Nam giới thi nhau than "vợ giữ tiền chồng là bạo lực gia đình": Bác sĩ lên tiếng
Gia đình - Ngày đăng : 19:00, 28/05/2024
Mới đây, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo đó, trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỉ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng.
Khi đọc thông tin này, một số độc giả đã than khổ trên VnExpress rằng họ phải đưa hết tiền lương cho vợ và điều này giống như "bạo lực gia đình".
Một độc giả nam viết: "Tháng nào đi làm về cũng bị móc sạch ví. Sáng phát cho 100k ăn sáng, ăn trưa, cafe, xăng cộ, đi nhậu xòe tay xin vợ. Bây giờ có thêm vụ nồng độ cồn thì phải xin thêm tiền đi xe ôm. Đi làm về thì đón con, ăn xong thì rửa chén, giặt quần áo, phơi đồ, vừa cầm máy lên tính làm một ván game với anh em thì phải đi bóp chân cho vợ. Bạo lực mọi người cứ nghĩ là bị hành hạ, đánh đập... nhưng không phải đâu, bạo lực gia đình mà người đàn ông nếm trải còn kinh khủng hơn".
Một nam giới khác bình luận: "Tôi vừa lấy vợ, việc đầu tiên là tiền lương đưa hết cho vợ giữ. Nhiều lúc lén trộm tiền của mình để đi nhậu với thằng bạn thân mà bị phát hiện là y rằng tối đó ăn đòn tơi tả, phận làm trai khổ quá các bác ạ".
Ảnh minh họa.
Vợ giữ tiền chồng có phải bạo lực gia đình?
Bác sĩ nội trú Vũ Thu Thủy, khoa sức Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), cho biết trong qua trình thăm khám, bác sĩ chỉ gặp duy nhất một trường hợp nam giới khoảng 70 tuổi được chẩn đoán rối loạn trầm cảm có liên quan tới vợ. Bệnh nhân có chia sẻ vợ thường xuyên to tiếng, hay cằn nhằn khiến cho bệnh nhân cảm thấy mình là người vô dụng trong gia đình. Hậu quả, người này mất ngủ và rơi vào trầm cảm. Bệnh nhân đi khám vì không thể ngủ được.
Về vấn đề "vợ giữ tiền" được chia sẻ ở trên, bác sĩ Thủy cho rằng vấn đề ai giữ tiền trong gia đình sẽ có sự thỏa thuận trước đó. Việc vợ giữ tiền của chồng là điều rất bình thường nếu cả hai đã thống nhất. Khi đó, điều này không thể coi là bạo hành.
Tuy nhiên, bất kể ai là người giữ tiền trong gia đình thì đều cần có sự thống nhất tiền sẽ dành cho hoạt động gì.
"Nếu chồng phải lập quỹ đen và tiêu tiền trong quỹ đó, vợ phát hiện và chỉ trích, cần phải xem lại sự tương tác giữa hai vợ chồng có đang thực sự ổn hay không? Vì ở đây không chỉ có chuyện quỹ đen mà còn là niềm tin và sự tôn trọng", bác sĩ Thủy nói.
Theo Người đưa tin