Premier League muốn 'khai tử' VAR: Nửa thập niên tranh cãi, cái sai từ gốc
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 08:37, 22/05/2024
Cuộc bỏ phiếu này được khởi xướng bởi Wolves, đội bóng đã gửi kiến nghị lên ban tổ chức giải vào giữa tuần trước. Wolves không phải là đội duy nhất bức xúc với VAR, sau 5 mùa giải hệ thống này hoạt động đầy tranh cãi, từ khi được áp dụng vào mùa giải 2019-20.
Tuy nhiên, không dễ để VAR bị khai tử. Về cơ bản, Premier League vẫn ủng hộ VAR, và các CLB đã bỏ phiếu hồi tháng 4 để áp dụng tính năng bắt việt vị bán tự động từ mùa tới. Theo báo giới Anh, cũng có ít nhất 4 CLB phản đối khai tử VAR, bao gồm Liverpool.
Ngoại hạng Anh mới đây cũng đưa ra số liệu VAR đã cải thiện tỷ lệ quyết định chính xác của trọng tài từ 82% lên tới 96%. Không chỉ vậy, quy định giải Ngoại hạng Anh nêu rõ bất kỳ thay đổi quy tắc nào cũng cần 2/3 số phiếu đồng thuận, tương đương 14 trong số 20 CLB phải bỏ phiếu ủng hộ khai tử VAR.
Tính đến hiện tại, Wolves là đội bóng duy nhất công khai ý định bỏ phiếu ủng hộ loại bỏ VAR. Đội bóng này cần sự ủng hộ từ 13 CLB khác vào đầu tháng tới để khai tử VAR tại Ngoại hạng Anh.
Nottingham Forest từ chối bình luận, nhưng với những tuyên bố gần đây về VAR (tuyên bố "cân nhắc phương án" sau những quyết định "cực kỳ kém cỏi" trong trận thua 0-2 trước Everton), đội bóng này có thể đứng về phía Wolves.
Leicester City, Ipswich Town đều góp mặt tại cuộc họp thường niên và tham gia bỏ phiếu sau khi giành vé thăng hạng. Cả hai đội đều chưa đưa ra quan điểm về cuộc bỏ phiếu nhưng VAR không hoạt động tại Championship (giải hạng Nhất).
Chiều ngược lại, như đã đề cập, Liverpool và 3 CLB khác phản đối việc loại bỏ VAR khỏi giải đấu. Dù vậy, những đội bóng này đều mong muốn hệ thống này phải được cải tiến để trở nên hiệu quả hơn trong cách vận hành.
Ở khía cạnh khác, Man City, Arsenal, Liverpool và Aston Villa đã giành vé tham dự Champions League, giải đấu VAR đang được áp dụng. Giả như Premier League không áp dụng VAR, các đội bóng này có thể gặp đôi chút khó khăn khi bước ra sân chơi châu Âu. Trường hợp tương tự cũng có thể xảy ra với các đội giành vé dự Europa League và Europa Conference League.
Tuy nhiên, VAR khó lòng biến mất khỏi Ngoại hạng Anh vì 3 lý do. Thứ nhất, việc giành được 2/3 số phiếu là điều cực kỳ khó khăn. Như đã đề cập, ngoại trừ Wolves, chưa có bất cứ CLB nào công khai phản đối VAR.
Thứ hai, bản thân Ngoại hạng Anh không ủng hộ việc khai tử VAR. Ban tổ chức đã có kế hoạch cải tiến và chứng minh cho các CLB lẫn người hâm mộ thấy sự phát triển của VAR. Đơn cử, Premier League tự tin tỷ lệ quyết định chính xác sẽ còn tăng cao hơn con số 96% khi công nghệ bắt việt vị bán tự động được áp dụng.
Cuối cùng, việc loại bỏ VAR khiến Ngoại hạng Anh trở nên lạc lõng. Ngoại trừ Thụy Điển, top 30 giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Âu đều áp dụng hệ thống VAR. Các giải đấu quốc tế hàng đầu như UEFA Champions League, Euro hay World Cup cũng đều có VAR.
