Điểm tin kinh doanh 22/5: Doanh nghiệp, ngân hàng chi hơn 3.000 tỷ đồng mua 35.000 lượng vàng trong 1 tháng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 22/05/2024

Cổ phiếu mía đường 'ngọt lịm'; Thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 57%
gia-vang-hom-nay-ngay-17-5-1715924936691908755871.jpg

- Doanh nghiệp, ngân hàng chi hơn 3.000 tỷ đồng mua 35.000 lượng vàng trong 1 tháng

Trong vòng 1 tháng qua, các doanh nghiệp, ngân hàng đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để mua 35.000 lượng vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước.

Sáng 21/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 79 lô tương đương 7.900 lượng vàng (tương đương gần một nửa quy mô gọi thầu), với tổng số thành viên trúng thầu là 9 thành viên. Giá trúng thầu cao nhất là 89,42 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 89,42 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước ngày 21/5 ổn định. Đầu giờ chiều 21/5, giá vàng miếng SJC vào thời điểm có kết quả đấu thầu được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 90,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng so với phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.

Theo đó, giá các doanh nghiệp mua "sỉ" từ Ngân hàng Nhà nước cao hơn 920.000 đồng/lượng so với giá Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào từ người dân và thấp hơn 1,08 triệu đồng/lượng so với giá bán ra thị trường.

Nhẫn tròn SJC có giá 75,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 77,3 - 77,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra tuỳ trọng lượng sản phẩm.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới đứng ở 2.417,12 USD/ounce, tăng nhẹ 2 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương 74,1 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 16,1-16,3 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn 3,5 triệu đồng/lượng.

Từ 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 8 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC, trong đó có 5 phiên tổ chức thành công. Tổng cộng, cơ quan quản lý đã tung ra thị trường 35.100 lượng vàng miếng SJC. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục đấu thầu bán vàng miếng vào ngày 23/5.

- Cổ phiếu mía đường 'ngọt lịm'

Dù có thời điểm giảm gần 10 điểm, nhưng đến kết phiên giao dịch hôm 21/5 VN-Index đã thu hẹp đà giảm, tiến về sát tham chiếu. Lực cầu chờ ở vùng giá thấp có tín hiệu giải ngân. Cổ phiếu mía đường bất ngờ "ngọt lịm".

Sau 5 phiên liên tiếp tăng giá, hôm 21/5 thị trường chịu áp lực bán mạnh hơn. Bên bán nhanh chóng lấn át, phần lớn thời gian giao dịch, VN-Index chìm trong sắc đỏ. Nỗ lực chinh phục đỉnh cũ bất thành, vùng 1.280 điểm vẫn là thử thách cho VN-Index.

Đặc biệt, sau 14h, lực bán dồn dập lên một số mã lớn, sắc đỏ lan toả diện rộng khiến chỉ số chính giảm nhanh. Có thời điểm. VN-Index để mất gần 10 điểm. Đến cuối phiên, dù ghi nhận hồi phục, nhưng nhóm VN30 vẫn có 16 mã giảm giá, trong khi chỉ 11 mã tăng.

Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường là các mã ngân hàng, TCB dẫn đầu đà giảm, kém chỉ số đi lùi hơn 2 điểm, VCB theo sau, lấy đi hơn 1 điểm. Loạt mã ngân hàng khác như OCB, LPB, VCB, HDB, TPB, EIB… cùng giảm giá.

Tuần này, các ngân hàng Techcombank, VPBank và MB sẽ chốt quyền nhận cổ tức tiền mặt. Dù vậy, thông tin này không còn ảnh hưởng đáng kể nào đến tâm lý nhà đầu tư.

Dòng tiền vẫn ưu ái các mã nhỏ, vừa, luân chuyển sang nhóm vận tải biển, thuỷ sản, dầu khí… Tại nhóm vận tải biển, VOS tăng trần, PVT, VTO, GMD, VIP… cùng tăng giá. Cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt khoe sắc xanh: PVS, PVD, PVS, OIL, GAS… Nhóm mía đường ghi nhận LSS tăng trần, SLS, SBT, QNS tăng giá.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,44 điểm (0,03%) xuống 1.277,14 điểm. HNX-Index tăng 0,72 điểm (0,3%) lên 243,29 điểm. UPCoM-Index tăng 0,92 điểm (0,98%) lên 94,45 điểm. Thanh khoản sụt giảm với giá trị khớp lệnh HoSE hơn 20.500 tỷ đồng.

