Chồng triệt sản 7 năm, vợ đột nhiên mang thai, bác sĩ: Không ai có lỗi!
Gia đình - Ngày đăng : 06:41, 03/06/2024
Bác sĩ sản phụ khoa Tô Nhật Ninh (Hồng Kông, Trung Quốc) cho biết: “Thắt ống dẫn tinh là biện pháp triệt sản ở nam giới, nhằm mục đích tránh thai vĩnh viễn. Ống dẫn tinh là đường di chuyển của tinh trùng từ mào tinh hoàn đến niệu đạo để giải phóng ra bên ngoài. Việc thắt ống dẫn tinh sẽ ngăn cản tinh trùng di chuyển đến niệu đạo để xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ khi quan hệ. Điểm nổi bật của phương pháp này là hiệu quả rất cao. Thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện, thời gian hồi phục nhanh, chi phí thấp hơn so với thắt ống dẫn trứng ở nữ giới. Đặc biệt, phương pháp này không làm ảnh hưởng đến chuyện ấy hay hormone của nam giới”.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng khả năng tránh thai của phương pháp này dù rất cao nhưng không phải tuyệt đối 100%. Trong mọi trường hợp, vẫn có những “biến số” xảy ra. Khi làm khách mời trong một chương trình sức khỏe sinh sản trực tuyến gần đây, bà đã chia sẻ một trường hợp chồng làm thắt ống dẫn tinh đã 7 năm nhưng vợ lại đột nhiên có thai.
Đi khám rối loạn kinh nguyệt, người phụ nữ phát hiện mang thai dù chồng đã triệt sản 7 năm (Ảnh minh họa)
Chị Lâm, khoảng 40 tuổi (sống tại Hồng Kông, Trung Quốc) cùng chồng tìm đến phòng khám của bác sĩ Tô để khám rối loạn kinh nguyệt. Lý do là vì đã hơn 2 tháng qua chị đột nhiên mất kinh, trong người mệt mỏi, sụt cân nhưng bụng hay khó chịu, có cảm giác to lên. Chị tự tra cứu trên mạng và lo lắng rằng đây là dấu hiệu của khối u tử cung hoặc buồng trứng.
Sau khi kiểm tra sơ bộ, bác sĩ Tô nghi ngờ chị mang thai nên yêu cầu chị sử dụng que thử thai. Tuy nhiên, chị Lâm nhất quyết từ chối vì cho rằng chuyện đó là không thể xảy ra. Bởi vì chồng chị đã triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn tinh được hơn 7 năm. Thời gian gần đây, người chồng đi hay đi công tác nên hai người rất ít khi quan hệ. Chưa kể, kinh nguyệt của chị Lâm vốn dĩ không đều, tháng có tháng không.
Dưới sự giải thích của các y tá và bác sĩ, cuối cùng chị Lâm cũng miễn cưỡng đi thử thai. Thật không ngờ, chị thật sự mang thai và điều này khiến mối quan hệ giữa hai vợ chồng họ trở nên vô cùng căng thẳng. Chồng chị Lâm liên tục chửi mắng vì cho rằng chị đã ngoại tình, chị Lâm thì vừa khóc vừa đòi ly hôn vì luôn chung thủy nhưng chồng không tin tưởng mình.
Cuối cùng, bác sĩ Tô đã phải sắp xếp cho anh chồng đi xét nghiệm tinh dịch vào ngày hôm sau. Kết quả chỉ ra trong tinh dịch của anh vẫn chứa tinh trùng sống có khả năng gặp trứng và thụ thai. Để chắc chắn hơn, họ còn thực hiện xét nghiệm huyết thống thai nhi và kết quả chỉ ra đứa bé đang lớn dần lên trong bụng chị Lâm thật sự là con ruột của người chồng.
"Tôi nói ngay từ đầu rằng có thể không ai có lỗi bởi khoa học có rất nhiều chuyện không thể tuyệt đối 100%. Thắt ống dẫn tinh tuy hiệu quả rất cao nhưng cũng giống như mọi phương pháp tránh thai khác, không thể tuyệt đối trong mọi trường hợp. Việc một người đàn ông bị thắt ống dẫn tinh mà vẫn còn khả năng có con nghe có vẻ ngạc nhiên nhưng không phải hiếm. Theo các thống kê, tỷ lệ thất bại là của nó là khoảng 1/2000.
Nhiều trường hợp thắt ống dẫn tinh vẫn mang thai là do phát sinh quan hệ quá sớm sau khi làm thủ thuật. Trong khi sau thủ thuật, cần ít nhất 2 tháng với hàng chục lần xuất tinh để loại bỏ hoàn toàn tinh trùng khỏi tinh dịch. Nhưng cũng có những trường hợp thắt ống dẫn tinh bị lỗi, không hiệu quả. Hoặc qua thời gian quá lâu xảy ra trục trặc, khi hai phần của ống dẫn tinh thông lại với nhau. Vì vậy, việc kiểm tra định kỳ là vô cùng quan trọng” - bác sĩ Tô nói.
Theo PNVN