Nghệ nhân vĩ đại Carlo Ancelotti
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 13:05, 01/06/2024
“Carletto giúp tôi trưởng thành mỗi ngày”, Jude Bellingham lên tiếng một ngày trước khi Real Madrid đá lượt về vòng tứ kết Champions League trên sân Man City (1-1. Madrid thắng luân lưu). “Ông giúp tôi tự tin mỗi ngày, làm cho tôi luôn cảm thấy thoải mái. Ông đã giúp đỡ mọi thứ”.
Bellingham chỉ là người mới nhất trong hàng dài những ngôi sao dành lời khen khi nói về HLV Carlo Ancelotti. “Ông khiến tôi tin rằng mình thậm chí còn có thể giỏi hơn hiện tại”.
Trước Bellingham, cựu tiền đạo Alessandro Del Piero từng mô tả “ông ấy là HLV giỏi nhất mọi thời đại”; hay “ông là HLV giỏi nhất mà tôi từng làm việc”, như nhận xét của Kaka. Cristiano Ronaldo thú vị hơn: “Ancelotti giống như một con gấu tuyệt vời: một người tốt, nhạy cảm. Mọi cầu thủ nên có cơ hội làm việc với ông, vì ông ấy rất tuyệt”.
“Người ngoài hành tinh” Ronaldo cho rằng “Carletto là người giỏi nhất từng tồn tại trong thế giới bóng đá”; trong khi Karim Benzema đơn giản “ông là người giỏi nhất thế giới”…
Nhiều cầu thủ khác cũng đã được chinh phục bởi sự khôn ngoan trong chiến thuật và những bài học kỹ thuật, bởi sự đồng cảm và tính nhân văn của Ancelotti.
Lãnh đạo điềm tĩnh
Những nhận xét trên không phải là điều ngạc nhiên đối với những người biết Ancelotti, nhưng chắc chắn rất đáng ngạc khi xét theo vai trò một HLV thuần túy, người thường trở thành mục tiêu của mọi lời chỉ trích (dù đúng hay sai), lại là đối tượng của mà một loạt nhà vô địch cúi đầu.
Cách làm việc của Carletto trên hết dựa trên bài học mà ông học được khi còn nhỏ, những ngày ông giúp cha mình là Giuseppe trên cánh đồng Reggiolo, lái máy kéo và dành cả ngày để thu hoạch lúa mì vào mỗi mùa hè: ý thức tốt, sự cân bằng và thanh thản là những phẩm chất cần thiết để tiến xa.
Nếu phải đưa ra một định nghĩa về bản thân - điều mà Ancelotti cảm thấy khá khó chịu vì không thích bị coi là tự phụ - thì ông tự coi mình là “một nhà lãnh đạo điềm tĩnh”.
Trong khi những người khác đến với tiếng la hét đến mức khản cổ họng, Ancelotti đến một cách bình tĩnh, với công việc thuyết phục mà đôi khi bao gồm một bữa tối ngon lành, một cuộc trò chuyện, một vài câu chuyện cười và rất nhiều tiếng cười.
Đấy không phải dấu hiệu của sự lỏng lẻo. Khác xa với điều đó, Ancelotti luôn tin rằng ông có thể tận dụng tối đa mọi cuộc đối thoại để hiểu được cầu thủ (hoặc các ông chủ).
Phương pháp làm việc
Khi huấn luyện Milan và phải đưa ra một quyết định quan trọng, có thể là về thể lực hoặc về đội hình xuất phát, Carletto luôn tham khảo ý kiến của những cộng sự thân cận nhất bên cạnh mình, chọn con đường để đi.
Sau đó, khi sự lựa chọn đã được thông báo tới tất cả các cầu thủ, ông chuyển sang đội trưởng Paolo Maldini: “Theo cậu, tôi đã làm tốt chứ?”.
Bằng cách đó, Ancelotti thu hút mọi người tham gia vào dự án, giúp họ biết về ý tưởng của ông, đồng thời truyền đạt những suy nghĩ. Phương pháp, kể từ đó, không thay đổi một chút nào, bởi vì con người không thay đổi.
Ở Real Madrid, Ancelotti ngay lập tức đánh giá cao việc Bellingham sẵn sàng tập luyện, ham học hỏi và tinh thần hy sinh. Và rồi, giống những lần phải một ngôi sao hòa nhập vào tập thể mới, ông đồng hành cùng chàng trai trẻ người Anh.
Ancelotti luôn ở bên cạnh, như người cha nắm chặt bàn tan của Jude, không bao giờ khiến anh gặp khó khăn hay căng thẳng không cần thiết.
Carletto đã nghiên cứu để tìm ra vị trí thích hợp trên sân cho Bellingham, một tiền vệ tấn công thuần túy và hiện đại, rồi thuyết phục các nhà vô địch Vinicius và Rodrygo rằng họ sẽ phải hy sinh bản thân một chút, cũng như thay đổi lối chơi để giúp đỡ toàn đội: ít bám biên, tấn công nhiều hơn ở trung lộ.
Nếu mọi việc không suôn sẻ, vì luôn có thể có những vấp ngã trong quá trình trưởng thành, Carletto là người đầu tiên ra mặt bảo vệ các cậu con trai của mình. Chưa một lần nào ông khiến bất cứ ai rơi vào cảnh hỗn loạn, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ông.
Niềm tin và bảo vệ cầu thủ
Tại Juventus, khi sự nghiệp huấn luyện còn non trẻ, trong một môi trường không chào đón bằng những tiếng huýt sáo và cả những lời tục tĩu, Ancelotti quyết định sẽ đợi Del Piero bình phục thể lực hoàn toàn sau chấn thương nặng.
