Dừng đấu thầu vàng miếng, hạ nhiệt vàng SJC cách nào?

Kinh doanh - Ngày đăng : 08:35, 29/05/2024

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai giải pháp nào để tiếp tục can thiệp, xử lý chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới sau khi dừng đấu thầu vàng?

Cuối ngày 28-5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp (DN) niêm yết mua vào 88,5 triệu đồng/lượng, bán ra 90,5 triệu đồng/lượng, tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với ngày 27-5. Giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh hơn giá vàng nhẫn và thế giới, giãn rộng cách biệt với giá thế giới lên trên 18 triệu đồng/lượng. Chênh lệch này được duy trì bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu bán vàng miếng.

Giá vàng vẫn tăng?

Trong thông báo mới nhất, NHNN cho biết sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới. NHNN chính thức dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3-6.

Một ngày sau thông báo này, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng gần cả triệu đồng, tăng nhanh hơn tốc độ phục hồi của giá thế giới, đẩy chênh lệch giá vàng SJC và thế giới nới rộng.

Chủ một tiệm vàng tại TP HCM cho biết những ngày gần đây, giá vàng SJC tăng mạnh chủ yếu là do giá thế giới đi lên, dù NHNN tung ra thị trường hàng chục ngàn lượng vàng miếng SJC thông qua đấu thầu.

Thực tế, tại phiên đấu thầu vàng miếng SJC đầu tiên (ngày 23-4), giá vàng trúng thầu là 81,3 triệu đồng/lượng. Sau đúng 1 tháng, tới phiên đấu thầu cuối trước khi tạm ngừng (ngày 23-5), giá vàng trúng thầu lên tới 89,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng từ 2.327 USD có thời điểm tăng lên sát 2.450 USD/ounce nhưng vẫn thấp hơn giá vàng trúng thầu 10 - 15 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC trên thị trường tăng từ 83,3 triệu đồng/lượng lên 90,5 triệu đồng/lượng, vào cuối ngày 28-5.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Hội đồng Vàng thế giới), cho rằng đa số phiên đấu thầu vàng miếng SJC của NHNN diễn ra vào thời điểm giá vàng thế giới tăng mạnh, dẫn đến giá vàng tại Việt Nam tăng theo.

Theo ông Shaokai Fan, năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ từng can thiệp trực tiếp thị trường bằng cách tăng nguồn cung để hạ nhiệt giá vàng tại nước này nhưng không hiệu quả. Chính phủ Ấn Độ cũng từng phát hành trái phiếu gắn liền với diễn biến giá vàng để giảm nhu cầu đầu tư. Thế nhưng, chuyên gia này cho rằng Việt Nam chưa thể phát hành trái phiếu như Ấn Độ. Vì thế, Việt Nam cần tính đến việc nhập khẩu vàng là giải pháp khả thi để đáp ứng nhu cầu trong nước, bình ổn thị trường vàng.

Dừng đấu thầu vàng miếng, hạ nhiệt vàng SJC cách nào?- Ảnh 2.
Mua bán vàng tại một cơ sở kinh doanh ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Loay hoay với vàng SJC

Hiện NHNN chưa công bố chính thức phương án bình ổn thay thế. Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất cho câu chuyện ứng xử với vàng miếng SJC ở thời điểm hiện tại.

Một thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu rồi tổ chức đấu thầu vàng nguyên liệu. Khi đó, thị trường sẽ có hàng trăm đơn vị đủ điều kiện sản xuất vàng nhẫn, nữ trang tham gia đấu thầu. Giá vàng trang sức mỹ nghệ sẽ biến động nhịp nhàng với giá của thị trường thế giới. Người dân sẽ tập trung giao dịch vàng nhẫn, nữ trang. Nhu cầu vàng miếng có thể giảm mạnh. Giá vàng SJC sẽ thu hẹp đáng kể so với giá vàng của thế giới.

Ông Trần Duy Phương, chuyên gia vàng, cho rằng có 2 phương án để tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường. Một là cấp quota (hạn mức) cho các DN trực tiếp nhập vàng hoặc NHNN nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho DN. Với phương án cấp quota cho vàng nhập trực tiếp, các DN phải báo cáo việc nhập khẩu vàng cho NHNN để nơi này quản lý, giám sát.

"Việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch sẽ giúp triệt tiêu được vàng lậu, làm cho thị trường vàng thông suốt hơn. Từ đó, có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho các DN vàng đủ điều kiện sản xuất vàng miếng như trước đây. Với giải pháp này, NHNN không phải đấu thầu vàng. Bởi thực tế đấu thầu vàng chỉ vì giải quyết được vấn đề tức thời" - ông Trần Duy Phương nói.

Giải pháp căn cơ là cần sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, xóa bỏ thương hiệu độc quyền SJC. Khi đó, thị trường sẽ có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác, sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau. Nguồn cung nguyên liệu tăng lên, có nhiều sự lựa chọn và không còn cơ chế độc quyền, giá vàng miếng SJC sẽ hạ nhiệt.

Dưới góc nhìn khác, chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc AFA Capital - đưa ra 2 vấn đề là thị trường đang xem vàng là tiền hay vàng là tài sản đầu tư? Hiện tại có nhiều biện pháp đang đưa ra nhưng có vẻ chênh lệch giá vàng miếng với thế giới ngày càng cao. Trong quá khứ, vàng từng được xem là tiền gây tình trạng vàng hóa dẫn đến hệ lụy lớn cho hệ thống ngân hàng khi huy động - cho vay vàng… Sau đó, để đóng trạng thái âm vàng, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng và quy định là thương hiệu quốc gia để xử lý những hệ lụy.

Nếu vàng miếng là tài sản đầu tư, để phục vụ quản lý tập trung khối lượng, đối tượng giao dịch, có thể thành lập trung tâm giao dịch vàng vật chất quốc gia như các sản phẩm đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu có trung tâm lưu ký và giao nhận. Để điều tiết giữa các kênh đầu tư, có thể dùng công cụ thuế, phí dành cho chuỗi giá trị từ nhập khẩu, mua bán cho đến xuất khẩu.

"Quản lý theo mục tiêu nào sẽ phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhưng cần cân nhắc để không coi vàng vừa là tiền vừa là tài sản đầu tư, sẽ rất khó" - ông Tuấn góp ý.

Đẩy mạnh triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

NHNN vừa có văn bản yêu cầu giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN.

Theo đó, yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - DN. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực tham gia chương trình, chủ động thường xuyên triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - DN bằng các hình thức phù hợp như hội nghị khách hàng, chương trình đối thoại, trao đổi với khách hàng...; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực thế mạnh của địa phương...

Các ngân hàng nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp các đối tượng DN và đăng ký các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ DN trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng...

D.Ngọc

GS-TS TRẦN NGỌC THƠ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

Cân nhắc giải pháp nhập khẩu vàng

Cách đây vài tháng, tôi đã từng viết bài đăng trên một tờ báo, cảnh báo không có bất kỳ ngân hàng trung ương nào trên thế giới lấy chênh lệch giá vàng làm mục tiêu chính sách để can thiệp, nhằm thu hẹp nó lại. Có thể ví von như thế này: Nếu lấy cái thường xuyên di chuyển làm khung thành bóng đá thì khi vừa sút bóng vào khung thành, những kẻ lém lỉnh sẽ ngay lập tức di chuyển cột gôn. Thực tế đã chứng minh qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua.

Nếu NHNN bình ổn thị trường bằng phương án mới là cho nhập khẩu để giảm chênh lệch giá vàng, tôi e rằng sẽ lặp lại kịch bản hệt như đấu thầu vàng miếng. Nhập khẩu vàng chỉ hạ nhiệt nếu như thỏa mãn nhu cầu vàng. Ước đoán, mỗi năm nhu cầu vàng là 50 tấn - thậm chí thực tế có thể cao hơn.

Nhưng nếu giới đầu cơ/đầu tư nghe phong thanh nhà nước chỉ nhập về phân nửa số đó, họ sẽ tích trữ nhiều hơn để đầu cơ giá lên với xác suất thắng hầu như 100%, trừ phi giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh thời gian dài - điều mà hầu như ít có khả năng trong thời gian hiện tại.

Giới đầu cơ/đầu tư và công chúng chỉ chấm dứt mua vàng đầu cơ nếu nhà nước nhập về đủ để thỏa mãn "cơn nghiện". Song, điều này có thể dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng, tỉ giá bất ổn mà chưa chắc giúp chênh lệch giá vàng giảm. Trong khi đó, nguồn lực dự trữ ngoại hối của NHNN là có hạn, cần cân nhắc đem đi làm "con tin" của chính sách "dò đá qua sông".

Thy Thơghi