Google đầu tư tỷ USD vào Malaysia, Mỹ phá botnet khổng lồ
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:09, 01/06/2024
Google đầu tư tỷ USD vào Malaysia
Ngày 30/5, gã khổng lồ tìm kiếm Google thông báo sẽ đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu và trung tâm đám mây ở Malaysia.
Đây là nỗ lực mới nhất nhằm mở rộng hiện diện của Google tại khu vực Đông Nam Á và cũng là trung tâm đầu tiên của công ty này tại Malaysia.
Chính phủ Malaysia cho biết khoản đầu tư của gã khổng lồ tìm kiếm sẽ thúc đẩy tham vọng kỹ thuật số của nước này, với kỳ vọng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các công nghệ tiên tiến khác sẽ giúp nền công nghiệp địa phương thăng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo thông cáo báo chí, Google nói trung tâm dữ liệu mới sẽ phục vụ hoạt động của các ứng dụng như tìm kiếm (Search), bản đồ (Maps) và bộ ứng dụng văn phòng workspace chạy tác vụ AI. Trong khi đó, trung tâm đám mây sẽ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp địa phương và các tổ chức thuộc chính phủ.
Khu vực Đông Nam Á với hơn 670 triệu dân, trong đó cơ cấu dân số trẻ đam mê công nghệ đang là nơi thu hút sự chú ý và đầu tư gần đây của hàng loạt những tên tuổi lớn trong ngành, bao gồm Microsoft, Amazon, Nvidia và Apple.
Mỹ phá botnet khổng lồ
Bộ Tư pháp Mỹ cùng các đối tác quốc tế đã triệt phá botnet 911 5S và bắt giữ YunHe Wang, quản trị viên 35 tuổi, quốc tịch Trung Quốc.
Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, 911 S5 có khả năng là botnet lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Nhà chức trách đã bắt giữ YunHe Wang và tịch thu hạ tầng, tài sản, áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Wang và đồng bọn.
Botnet là mạng lưới các thiết bị máy tính bị chiếm quyền điều khiển và bị lợi dụng để thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Wang quản lý và kiểm soát khoảng 150 máy chủ chuyên dụng trên toàn thế giới, khoảng 76 trong số đó thuê từ các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có trụ sở tại Mỹ.
Theo một bản cáo trạng được công bố vào ngày 24/5, hàng chục tài sản của Wang hiện đang bị tịch thu, "bao gồm một chiếc Ferrari F8 Spider S-A 2022, một chiếc BMW i8, một chiếc BMW X7 M50d, một chiếc Rolls Royce, hơn 10 tài khoản ngân hàng trong nước và quốc tế, hơn 20 ví tiền điện tử, một số đồng hồ đeo tay sang trọng, 21 bất động sản nhà ở hoặc đầu tư (trên khắp Thái Lan, Singapore, UAE, St. Kitts và Nevis, Mỹ) và 20 tên miền.
Wang phải đối mặt với hình phạt tối đa là 65 năm tù nếu bị kết án về tất cả các tội danh, bao gồm âm mưu gian lận máy tính, âm mưu lừa đảo và âm mưu rửa tiền.
Trung Quốc tiếp tục rót 47,5 tỷ USD vào bán dẫn
Trung Quốc vừa thành lập quỹ đầu tư bán dẫn lớn chưa từng có để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chip nội địa giữa lúc Mỹ liên tục tìm cách ngăn cản bước tiến công nghệ của nước này.
Theo nền tảng thông tin Tianyancha, giai đoạn ba (Big Fund 3) của Quỹ đầu tư công vi mạch quốc gia Trung Quốc đã thu hút 344 tỷ NDT (47,5 tỷ USD) từ chính quyền trung ương cũng như các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước khác nhau. Quỹ được thành lập vào ngày 24/5.
Cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính Trung Quốc với 17% cổ phần và số vốn 60 tỷ NDT, trong khi các công ty đầu tư ở Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng đóng góp. China Development Bank Capital là cổ đông lớn thứ hai với 10,5% cổ phần.
17 pháp nhân khác được liệt kê là nhà đầu tư, bao gồm 5 ngân hàng lớn của Trung Quốc.
Big Fund 3 là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh để xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn của riêng mình trong khi Mỹ kêu gọi các đồng minh - bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản - thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip, đồng thời bịt lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có.
Elon Musk tìm chọn bệnh nhân thử nghiệm cấy chip não
Theo cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của chính phủ Mỹ, Neuralink - startup của tỷ phú Elon Musk đặt mục tiêu tuyển chọn 3 bệnh nhân để đánh giá hiệu quả thiết bị trong một dự án kéo dài vài năm.
Công ty này đang thử nghiệm bộ phận cấy ghép được thiết kế để giúp bệnh nhân bị liệt có khả năng sử dụng thiết bị kỹ thuật số thông qua ý nghĩ, một triển vọng hứa hẹn với những người bị chấn thương tuỷ sống.
Tuy nhiên, Neuralink cũng phải đối mặt với sự chỉ trích từ giới chuyên gia cấy ghép não, cũng như quan chức quản lý do không chia sẻ thông tin nghiên cứu - điều ngược với thông lệ trong ngành.
Hồ sơ cho thấy Neuralink ước tính hoàn thành cơ bản dự án vào năm 2026, và nghiên cứu đầy đủ hoàn tất vào năm 2031. Các bệnh nhân mắc chứng bệnh như liệt tứ chi, trong độ tuổi từ 22 đến 75 tuổi, có thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia dự án.
Đầu năm nay, Neuralink đã thực hiện cấy thiết bị này vào não của bệnh nhân có tên Noland Arbaugh bị liệt từ vai trở xuống do tai nạn lặn cách đây 8 năm.
Theo các bài đăng và video trên blog của công ty, thiết bị này đã cho phép Arbaugh chơi trò chơi điện tử, duyệt Internet và di chuyển con trỏ máy tính trên máy tính xách tay thông qua ý nghĩ.