Ông biết rằng sẽ phải mất một thời gian dài vì bản thân tận mắt chứng kiến những cơn đau đầu gối không có dấu hiệu dừng lại (chính ông cũng chấn thương nặng năm 1984, khi khoác áo AS Roma, để rồi bỏ lỡ trận chung kết Cúp C1 với Liverpool). Carletto chưa bao giờ do dự về lựa chọn của mình.
Khi Del Piero treo giày, anh đến thăm Ancelotti ở California, nơi nhà cầm quân đang huấn luyện Real Madrid sau cột mốc “La Decima” nổi tiếng (chức vô địch Champions League/Cúp C1 lần thứ 10, tại Lisbon 2014).
Trước micro và máy quay, Alex nói rằng Ancelotti là “HLV giỏi nhất mọi thời đại”. Những lời đó cũng là lời cảm ơn vì sự kiên nhẫn mà Carletto dành cho anh. Nhờ vậy mà Del Piero ổn định sau khi trở lại sân cỏ, nhưng ông mất việc tại Juventus.
Trong khi đó, Kaka không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm vị trí thích hợp trên sân. Từ một tiền vệ, Ancelotti biến anh thành tiền đạo lùi (tương tự “số 9 ảo” theo cạch gọi sau này), với những khoảng trống phía trước, có thể bứt phá rồi ghi bàn.
Để Kaka được như vậy, Ancelotti chủ yếu tập trung xay dựng đội hình xung quanh các đặc điểm kỹ thuật và thể chất của cầu thủ người Brazil. Sau đó, ông chiều chuộng và bảo vệ anh khi cựu chủ tịch Silvio Berlusconi cố gắng can thiệp vào chuyên môn với yêu cầu phải xếp 2 tiền đạo thuần túy.
“Kaka là một tiền đạo”, Ancelotti lập luận với Berlusconi và không bao giờ thay đổi quyết định của mình. Cầu thủ sinh năm 1982 đã giành Quả bóng vàng cùng Ancelotti vào năm 2007, sau mùa giải lịch sử ở Champions League.
Đó cũng là lần cuối cùng một cầu thủ Serie A thắng giải của France Football. Trước Kaka, bóng đá Italia có đến 17 lần giành Quả bóng vàng.
Khi Kaka đến Milan, Ancelotti còn chưa xem anh đá trận chính thức nào. Ông tưởng tượng cầu thủ này như sự kế thừa của Toninho Cerezo - đồng đội cũ ở Roma giai đoạn 1983-1986, tiền vệ trung tâm của một trong những đội hình Brazil đẹp nhất mọi thời đại, được lĩnh xướng bởi Zico, nhưng thất bại tại World Cup 1982.
Chỉ một trận đá tập nội bộ để ông có cái nhìn khác về Kaka, người bùng nổ và thể hiện phẩm chất kỹ thuật điêu luyện. Carletto đẩy anh lên đá cao hơn để khai thác tài năng rê bóng phi thường.
Trí tuệ
Khi Florentino Perez gọi Ancelotti hồi mùa hè 2013, ông lập tức trao đưa ra một mục tiêu có thể khiến bất cứ ai phải run sợ: Real Madird phải vô địch Champions League. “La Decima” đối với CLB Hoàng gia Tây Ban Nha như bị ám ảnh. Jose Mourinho cũng thất bại ở đây, ngay sau chiến tích cú ăn 3 với Inter mùa 2009-10.
Carletto, người không hề sợ hãi ngay cả khi thấy mình phải đối mặt với một con gấu trong kỳ nghỉ ở Canada, không hề chùn bước trước yêu cầu như vậy.
Việc đầu tiên của ông khi đến trung tâm Valdebebas là kéo Cristiano Ronaldo sang một bên và giới thiệu về mình: “Tôi sẽ giúp cậu giành cúp và cậu sẽ trở thành người giỏi nhất thế giới”.
Đấy là một cách để tiếp thêm động lực cho Ronaldo và đội bóng. Sự thật là Real Madrid giành chiếc cúp danh giá nhất châu Âu chỉ vài tháng sau đó, với màn ngược dòng thắng Atletico trong trận chung kết ở Lisbon. Riêng CR7 lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu: 17 bàn một mùa giải Champions League.
Tất cả các cầu thủ, với Ronaldo dẫn đầu, tuyên bố rằng HLV đã tạo ra một môi trường tuyệt vời và phương pháp làm việc của ông rất hoàn hảo. “Các cầu thủ phải được tạo điều kiện để thể hiện tốt nhất. Tôi làm với những gì mình có”, Carletto khiêm tốn.
Carletto mô tả công việc của ông giống chuyện người mẹ Cecilia vẫn trong bếp: bà xem những gì có trong tủ lạnh và bày ra bữa tối cho cả gia đình.
Thứ bóng đá của Ancelotti là sự thể hiện của kỹ thuật thủ công được nâng lên cấp độ thứ n. Nói cách khác, ông là một nghệ nhân lành nghề. Những người từng được ông huấn luyện xác nhận điều này. Trong công thức của ông không có chỗ cho những phát minh, phép thuật hay mánh lới quảng cáo bản thân.
“HLV giỏi nhất là người gây ít thiệt hại nhất”, ông luôn lặp lại mỗi khi được hỏi về công việc. Ngoài các yếu tố kể trên, còn một điều khác mà Ancelotti luôn tự hào: trí tuệ nông dân của ông, như chính lời ông mô tả.