Cây bút Dale Johnson của ESPN, một chuyên gia hàng đầu về VAR nhận định: "Thực sự tôi không thấy khả năng VAR bị loại bỏ. Cần 14 phiếu để thông qua, cho dù nỗi thất vọng về hệ thống là có cơ sở, tuy nhiên thật khó để các đội bóng thường xuyên giành vé dự cúp châu Âu bỏ phiếu ủng hộ khai tử VAR.
Tôi cũng biết một vài CLB nằm ngoài nhóm này cũng không ủng hộ cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này sẽ mang lại cơ hội để có cuộc thảo luận thẳng thắn về VAR tại Ngoại hạng Anh, những gì các CLB mong muốn và điều gì nên xảy ra tiếp theo.
PGMOL (Ban trọng tài Anh) chịu rất nhiều chỉ trích, nhưng chính Premier League là tổ chức quyết định cách hoạt động của VAR. Tại cuộc họp tháng 6, các CLB có thể thảo luận về thực trạng của VAR và những điều cần cải thiện".
VAR là hệ thống bao gồm các trọng tài sử dụng video để đưa ra tư vấn cho trọng tài chính. IFAB (Ủy ban Bóng đá Quốc tế), cơ quan độc lập quản lý Luật bóng đá, tuyên bố VAR chỉ can thiệp để hỗ trợ trọng tài chính trong trường hợp xảy ra "lỗi rõ ràng và hiển nhiên" hoặc "sự cố nghiêm trọng bị bỏ qua".
Cụ thể, VAR can thiệp vào quyết định công nhận bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp hoặc trường hợp nhầm lẫn.
VAR được áp dụng đầu tiên ở trận giao hữu giữa hai CLB Hà Lan, PSV và FC Eindhoven vào tháng 7/2016. A-League (VĐQG Australia) là giải VĐQG đầu tiên áp dụng hệ thống này vào năm 2017, tiếp theo là giải MLS của Mỹ.
Ngoại hạng Anh là một trong những giải đấu cao cấp cuối cùng áp dụng VAR, từ mùa 2019-20, trong khi Champions League bắt đầu triển khai từ mùa 2017-18. Điều đó cho thấy ban tổ chức Ngoại hạng Anh rất thận trọng trong việc áp dụng hệ thống gây nhiều tranh cãi này.
Trung tâm điều hành VAR của Ngoại hạng Anh được đặt tại Stockley Park, phía tây London. Trong tuần đầu tiên áp dụng, ban tổ chức Premier League cho biết khoảng 70 tình huống được VAR kiểm tra. Riêng chiến thắng 5-0 của Man City trước West Ham có 7 tình huống kiểm tra, dẫn đến 2 quyết định bị thay đổi.
Thứ nhất là bàn thắng của Gabriel Jesus bị loại bỏ, vì vai của Raheem Sterling đã rơi vào thế việt vị. Thứ hai là quả phạt đền của Sergio Aguero được thực hiện lại, vì Declan Rice đã xâm nhập vòng cấm trước khi tiền đạo người Argentina sút bóng.
Dermot Gallagher, cựu trọng tài Ngoại hạng Anh gọi "màn ra mắt" của VAR là "tuyệt vời", vì những quyết định bị can thiệp "không thể nhìn thấy bằng mắt thường". Tuy nhiên, kể cả sử dụng công nghệ cao tới đâu, quyết định cuối cùng vẫn phải dùng "mắt thường". Thế nên, VAR gây ra đầy rẫy tranh cãi.
Ví dụ tiêu biểu như tình huống diễn ra vào tháng 2/2021 trong trận đấu giữa West Ham và Fulham. VAR đề nghị trọng tài Mike Dean xem lại băng ghi hình tình huống Tomas Soucek (West Ham) vô tình chạm nhẹ cùi chỏ vào người Aleksandar Mitrovic (Fulham).
Sau khi xem lại video, trọng tài Dean rút thẻ đỏ cho Soucek. Tuy nhiên, sau trận đấu, Ủy ban điều tiết độc lập của Liên đoàn bóng đá Anh tuyên bố hủy bỏ quyết định này.
Một năm sau, trong trận đấu với Man City, Everton nộp đơn khiếu nại tình huống Rodri để bóng chạm tay trong vòng cấm nhưng đội bóng này không được hưởng phạt đền.
Bất chấp video trên truyền hình cho thấy tiền vệ của Man City đoán sai độ nảy của trái bóng và vô tình dùng cánh tay kiểm soát bóng, trọng tài VAR không hề tư vấn cho trọng tài chính về quả penalty.
Vì thế, HLV Frank Lampard của Everton chỉ trích trọng tài VAR "đã không làm đúng phận sự" và trưởng ban trọng tài Mike Riley phải công khai xin lỗi đội bóng vùng Merseyside.
Chỉ tính riêng mùa 2023-24, VAR là trung tâm của quá nhiều tranh cãi. Hồi tháng 9, Luiz Diaz của Liverpool bị từ chối một bàn thắng hợp lệ vì bắt việt vị sai trong trận gặp Tottenham. Tháng 11, HLV Mikel Arteta nổi đóa vì quyết định công nhận bàn thắng của Anthony Gordon của Newcastle, dù không biết bóng đá đi ra ngoài đường biên hay chưa.
Cả Liverpool lẫn Arsenal đều đăng tải tuyên bố chỉ trích công khai quyết định của trọng tài. Nottingham Forest thì viết thư phàn nàn gửi đến PGMOL và thậm chí cân nhắc khởi kiện.
Người hâm mộ cũng chán chường. Trận đấu thường xuyên gián đoạn thời gian dài và tính tương tác với khán giả trên sân giảm sút khiến cho niềm vui sướng thuần khiết khi theo dõi trận đấu bóng đá bị vơi đi nhiều. Ngoài ra, bản thân các cầu thủ cũng thừa nhận cảm xúc vỡ òa khi ăn mừng bàn thắng cũng bị "gọt" đi nhiều mỗi khi VAR can thiệp.
Nếu không khai tử VAR, hệ thống này cần thay đổi như thế nào? Có thể mỗi chuyên gia, mỗi CLB có quan điểm khác nhau nhưng cần dựa trên tinh thần thượng tôn bóng đá.
Có hai vấn đề VAR đang đi ngược tinh thần bóng đá và cần thay đổi. Thứ nhất, không gây gián đoạn, mất thời gian. Điều này gây ức chế cho người hâm mộ lẫn cầu thủ và có thể ảnh hưởng đến cả kế hoạch triển khai chiến thuật của HLV.
Thứ hai, không gây thêm tranh cãi không đáng có. Con số tăng quyết định chính xác 82% lên 96% không phản ánh chân thật sự hiệu quả, bởi lẽ vẫn còn đầy rẫy tranh cãi liên quan đến VAR như đã đưa ra ở phần trên.
Rất có thể, việc áp dụng công nghệ bắt việt vị bán tự động sẽ giải quyết phần lớn vấn đề của VAR. Cụ thể, những quyết định này được đưa ra từ máy móc, không có sự can thiệp của con người, độ chính xác cực cao để không tạo ra tranh cãi và không mất nhiều thời gian kẻ vạch rồi đo… mũi giày hoặc ngón tay.
Ngoài tình huống việt vị, VAR cũng chỉ nên đưa ra tư vấn ở các tình huống hiển nhiên, rõ ràng, thay vì các tình huống phải đưa ra nhận định chủ quan. Và như đề xuất của nhiều cây bút, VAR có thể đóng vai "người phán xử", với kịch bản các đội đưa ra khiếu nại về quyết định của trọng tài.
Tựu trung, kiến nghị từ Wolves là lời cảnh cáo dành cho VAR. Hệ thống này tiêu tốn nhiều nguồn lực, từ nhân lực đến vật lực, nhưng hiệu quả không như kỳ vọng. Bản chất là VAR bị chệch hướng tinh thần bóng đá.
Không một công nghệ tiên tiến nào xác định được cú huých với lực bao nhiêu cấu thành tình huống phạm lỗi. Và bắt khán giả chờ đợi dù chỉ một giây cũng là lâu chứ đừng nói đến hàng phút để soi đi, xét lại một tình huống trên màn hình. Bởi vậy, VAR phải thay đổi, có thể từ gốc là tôn chỉ, mục đích trở đi.