Tỷ lệ nội địa hóa camera giám sát Make in Viet Nam là bao nhiêu?
Cuộc sống số - Ngày đăng : 20:26, 23/05/2024
Camera giám sát là một sản phẩm "nhạy cảm", bởi sự phổ biến và hiện diện ở tất cả mọi nơi. Chúng thậm chí xuất hiện cả ở những vị trí có yêu cầu an ninh nghiêm ngặt nhất, nơi chỉ có một số ít người có thể tiếp cận.
Thế nhưng, thực tế có tới 90% camera giám sát tại Việt Nam được sản xuất bởi nước ngoài. Nhiều sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, được nhập theo cả đường chính ngạch, tiểu ngạch và bày bán trôi nổi trên thị trường. Điều này đặt ra không ít những lo ngại về vấn đề bảo mật.
Với người dùng, đó là nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân, đặc biệt là những hình ảnh, video clip, âm thanh nhạy cảm. Ở bình diện quốc gia, là những rủi ro về việc cài cắm phần mềm gián điệp, nguy cơ lộ lọt dữ liệu nhà nước, hay khả năng bị kẻ xấu xóa đi mất các dữ liệu quan trọng. Các lỗ hổng trên camera giám sát còn có thể trở thành bàn đạp để hacker tấn công sâu vào các hệ thống mạng.
Tại Tọa đàm về tiêu chuẩn bảo mật cho camera do báo VietNamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức, một trong những vấn đề được quan tâm là khả năng làm chủ sản phẩm camera giám sát của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Công ty Lumi Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh, cho hay tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm camera Lumi hiện đạt khoảng 30-40%.
“Phần vỏ, cơ khí làm từ nhôm, kính hoàn toàn sản xuất được ở Việt Nam. Linh kiện bán dẫn trong các sản phẩm camera giám sát Make in Viet Nam được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, như Mỹ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, phần quan trọng nhất trong các sản phẩm camera giám sát là firmware (phần lõi điều khiển thiết bị điện tử). Khi các nhà sản xuất camera làm chủ việc phát triển firmware, sự an toàn của dữ liệu hay các vấn đề bảo mật khác sẽ được đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology, Việt Nam hiện chưa làm chủ được toàn bộ phần linh kiện bán dẫn trong camera giám sát. Đây là tình cảnh chung, bởi số nước làm chủ được phần sản xuất linh kiện bán dẫn không nhiều.
Trong linh kiện có linh kiện chủ động và linh kiện bị động. Linh kiện chủ động là loại linh kiện có thể cài firmware và software lên trên đó. Nếu nhà sản xuất camera giám sát có thể làm chủ phần firmware, người dùng sẽ có thể yên tâm về vấn đề bảo mật của sản phẩm.
“Ngoài chuyện phần mềm, nếu làm chủ được việc sản xuất hay thiết kế, mua linh kiện về nhưng đặt loại linh kiện nào là do mình, các nhà phát triển camera sẽ đề phòng được nguy cơ bị cài cắm chip gián điệp vào thiết bị phần cứng”, ông Bằng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Triển, Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và dịch vụ số, Viettel Telecom cho hay, đơn vị này hiện làm chủ hoàn toàn đối với nền tảng quản trị camera. Viettel hiện kiểm soát được phần cứng, lớp mạng và dịch vụ, bao gồm cả việc lưu trữ dữ liệu camera tại Việt Nam để bảo vệ người dùng. Hầu hết người dùng sử dụng điện thoại, tablet để truy cập camera, nhằm tăng tính bảo mật, Viettel hiện cũng làm chủ việc phát triển ứng dụng kết nối.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), cho biết việc phải nhập khẩu linh kiện là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới. Điều này đúng với hầu hết các loại thiết bị, đặc biệt là thiết bị công nghệ số, không phải riêng camera giám sát.
Đây là cách hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Rất ít quốc gia có thể tự tin nói rằng, tôi làm chủ hết toàn bộ chuỗi cung ứng, Việt Nam cũng như vậy.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, với các sản phẩm camera giám sát do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, có nhiều cách để kiểm soát nguy cơ về vấn đề bảo mật.
Cục An toàn thông tin đang xây dựng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát", dự kiến trong năm 2024, quy chuẩn sẽ được ban hành.
Khi có quy chuẩn kỹ thuật, các camera giám sát sẽ buộc phải được kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp quy trước khi đưa ra thị trường Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề an toàn an ninh cho các thiết bị camera giám sát. Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) đã chế tạo thành công và sẽ đưa vào thương mại hóa giải pháp camera trí tuệ Nhân tạo (AI Camera) kết nối 5G đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Giải pháp sử dụng bộ vi xử lý tân tiến QCS8250 của Qualcomm và được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong các lĩnh vực giao thông thông minh, thành phố thông minh, và an ninh cộng đồng. Hiện nay, sản phẩm Camera 5G này đã được tích hợp thử nghiệm và nhận được đánh giá cao ở nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, Tiền Giang, Hậu Giang... Giải pháp này của Viettel được trang bị các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phép phát hiện các vật thể (phương tiện giao thông, con người, động vật, đồ vậ...), đọc biển số và các hành vi (vi phạm luật giao thông, xâm nhập khu vực cấm...). Đặc biệt, giải pháp có khả năng nhận diện các vật thể di chuyển ở tốc độ cao lên đến 250km/h. Ngoài ra, kết nối 5G cho phép Camera truyền dữ liệu từ mọi nơi về trung tâm với tốc độ lến đến hàng trăm Mb/s. Camera trí tuệ nhân tạo kết nối 5G sẽ được Viettel triển khai trong các dự án giao thông thông minh để phân loại, thống kê các loại phương tiện và tự động phát hiện các hành vi vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn, đỗ xe sai quy định... đồng thời cung cấp và phân tích các thông tin khác liên quan đến lưu lượng, mật độ và vận tốc di chuyển nhằm cung cấp thông tin đầu vào cho việc điều chỉnh và tối ưu lưu lượng. Trong lĩnh vực an ninh, giải pháp có thể được xử dụng trong việc giám sát biên giới và các khu vực an ninh quan trọng khác. Camera cung cấp khả năng hiển thị trực quan thông tin phương tiện vật thể trên luồng video (biển số, lỗi vi phạm, mật độ, vật tốc di chuyển, khả năng tác đường...) giúp việc quản lý vận hành các thành phố thông minh dễ dàng trực quan hơn thay cho việc giám sát màn hình CCTV đơn thuần. Với lợi thế sẵn có của một nhà mạng lớn, Viettel đã tích hợp tính năng kết nối 5G cho giải pháp camera trí tuệ nhân tạo. Với kết nối 5G tốc độ cao, khách hàng có thể triển khai Camera này ở những khu vực trước đây không có kết nối dữ liệu, những vị trí xa xôi hiểm trở, hoặc những môi trường độc hại. Việc đưa vào thương mại hóa camera trí tuệ nhân tạo kết nối 5G là cột mốc quan trọng tiếp theo của Viettel, sau một chuỗi các sản phẩm 5G đã được công bố tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2024 tại Barcelona. Giải pháp này kết hợp với mạng 5G của Viettel sẽ đem đến cho khách hàng của Viettel High Tech những trải nghiệm khác biệt đồng thời giảm chi phí đầu tư hạ tầng.