Tiến độ thần tốc trên cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình
Nhịp sống - Ngày đăng : 20:05, 29/05/2024
Rút ngắn thời gian thi công nhiều hạng mục phức tạp trên tuyến
Theo hợp đồng được ký với chủ đầu tư, các dự án thành phần cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình còn hơn 1 năm nữa mới về đích (thời gian thi công 1.020 ngày, tính từ 1/1/2023). Tuy nhiên, nhờ việc tổ chức thi công khoa học, hầu hết các nhà thầu đều đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng. Cũng có nhà thầu gây bất ngờ khi lên kế hoạch thi công xong các hạng mục trong năm 2024.
Ngày 27/5, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại dự án thành phần Vũng Áng - Bùng đoạn qua Quảng Bình và Hà Tĩnh, một số đoạn tuyến đã thảm bê tông nhựa hoặc thảm đá dăm gia cố xi măng (CTB).
Một số hạng mục lớn như cầu bắc qua sông Gianh (thị xã Ba Đồn), cầu vượt hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) cầu Quảng Sơn III... cơ bản đã hoàn thành khoảng 90% tổng khối lượng.
Tại gói XL01 thuộc dự án Vũng Áng - Bùng, nhà thầu Vinaconex thi công xây dựng đoạn Km568+200 đến Km 600 +700 đã thảm bê tông nhựa rỗng 25 khoảng gần 2Km.
Đang chỉ đạo trên công trường, kỹ sư Hoàng Văn Lợi (Vinaconex) cho biết, thuận lợi về mặt bằng cũng như nguồn vật liệu trên tuyến dồi dào đến thời điểm này đơn vị đã thảm được 8km bê tông hỗn hợp nhựa rỗng 25, đá dăm gia cố xi măng (CTB) khoảng 9km.
"Nếu thời tiết ủng hộ, chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm thảm xong tuyến chính dài khoảng 18km" kỹ sư Lợi nói.
Nói về vượt khó thi công trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, kỹ sư Nguyễn Văn Sơn - Công ty CP xây lắp 368, cho biết: Trong số các hạng mục đơn vị thi công khó khăn nhất, phức tạp nhất từ trước đến nay đó là cây cầu số 3 và số 5 đi vòng quanh hồ chứa nước Kim Sơn.
Để thi công cầu, trước hết đơn vị phải làm đánh giá tác động môi trường, các biện pháp thi công để không ảnh hưởng đến nguồn nước thượng nguồn cung cấp cho hàng vạn hộ dân Kỳ Anh.
"Vượt qua khó khăn về thủ tục thi công, tiếp đó, đơn vị cũng chịu nhiều áp lực khi thi công ở khu vực được mệnh danh "chảo lửa, túi mưa" khi thời tiết ở đây mùa hè nắng như rang, đến mùa mưa dầm dề cả tháng không dứt.
Dự kiến cuối năm nay, công ty 368 sẽ xong hệ thống cầu, nút giao quốc lộ 12C. Sang đầu năm 2025 sẽ thi công các hạng mục phụ trợ nhỏ lẻ còn lại. Rút ngắn tiến độ hơn 1 năm" kỹ sư Sơn nói.
Cũng nằm trong dự án Vũng Áng - Bùng, hạng mục hầm Đèo Bụt do Tập đoàn Sơn Hải thi công cũng đối mặt nhiều thử thách về điều kiện thời tiết, địa chất yếu.... Tuy nhiên, nhờ linh hoạt trong thi công, đến nay chưa đầy 10 tháng, đơn vị này đã thông 1 nhánh hầm phải dài 840m đúng dịp lễ Kỷ niệm 134 ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2024)
Vẫn vướng mặt bằng, vật liệu khan hiếm
Ông Trần Hải Đăng - Giám đốc điều hành Công ty Phương Thành (thi công gói thầu XL-02 thuộc dự án thành phần đoạn Vũng Áng-Bùng) cho hay, khối lượng thi công của đơn vị có 18 cầu với tổng chiều dài 5,6km, trong đó 17 cầu trên tuyến chính và 1 cầu vượt ngang.
Thời điểm này, đơn vị chủ yếu làm móng mặt đường, hạ độ cao các quả đồi đoạn qua địa bàn huyện Bố Trạch. Các vị trí thi công không vướng mặt bằng, chúng tôi đang lo lắng về nguồn vật liệu cát để xử lý nền đất yếu.
"Địa phương đã cấp mỏ khai thác cát nhưng người dân phản đối nên chưa thể khai thác. Thời điểm mùa mưa lũ đang cận kề, chúng tôi hi vọng nguồn cát sớm được đưa tới chân công trình để thi công" ông Đăng nói.
Ngoài các vị trí thi công thuận lợi do được bàn giao mặt bằng sớm, vẫn còn nhiều vị trí trên tuyến nằm trong gói dự án Bùng - Vạn Ninh đang gặp khó khăn do mặt bằng "xôi đỗ".
Theo lãnh đạo Tập đoàn Cienco4, đơn vị đảm nhiệm thi công từ Km 636 đến Km 651 +840. Do mặt bằng được bàn giao "xôi đỗ" nên đơn vị rất khó triển khai các mũi thi công. Đến nay, đơn vị đã thảm bê tông nhựa bán rỗng 25; thảm bê tông nhựa C19 khoảng gần 3km; thảm bê tông nhựa C16 500m.
Tại hạng mục cầu bắc qua sông Gianh dài gần 3km đoạn qua địa phận thị xã Ba Đồn đã hoàn thành khoảng 80%. Dự kiến, vào ngày 2/9 tới cầu hoàn thiện và thông xe kỹ thuật.
Tiếp đó, tại vị trí nút giao Cụ Nẫm thuộc gói thầu Bùng – Vạn Ninh do Tổng Công ty 36 – CTCP thi công cũng đang được đơn vị này ráo riết huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ.
"Đầu tháng 6 nút giao bắt đầu thảm bê tông nhựa. Khối lượng công việc đến thời điểm này khoảng 45%, đảm bảo yêu cầu theo tiến độ của chủ đầu tư" đại diện công ty 36 thông tin.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ các vướng mắc về công tác GPMB, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, việc đến hiện tại các địa phương chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án là rất chậm.
Ông Thắng yêu cầu các địa phương đang vướng mắc trong việc giải phóng phải tự chủ động tháo gỡ.
Còn với trách nhiệm quản lý, kiểm tra quy định có liên quan đến khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng, ông Thắng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương phụ trách.
Chính quyền địa phương chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc gây mất an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng để thu lợi bất hợp pháp.
Cùng đó, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công khu tái định cư, khu nghĩa trang, hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong tháng 5/2024.
Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua Quảng Bình có chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km. Đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93km. Đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55 km. Trên địa bàn tỉnh có 8 nút giao.
Tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.128,9 ha. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cần chuyển mục đích sử dụng 659,74 ha. Có khoảng 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư. Có khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bao gồm hệ thống đường dây 500kV có 15 vị trí; đường dây 220kV có 15 vị trí; đường dây 110kV có 21 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông…