Bình Dương: Giá măng cụt tăng cao do sản lượng giảm mạnh
Kinh doanh - Ngày đăng : 20:38, 22/05/2024
Năm nay, tình hình thu hoạch măng cụt tại Bình Dương, đặc biệt ở khu vực Lái Thiêu, thành phố Thuận An, có nhiều biến động lớn.
Khác với các năm trước, dọc các tuyến đường thuộc địa phận Lái Thiêu không còn tràn ngập quả măng cụt, nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng kéo dài, khiến năng suất và sản lượng măng cụt giảm mạnh từ 70-80%.
Măng cụt từ lâu đã được coi là trái cây đặc sản của vùng Đông Nam Bộ và riêng tại Thuận An, Bình Dương, măng cụt Lái Thiêu nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc biệt.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Viễn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn (xã An Sơn, thành phố Thuận An), cho biết do diện tích trồng măng cụt ở Bình Dương và các tỉnh, thành khác khá nhỏ, nên khi gặp thời tiết bất lợi, sản lượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Thuận An, diện tích trồng măng cụt chủ yếu tập trung ở các phường Lái Thiêu, An Sơn, Hưng Định, Bình Nhâm với khoảng 600ha, chiếm hơn một nửa tổng diện tích vườn cây ăn trái của toàn thành phố.
Mùa này, sản lượng măng cụt giảm tới 80%. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn có 21 ha trồng măng cụt, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, năm nay, sản lượng giảm mạnh, khiến măng cụt không đủ để cung ứng cho các chợ và hàng quán, chỉ có thể thu hoạch cầm chừng.
Sự khan hiếm măng cụt cũng kéo theo nhiều vấn đề. Ông Viễn cảnh báo lừa đảo đã xuất hiện trong các nhóm như Hội măng cụt Việt Nam (23.200 thành viên) và Măng cụt Lái Thiêu (25.700 thành viên).
Một số người lợi dụng tình hình này để tráo hàng, bán măng cụt không đạt chất lượng. Hiện tại, giá măng cụt chín loại 1 dao động từ 130.000-145.000 đồng/kg.
Cùng với đó, món gỏi gà măng cụt đang là “trend” khiến nhu cầu và giá măng cụt tăng cao. Từ đầu mùa, khi một số vườn măng cụt Lái Thiêu còn non, giá măng cụt xanh đã lên tới 90.000-120.000 đồng/kg.
Giá măng cụt xanh, loại còn nguyên vỏ từ 90.000-100.000 đồng/kg và loại gọt vỏ sẵn từ 350.000-400.000 đồng/kg. Ở một số nơi, giá còn cao hơn nhiều do khan hiếm hàng.
Ông Đặng Kim Quý, một người trồng măng cụt có kinh nghiệm trên 15 năm tại xã An Sơn, thành phố Thuận An chia sẻ cây măng cụt thường đậu trái vào khoảng Tết hoặc tháng 12 âm lịch và thu hoạch vào cuối tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Nhưng năm nay, nắng kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến việc đậu trái, khiến nhiều cây bị rụng trái non.
Ông Quý cũng cho biết nhiều nhà vườn quyết định bán măng cụt xanh sớm, ngay đầu vụ vì khi trái chín tỷ lệ hư hao nhiều và giá không cao bằng măng cụt xanh.
Tuy nhiên, ông không khuyến khích bán măng cụt non quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng vụ sau.
Năm 2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3265 phê duyệt đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ gần 50 tỷ đồng thông qua chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản từ 2007-2021.
Tuy nhiên, một số mục tiêu của đề án như phát triển diện tích cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái thực hiện chậm và không đạt so với mục tiêu đề ra.
Từ cuối năm 2021, chính sách này không còn được thực hiện. Giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, tăng cao cũng là nguyên nhân khiến năng suất măng cụt giảm. Nông dân không đủ khả năng cung cấp đầy đủ lượng phân bón cần thiết cho cây trồng.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết Sở sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh không tiếp tục xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo do tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm diện tích vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái.
Thay vào đó, ngành nông nghiệp sẽ căn cứ vào phương án phát triển các ngành, sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 để xây dựng kế hoạch và thực hiện lồng ghép phát triển nông nghiệp đô thị với các chương trình, kế hoạch trọng tâm hiện có của ngành./.