Diện mạo tuyến metro số 1 sau hơn 10 năm chờ đợi của người dân TPHCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:33, 27/05/2024
Hơn 10 năm thi công, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang dần về đích. Lộ rõ hình hài và dần trở thành một biểu tượng mới trong lòng người dân TPHCM sau nhiều năm chờ đợi.
Dự án metro số 1 dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Toàn dự án có 17 đoàn tàu với 51 toa được nhập khẩu từ Nhật Bản. Các đoàn tàu được đưa về depot Long Bình (TP Thủ Đức), đây là nơi để bảo trì, vận hành kỹ thuật của toàn tuyến metro số 1.
Trước đó, vào ngày 8/10/2020, đoàn tàu metro số 1 đầu tiên đã cập cảng Sài Gòn (quận 4, TPHCM) sau nhiều ngày vận chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam bằng đường biển.
Tổng chiều dài của đường ray metro số 1 là 19,7km, chạy từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) về trung tâm TPHCM với nhiều đoạn uốn lượn trên cao, đi song song với tuyến đường Xa lộ Hà Nội.
Hơn một thập kỷ chờ đợi, tuyến metro số 1 chuẩn bị về đích. Hình ảnh đoàn tàu tốc độ cao chạy thử trên đường ray uốn lượn khiến người dân TPHCM rất háo hức.
"Tôi và bà con ai cũng mong chờ tuyến metro số 1 sớm hoàn thành và đi vào hoạt động. Một đô thị hiện đại và hướng tới đô thị thông minh như TPHCM rất cần có nhiều tuyến metro để tạo bứt phá, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn", anh Tôn Văn Nhả (TP Thủ Đức) nói.
Ngày 29/8/2023, metro số 1 lần đầu tiên chạy thử toàn tuyến, bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến ga Suối Tiên (TP Thủ Đức) và ngược lại (với lộ trình gần 40km).
Đoạn đường ray trên cao đi qua nút giao Cát Lái (TP Thủ Đức), một trong những nút giao lớn nhất TPHCM. Sau khi tuyến metro số 1 hoàn thiện, diện mạo của TPHCM cũng có nhiều đổi thay.
Toàn tuyến metro số 1 cũng được lắp đặt 9 cầu bộ hành hiện đại, giúp hành khách tiếp cận các nhà ga trên cao thuận tiện, an toàn.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đã hoàn thành hơn 98% tiến độ. Toàn tuyến có 11 ga trên cao gồm: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới và 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.
Kết thúc đoạn trên cao là khu Ba Son, tàu metro sẽ đi dần xuống lòng đất để vào trung tâm thành phố, qua 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.
Hiện tại, phần kết cấu đoạn dưới lòng đất đã hoàn thành 100%, phần kiến trúc của ga Ba Son, ga Nhà hát Thành phố, ga trung tâm Bến Thành cũng đang về sát "vạch đích".
Điểm cuối của tuyến metro số 1 là ga ngầm trung tâm Bến Thành. Đây là nhà ga hiện đại nhất với kiến trúc được thiết kế độc đáo, nằm cạnh chợ Bến Thành.
Ga Bến Thành được thiết kế một giếng trời khổng lồ, là một điểm nhấn kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng cho nhà ga Bến Thành nói riêng và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nói chung.
Giếng trời có hình hoa sen, cao 6m, đường kính 21,6m. Có chức năng chính là tạo điểm nhấn, cung cấp ánh sáng và tạo nên không gian mở. Khối kiến trúc này cũng hứa hẹn sẽ là điểm vui chơi, check-in thú vị của người dân, du khách khi đến TPHCM trong thời gian tới.
Bên dưới ga ngầm Bến Thành, cơ bản đã hoàn thiện các phần thiết kế nội thất, điện lạnh, hệ thống soát vé, chờ thời điểm bàn giao cho đơn vị vận hành tiếp nhận.
Trong khi đó, ga ngầm Nhà hát Thành phố cũng được xây dựng hoàn thiện với quy mô lớn, gồm 4 tầng, trong đó 3 tầng phục vụ hành khách và một tầng kỹ thuật.
Đặc biệt, trong số 11 ga trên cao của tuyến metro số 1, nhà ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh, TPHCM) là nhà ga có quy mô lớn nhất, gồm 4 làn tàu và là điểm kết nối của tuyến metro số 1 và tuyến metro số 5 (hình thành trong tương lai).
Ga Tân Cảng được thiết kế hệ thống mái che có diện tích 6.200m2 bằng màng sợi thủy tinh phủ nhựa, xuất xứ từ Nhật Bản. Đây là nhà ga có phần mái che quy mô lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chưa thể đưa vào vận hành thương mại vào tháng 7 sau 3 lần xin gia hạn thời gian hoàn thành.
Từ đây đến hết tháng 9 (quý III) năm nay, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cần hoàn thành các đầu việc còn dang dở của dự án và dừng ở bước vận hành thử nghiệm.
Dự kiến trong quý IV, metro số 1 được đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến. Như vậy, đây là lần thứ 4 dự án này bị lùi cột mốc vận hành.
Kế hoạch chi tiết được nêu tại công văn mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM gửi UBND TPHCM, để kiến nghị tháo gỡ khó khăn của dự án metro số 1.
Lý do khiến dự án này chưa thể đưa vào khai thác vào tháng 7 năm nay như đã ấn định là chưa hoàn tất rà soát đánh giá an toàn hệ thống công trình; chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; chưa hoàn thành công tác đào tạo nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý, bảo dưỡng chủ chốt... Hội đồng kiểm tra Nhà nước chưa nghiệm thu các hạng mục còn lại.