Chăn nuôi ở các tỉnh vùng ĐBSCL gặp khó
Kinh doanh - Ngày đăng : 09:18, 29/05/2024
Khó đủ đường
Ông Huỳnh Văn Bé, hộ nuôi gia cầm nhiều năm kinh nghiệm ở xã Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn liên tục tăng khiến việc chăn nuôi của ông gặp khó. Hiện, giá mỗi bao thức ăn (loại 25kg) tăng từ 280.000 lên đến 340.000 đồng, trong khi giá bán gia cầm giảm khiến người chăn nuôi đối diện thua lỗ.
Nếu như trước đây, đàn gà nuôi lấy thịt 5.000-6.000 con của gia đình ông Bé thu lợi về mỗi năm hàng trăm triệu đồng thì giờ chỉ biết nuôi cầm chừng vì hầu như không có lãi. “Giờ kinh tế khó khăn nên lượng tiêu thụ gà thịt cũng giảm theo, do đó tôi cắt giảm chỉ còn khoảng 1.000 con, chờ khi kinh tế ổn định sẽ nuôi quy mô trở lại”, ông Bé chia sẻ.
Tại Tiền Giang, một trong những địa phương có số lượng heo nuôi lớn ở vùng ĐBSCL với hơn 290.000 con, nhưng thời gian qua do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều ổ dịch liên tiếp xuất hiện, thêm vào đó thời tiết nắng nóng, nên đa số người chăn nuôi không dám tái đàn. Ông Nguyễn Văn Hiếu, xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, cho biết, ông đã bán sớm đàn heo và hiện chỉ nuôi cầm chừng vài chục con, đợi thời tiết ổn định, giá thức ăn và con giống “hạ nhiệt” sẽ tái đàn phục vụ tết.
Không chỉ gia cầm, heo, mà những tỷ phú nuôi cá tra ngày nào tại "thủ phủ" cá tra Hồng Ngự (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) giờ cũng “cười ra nước mắt” vì giá thành sản xuất bằng với giá cá tra thương phẩm. Trong đó, giá thức ăn loại 26 độ đạm bán dao động từ 12.500-12.800 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Nắm (TP Hồng Ngự) cho biết, với thâm niên trên 50 năm trong nghề nuôi cá tra, thì chưa bao giờ giá cá lại thấp như hiện nay.
“Giá cá tra thương phẩm dao động 27.000-27.500 đồng/kg, nhưng giá thức ăn đầu vào đã ở mức gần 13.000 đồng/kg, chưa tính các chi phí sản xuất khác. Nếu người nuôi có điều kiện kinh tế… thì có thể lãi ít hoặc huề, còn không thì lỗ trắng. Riêng về cá giống, chưa bao giờ có tiền lệ, bởi trong 5-7 tháng trở lại, do biến đổi khí hậu nên cá giống hao hụt nhiều, sức mua sẽ tăng, giá thành sẽ tăng theo nhưng hiện mọi thứ đi ngược lại với thị trường”, ông Nắm phân tích.
Tháo gỡ khó khăn
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2024 tổng kinh phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh là hơn 8,2 tỷ đồng. Trong đó, đối với vật nuôi, chủ động các biện pháp hành chính và kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi (kể cả động vật, thủy sản), kịp thời ứng phó với các biến chủng mới của mầm bệnh, góp phần giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong chiến lược phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi; phát huy hiệu quả công tác dự đoán, dự báo, cảnh báo dịch bệnh và sử dụng vaccine an toàn, phù hợp trên vật nuôi. Tiêm phòng bắt buộc bằng vaccine đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm...
Còn tại Long An, ngành chức năng tỉnh này cho biết, mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát vì tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh còn cao; việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế.
Bà Lê Thị Mai Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm đến nay, chi cục phối hợp các địa phương triển khai tiêm 26.750 liều vaccine phòng lở mồm long móng; 6.540 liều vaccine phòng heo tai xanh; hơn 13.470 liều vaccine phòng viêm da nổi cục và hơn 1,3 triệu liều vaccine phòng cúm gia cầm. Thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Trước những khó khăn của các hộ chăn nuôi cũng như thị trường tiêu thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc, cho biết, đã có kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi từ 2% xuống bằng 0%, nhất là bánh dầu đậu nành bởi là nguyên liệu chiếm tỷ lệ trên 30% trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nếu được giảm thuế xuống 0% thì góp phần giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi, tháo gỡ được phần nào về khó khăn trong nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, hiện nay đã có kiến nghị nhưng chưa được thông qua. Trước mắt, doanh nghiệp cần chủ động hạn chế mật độ nuôi, kiểm soát thức ăn… để giảm chi phí sản xuất, vượt qua khó khăn.