Khối ngoại có phiên thứ 2 liên tiếp bán ròng trên 1.000 tỷ đồng, tập trung vào VEA, KBC, VHM.. Trong đó, khối ngoại bán ròng VEA liên tiếp 9 phiên, bất chấp cổ phiếu vẫn tăng giá lên sát mốc 40.000 đồng/đơn vị, áp sát đỉnh cũ.

Ở chiều ngược lại, DBC được mua ròng 302 tỷ đồng, nhưng chưa đủ để cân lại áp lực bán của vốn ngoại.

- Chia cổ tức "khủng", cổ phiếu FPT vượt đỉnh 23 lần trong chưa đầy 5 tháng

Từ đầu năm 2024, thị giá FPT đã tăng 41,5% qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên cao kỷ lục 172.700 tỷ đồng (7 tỷ USD). Cổ phiếu này đã có 23 lần vượt đỉnh trong chưa đầy 5 tháng.

Kết phiên hôm nay 21/5, cổ phiếu FPT tăng 2,26% lên mức 136.000 đồng/cp, cao nhất từ trước đến nay (tính theo giá điều chỉnh). Đây là lần thứ 23 kể từ đầu năm, cổ phiếu FPT đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử. Đáng chú ý, thành tích này lập được khi năm 2024 mới trải qua chưa đầy 5 tháng (92 phiên). Như vậy, bình quân cứ 4 phiên, cổ phiếu này lại vượt đỉnh một lần.

Từ đầu năm 2024, thị giá FPT đã tăng 41,5% qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên cao kỷ lục 172.700 tỷ đồng (7 tỷ USD). Con số này giúp FPT vị trí số 1 Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ. Trên thị trường chứng khoán, giá trị của FPT xếp thứ 8 trong danh sách các công ty niêm yết và xếp thứ 10 toàn sàn.

Cổ phiếu của FPT tăng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của ông lớn công nghệ cực tốt. Về tình hình kinh doanh, quý 1/2024, Công ty lãi trước thuế 2,534 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ, thực hiện được 23% kế hoạch năm. Lãi ròng 1,789 tỷ đồng. Đây đều là số lãi hàng quý cao nhất kể từ trước đến nay của Công ty.

FPT vừa công bố nghị quyết HĐQT ngày 16/5/2024 thông qua triển khai các phương án phát hành cổ phiếu năm 2024. Theo đó FPT dự kiến phát hành gần 190,5 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành là 20:3, tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới. Cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện không muộn hơn quý 3/2024. HĐQT FPT cũng phê duyệt mức trả cổ tức còn lại là 10% (1.000 đồng/cp), tương ứng cần chi khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian dự kiến trong quý 2/2024.

Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 của FPT là 20% bằng tiền (2.000 đồng/cp). Trong đó, công ty đã tạm ứng 10% vào tháng 7/2023. Năm 2024, FPT dự kiến giữ nguyên mức cổ tức tiền mặt 20%.

v1__0801_kinh_te_2024_f58c3.jpg

- Thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 57%

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, tính đến hết quý 1/2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị.

Thông tin do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp tại Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” vào chiều 21/5 cho thấy: Tính đến hết quý 1/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 39,06% về số lượng và 20,64% về giá trị.

Giao dịch TTKDTM tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.

- EC dời lịch kiểm tra gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bên lề cuộc Họp triển khai thực hiện Kế hoạch IUU, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), thông tin EC đã thay đổi lịch đến Việt Nam để kiểm tra về công tác chống khai thác IUU. Theo đó, EC dời lịch sang Việt Nam vào khoảng tháng 9, 10 năm nay, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm.

Ông Nguyễn Quang Hùng cũng cho hay, một trong những lý do phía Ủy ban châu Âu (EC) lùi thời hạn kiểm tra, gỡ "thẻ vàng", chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đó là Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Phía EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam với 2 Nghị định này ra sao.

Việt Báo (Tổng hợp)