Liên minh Mỹ - Hàn khó chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:27, 23/05/2024
Vòng đàm phán thứ hai về Hiệp định SMA tại Seoul trong tuần này được báo chí Hàn Quốc cho biết là nhằm đạt một thỏa thuận trước khi diễn ra các cuộc bầu cử tại Mỹ. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, các cuộc đàm phán đang triển khai đúng tiến độ và trước thời hạn, nhưng Mỹ không coi tháng 11 là “thời hạn chót” phải đạt được thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với cảnh báo trước về một vòng đàm phán sẽ không dễ dàng do các vấn đề quan trọng hai đồng minh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tập trận tấn công đổ bộ tại một bãi biển ở thành phố Pohang, Hàn Quốc (năm 2023), trong lúc người dân địa phương phản đối sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc. Ảnh: UPI |
SMA là hiệp định về mức kinh phí mà Seoul phải chi trả cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Ông Trump thường lên tiếng phàn nàn về việc các đồng minh của Mỹ trong các liên minh quân sự mà Mỹ tham gia không đóng góp công bằng. Đối với Hàn Quốc, trên thực tế, chi phí quốc phòng mà quốc gia này đóng góp vẫn ở mức cao nhất trong số các đồng minh và đối tác của Mỹ tính theo tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước đó.
Đồng minh Seoul quan ngại nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ tiếp tục chính sách “Nước Mỹ trên hết” và xa rời các đồng minh gây nhiều tranh cãi như trước đây. Đồng minh Nhật Bản của Washington cũng đang có chung mối lo ngại với Hàn Quốc liên quan đến chính sách của ông Trump sẽ làm tổn hại tới quan hệ đồng minh cũng như liên minh an ninh Nhật-Mỹ. Theo báo Asia Times, trong tư duy của giới hoạch định chính sách Nhật Bản, dựa vào những hành động trong quá khứ và những tuyên bố hiện tại của ứng cử viên Trump, tất cả các động thái “Nước Mỹ trên hết” trên đều hoàn toàn hợp lý và có khả năng xảy ra.
Ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã đề cập tới kế hoạch liên quan đến lực lượng Mỹ đồn trú ở nước ngoài. Ông John Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Donald Trump, trong cuốn hồi ký của mình đã cung cấp những thông tin chi tiết về “mong muốn không ngừng nghỉ của Trump đối với việc rút khí tài quân sự của Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đưa ra nhận xét về những nỗ lực lặp đi lặp lại và thành công một phần của chính quyền trong việc ngăn cản Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump rút quân.
Gần đây, ông Trump trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time đã tuyên bố rằng, Hàn Quốc nên gánh thêm chi phí quốc phòng và ám chỉ khả năng rút quân Mỹ nếu nước này không trả thêm phí. Việc chia sẻ chi phí quốc phòng của Hàn Quốc đã tăng 35% (từ 9.507 tỷ won khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017 lên 12.896 tỷ won vào năm 2023).
Trong vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định SMA diễn ra hồi tháng 4-2024 tại thành phố Honolulu của Mỹ, hai bên đã vạch ra tầm nhìn của mỗi bên cho Hiệp định SMA lần thứ 12, tuy nhiên, thông tin chi tiết không được cung cấp. Trong vòng đàm phán thứ hai về Hiệp định SMA lần thứ 12, hai bên tiếp tục thảo luận về các vấn đề như mức đóng góp của Hàn Quốc, hiệu lực của hiệp định mới và thời gian đàm phán.
Kể từ năm 1991, Seoul đã gánh một phần chi phí theo SMA cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, bao gồm chi phí xây dựng các cơ sở quân sự như doanh trại và các cơ sở đào tạo, giáo dục, điều hành, liên lạc cũng như các hỗ trợ hậu cần khác. Theo Hiệp định SMA lần thứ 11, mức gánh vác chi phí của Hàn Quốc năm 2021 là 858,8 triệu USD, tăng 13,9% so với năm trước.
Trước khi diễn ra vòng đàm phán đầu tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ quan điểm việc chia sẻ chi phí quốc phòng của nước này phải ở mức hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho quân đội Mỹ đóng quân ổn định tại Hàn Quốc và tăng cường thế trận phòng thủ chung của các đồng minh.
Quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ và Hiệp ước phòng thủ chung dựa trên nguyên tắc tương hỗ không phải chỉ là sự bảo vệ đơn phương của Mỹ đối với Hàn Quốc. Nếu an ninh của Mỹ bị đe dọa, Hàn Quốc cũng cam kết bảo vệ Mỹ. Theo khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, 91,5% người dân nước này tin rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Hàn Quốc và có tới 92,4% số người được hỏi cho rằng nước này nên đáp lại bằng cách hỗ trợ Mỹ trong tình huống tương tự. Theo ông John Hamre, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc không phải là lính đánh thuê bảo vệ Hàn Quốc để đổi lấy tiền, quân đội Mỹ đồn trú để phục vụ mục đích bảo vệ nước Mỹ.
XUÂN PHONG