Quân sự thế giới hôm nay (30-5): Nga ném 40 quả bom lượn KAB chỉ trong một ngày
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:58, 30/05/2024
* Nga ném 40 quả bom lượn KAB xuống Ukraine chỉ trong một ngày
Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine, chỉ trong một ngày (25-5), Nga đã ném 40 quả bom lượn KAB vào các vị trí và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
KAB-500 là dòng bom lượn được Quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong thời gian gần đây. Ảnh: Wikipedia |
Cụ thể, trong ngày 25-5, lực lượng Nga đã tấn công không ngừng vào các vị trí của Ukraine trên gần như toàn bộ chiến tuyến. Thành phố Kharkov của Ukraine đã phải hứng chịu 4 cuộc tấn công lớn bằng tên lửa và bom dẫn đường của Nga. Tổng số bom dẫn đường Nga sử dụng để nhắm đến các đơn vị và cơ sở hạ tầng của Ukraine lên tới 40 quả.
KAB là dòng bom lượn dẫn đường do Nga phát triển, được thiết kế để thả từ máy bay và hướng tới mục tiêu với độ chính xác cao bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường laser. KAB-500L là biến thể hạng nhẹ của dòng KAB-500, có hiệu quả chống lại các mục tiêu cố định như các tòa nhà và cầu cảng. Bom có tầm bắn tối đa 30km và mang đầu đạn nổ phân mảnh cao. Được ra mắt từ năm 1975, KAB-500L hiện vẫn đang phục vụ trong lực lượng Không quân của Nga và nhiều quốc gia khác như Ấn Độ và Malaysia.
Một biến thể khác, KAB-500KR, là bom dẫn đường quang điện, hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên”. Bom có đầu đạn xuyên phá nặng 380kg và có thể xuyên thủng hầm ngầm, bê tông cốt thép ở độ sâu 1,5m. KAB-1500LG-FE là một loại bom có kích thước lớn hơn thuộc dòng KAB, được giới thiệu vào những năm 1990. Bom có trọng lượng hơn 1,5 tấn và được trang bị hệ thống dẫn đường laser bán chủ động.
Với khả năng tương thích với nhiều máy bay hiện đại của Nga như Su-30, Su-34 và Su-35, bom lượn KAB-1500 đã được Quân đội Nga sử dụng trong nhiều cuộc xung đột, trong đó có chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
* Romania trình làng nguyên mẫu UAV chiến thuật Ultra 60
Tại Triển lãm quốc phòng quốc tế BSDA 2024 đang diễn ra tại Romania, nước chủ nhà đã trình làng nguyên mẫu máy bay không người lái chiến thuật có tên Ultra 60.
Máy bay không người lái Ultra 60 được trang bị các cảm biến phổ hồng ngoại, cho phép hoạt động trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau. Ảnh: Army Recognition |
Nền tảng không người lái này đánh dấu một bước quan trọng trong việc phát triển các hệ thống máy bay không người lái (UAS) hiệu quả về mặt chi phí cho các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Ultra 60 có thể bay liên tục trong 10 giờ và phạm vi hoạt động là 100km. Nó có thể bay ở độ cao lên tới 5.000m và mang theo tải trọng 25kg. Những tính năng này khiến Ultra 60 trở thành một vũ khí linh hoạt cho các nhiệm vụ đòi hỏi sự giám sát cao và trong thời gian dài.
Được phát triển với mục tiêu tiết kiệm chi phí, Ultra 60 tích hợp một số công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động. Máy bay được trang bị các cảm biến phổ hồng ngoại, cho phép phương tiện có thể hoạt động trong điều kiện ánh sáng khác nhau. Ngoài ra, Ultra 60 còn được trang bị zoom quang học, có khả năng phóng đại lên tới 30 lần, cảm biến SAR và chế độ nhận diện “bạn-thù” IFF 5, đảm bảo nhận dạng và theo dõi chính xác mục tiêu. Thiết kế chắc chắn giúp nâng cao tính linh hoạt và khả năng sẵn sàng vận hành của UAV. Ultra 60 có sải cánh rộng 4,5m và trọng lượng cất cánh tối đa là 80kg.
Sự phát triển của UAV chiến đấu và UAV ISR đang phổ biến rộng rãi hơn trên toàn thế giới, bao gồm cả Romania. Những tiến bộ công nghệ cho phép thiết kế các hệ thống ngày càng tinh vi và giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội hiện đại về khả năng giám sát và tấn công chính xác.
* Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm tàu hộ vệ Hetman Ivan Mazepa trên biển
Trang Army Recognition ngày 29-5 đưa tin, tàu hộ vệ lớp Ada Hetman Ivan Mazepa (F-211) do công ty RMK Marine Shipyard của Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo cho Ukraine đã tiến hành thành công chuyến thử nghiệm đầu tiên trên biển.
Tàu hộ vệ Hetman Ivan Mazepa chế tạo cho Ukraine được thử nghiệm trên biển ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Enes Balci |
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đóng 2 tàu hộ vệ lớp Ada cho Hải quân Ukraine theo thỏa thuận hợp tác quân sự được ký vào tháng 10-2020. Chiếc đầu tiên có tên Hetman Ivan Mazepa, được hạ thủy vào tháng 10-2022 và dự kiến sẽ được bàn giao cho Ukraine trong năm nay. Chiếc thứ hai, Hetman Ivan Vyhovsky, dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2025. Hai tàu hộ vệ này là một phần của dự án MILGEM, ban đầu được phát triển cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi tàu được thiết kế để thực hiện nhiều vai trò khác nhau, bao gồm tuần tra hàng hải, giám sát và bảo vệ bờ biển.
Các tàu hộ tống này có chiều dài 99,56m, rộng 14,4m, mớn nước 3,89m và có lượng giãn nước 2.300 tấn. Sử dụng hệ thống động cơ đẩy bao gồm 1 tuabin khí và 2 động cơ diesel, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 53,7km/giờ và có tầm hoạt động 3.500 hải lý khi di chuyển với vận tốc khoảng 27,78km/giờ.
Tàu được trang bị một loạt các cảm biến và hệ thống tiên tiến, bao gồm hệ thống quản lý chiến đấu GENESIS, radar tìm kiếm SMART-S Mk2, sonar, GPS, radar băng tần X và radar điều khiển hỏa lực. Tàu còn được lắp đặt hệ thống tác chiến điện tử ARES-2N, hệ thống laser/RF và thiết bị gây nhiễu.
Hỏa lực được trang bị trên tàu gồm hải pháo OTO Melara Super Rapid 76mm, pháo tầm gần GOKDENIZ 35mm và trạm vũ khí điều khiển từ xa STAMP 12,7mm. Ngoài ra, tàu còn mang theo 8 tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa phòng không MICA-M và 2 ngư lôi MU90.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)