Nhân viên FPT xăm hình chip lên người để quyết tâm làm chip cho Việt Nam
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:50, 31/05/2024
Chia sẻ tại buổi nói chuyện về "Hành trình chip Việt”, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho hay, Việt Nam có khoảng 5000 đến 6.000 người đang làm trong lĩnh vực này. Nhu cầu về nguồn nhân lực bán dẫn rất lớn, nhưng hiện mỗi trường đại học có khoảng vài chục sinh viên. Đây là câu hỏi khá khó với Việt Nam nếu từng nhóm, doanh nghiệp không có sự liên kết với nhau.
“Hơn 20 năm trước, Vinasa cùng nhau đồng hành, xây dựng ngành phần mềm phát triển. Vinasa thành lập khi ngành phần mềm doanh thu chưa đến 50 triệu USD, quy mô quá nhỏ và chưa thể là ngành công nghiệp. Hiện nay, với ngành bán dẫn, chúng ta không nên tự thân làm, cần tập hợp lực lượng, vì lượng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới làm bán dẫn rất đông đảo. Tất cả chúng ta xây dựng ngành công nghiệp mới cho đất nước, có thể đứng trên vai người khổng lồ để thực hiện. Chúng ta có khát vọng, nhân sự, sẵn sàng học hỏi để làm cùng các nước lớn trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Thu Giang nói.
Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT Semiconductor cho hay, 10 năm trước FPT có làm dịch vụ CNTT cho các công ty quốc tế về chip. Khi có cuộc chạy đua Mỹ - Trung về bán dẫn toàn cầu, FPT nhìn thấy cơ hội thị trường và sẵn có năng lực cung cấp nên thành lập FPT semiconductor với những đơn hàng và trước mắt tập trung vào thiết kế chip nguồn.
Để mô tả về hành trình chip bán dẫn, ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT Semiconductor đưa ra 3 vòng tròn gồm: thứ nhất là vòng tròn kinh tế số. Vòng tròn thứ hai nằm trong kinh tế số là các thiết bị điện tử và lõi trong cùng, đến vòng tròn thứ ba là chip bán dẫn. Nếu Việt Nam muốn phát triển nền kinh tế số, phát triển ngành điện tử thì phát triển ngành bán dẫn chính là điều cốt lõi nhất.
Ông Hòa dẫn chứng, những năm gần đây khi Trung Quốc đã có tiến bộ rất lớn về nghiên cứu sản xuất chip, ngày càng cạnh tranh với các nước khác đặc biệt là Mỹ. Mỹ nhận ra vấn đề này nên đã đưa ra những rào cản và Đạo luật chip ra đời, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam có cơ hội tham gia vào vòng lõi để làm ra con chip.
“Khi nói về chip có 3 cấu phần. Phần thiết kế có hai mảng là người hoặc công cụ thiết kế (tool và IP). Hiện tại Mỹ nắm tool và IP, không cho kỹ sư Trung Quốc làm. Về sản xuất với các công nghệ nano cần máy quang khắc và vật liệu, đều do Mỹ kiểm soát. Phần thứ ba là đóng gói và kiểm thử. Việt Nam chưa tham gia vào công đoạn thứ hai, vì để sản xuất được cần đầu tư lớn, quy mô hàng tỷ USD. Hiện Việt Nam có khoảng 50 công ty thiết kế chip, chủ yếu là công ty nước ngoài tuyển nhân sự Việt Nam. Trong số các công ty thiết kế đó có FPT Semiconductor chủ yếu cần người và công cụ. Việt Nam đang được quyền mua công cụ để làm và nhu cầu nhân sự sẽ tăng rất cao. 20 năm trước, Việt Nam đã xây dựng ngành phần mềm từ số 0, nhưng mảng bán dẫn hiện nay có nhiều Việt kiều có thể góp sức đào tạo vài lứa sinh viên thành kỹ sư ngang đẳng cấp với thế giới và đây là cơ hội cho Việt Nam”, ông Hòa nói.
Khi thiết kế chip thì con người là nhân tố quan trọng. Thế nhưng những doanh nghiệp nước ngoài cũng đang khát nguồn nhân lực bán dẫn, nên khi họ vào Việt Nam có nhiều chính sách thu hút nhân tài với mức lương rất cao. Tuy nhiên, FPT “đi 2 chân” là làm dịch vụ cho khách hàng, nên có cơ hội tuyển, đào tạo người cho khách hàng để bổ sung lực lượng và tự tuyển dụng cho mình.
“Về thiết kế chip, FPT Semiconductor có đội ngũ nhân sự gắn bó, họ mang khát vọng dân tộc, khát khao làm sản phẩm Make in Viet Nam rất lớn. Thậm chí có những người xăm lên mình hình con chip và khẩu hiệu quyết tâm làm ra sản phẩm Việt Nam. Họ là đội ngũ dẫn dắt thế hệ tiếp theo. Chúng tôi có cũng có đội ngũ nhân sự, chuyên gia là Việt Kiều mà thu nhập không phải vấn đề của họ. Họ sẵn sàng làm việc và dẫn dắt thế hệ trẻ làm chip. Trong trường hợp những người đang làm ở FPT Semiconductor mong muốn đi ra làm các công ty khác cũng không sao cả. Chúng tôi quan điểm ở đâu cũng đều là làm cho Việt Nam”, ông Trần Đăng Hoà chia sẻ.