chở học sinh mẫu giáo không vượt quá 45 ghế; xe chở học sinh tiểu học, trung học cơ sở với số lượng không quá 56 người.
Đối với ghế ngồi trên xe chở học sinh, dự thảo quy định không được bố trí thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe; được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu và hệ thống camera bên trong để giám sát hành vi của lái xe, người quản lý học sinh và học sinh trên xe; camera bên ngoài để giám sát tình trạng giao thông phía ngoài cửa lên xuống. Xe phải có đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi cửa lên xuống mở để đón, trả học sinh. Camera phải có hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin.
Ngoài ra, xe chở học sinh phải được trang bị hệ thống cảnh báo tự động bằng còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc khẩn cấp trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh trong trường hợp học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không lâu quá 15 phút.
Tại Việt Nam hiện nay, gần như tất cả các trường học đều sử dụng những loại xe chở người thông thường từ 9 đến 60 chỗ ngồi để đưa đón học sinh, không phải loại xe được sản xuất riêng với mục đích đưa đón học sinh. Bên cạnh đó, việc quản lý tài xế cũng chưa được các nhà trường kiểm soát chặt chẽ. Do đó, chất lượng cũng như chuyên môn của đội ngũ lái xe vẫn có vấn đề.
Cơ hội cho xe điện?
Chị Trần Thu Trang, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, có con trai đang theo học tại một trường tiểu học dân lập trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ, chị đăng ký cho con đi học bằng xe tuyến của nhà trường. Do xe không có các thiết bị cảnh báo, nên con đi học chị rất lo lắng, phải đề nghị cho con ngồi ghế bên cạnh lái xe, để khi xuống xe tránh bị bỏ quên. Hơn nữa xe sử dụng xăng, dầu đã cũ, nên xả nhiều khói, rất ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em.
Theo chị Trang, trong bối cảnh ngày càng nhiều bậc phụ huynh lựa chọn xe tuyến của nhà trường, để đưa đón con em đi học hàng ngày, việc đặt ra những quy định nghiêm ngặt cho xe chuyên chở học sinh là cần thiết. Tại Mỹ đã có quy định riêng về xe chở học sinh từ năm 1940.
Kỹ sư ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, quy định tiêu chuẩn cho xe chở học sinh được áp dụng, sẽ thúc đẩy phát triển một hệ thống xe chuyên dụng, đạt chuẩn, góp phần nâng cao sự an toàn, giảm thiểu ùn tắc và bảo vệ môi trường.
Trong thời kì xe điện đang phát triển, việc thay thế xe xăng, dầu bằng xe điện để đưa đón học sinh cần phải tính đến. Khí thải từ xe buýt chạy bằng xăng, dầu là một trong những tác nhân gây ra nhiều bệnh lý và hạn chế sự phát triển nhận thức ở trẻ em. Xe buýt chạy điện là giải pháp thay thế sạch hơn, an toàn hơn và chi phí vận hành thấp hơn. Tại Việt Nam đã có xe buýt điện chuyên chở hành khách hàng ngày, nên dùng xe buýt điện đưa đón học sinh hoàn toàn khả thi. Xe điện dùng để đưa đón học sinh chỉ di chuyển quãng đường ngắn mỗi ngày, sau khi đưa học sinh đến trường buổi sáng, có thể sạc pin và chờ đến chiều đưa học sinh về nhà. Vì vậy, rất phù hợp, kỹ sư Đồng nói.
Những lợi ích mà xe điện mang lại, là tiền đề lớn cho phân khúc xe điện chuyên chở học sinh. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho một chiếc xe buýt điện vẫn cao hơn xe xăng, dầu và hạ tầng trạm sạc chưa phát triển. Cần có chính khuyến khích và hỗ trợ từ Nhà nước. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải, kết hợp với các trường học, triển khai dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe buýt điện. Một đội ngũ xe điện đạt chuẩn, tài xế được đào tạo bài bản, sẽ đảm bảo hành trình đến trường an toàn cho tất cả học sinh, làm yên lòng mọi người.
Theo Khoa Trần/ Diễn đàn doanh nghiệp