Giá vé máy bay nội địa giai đoạn Hè 2024 đang 'giảm nhiệt'
Kinh doanh - Ngày đăng : 20:14, 18/05/2024
Giá vé sẽ có chiều hướng tăng lên khi nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt trong các khung giờ đẹp và vào các dịp cao điểm lễ, Tết, du lịch Hè. Mặc dù vậy, hiện cũng có những mức giá vé máy bay hợp lý trên các đường bay nội địa giai đoạn Hè 2024.
Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đưa ra nhiều mức giá rẻ trên các đường bay nội địa; trong đó, có các mức giá vé 0 đồng. Điều này cho thấy, tính cạnh tranh trên thị trường hàng không nội địa vẫn đang được duy trì và đồng nghĩa, hành khách có cơ hội tiếp cận được các mức giá vé máy bay hợp lý trên các đường bay nội địa.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, nhiều đường bay tới các điểm du lịch giá vé cao điểm Hè chỉ còn khoảng một nửa so với dịp lễ 30/4 - 1/5. Cụ thể, giá vé cho chặng bay Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh chỉ hơn 1,5 triệu đồng/chiều, đã bao gồm thuế phí.
Giá vé từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đi nhiều các điểm du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... cũng "giảm nhiệt", với mức hơn 1,2 triệu đồng/chiều như Tp. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn từ 1,1 triệu đồng/chiều, Hà Nội - Đà Nẵng từ 1,2 triệu đồng/chiều; Tp. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng từ 1.227.000 đồng/chiều; Hà Nội - Nha Trang từ 1,6 triệu đồng/chiều..., đã bao gồm thuế phí.
Với 5 hãng hàng không Việt Nam hiện đang tham gia khai thác (dù Pacific Airlines cùng Bamboo Airways đang thực hiện cơ cấu lại đội tàu bay theo chiến lược của mỗi hãng), về cơ bản hầu hết trên đường bay nội địa hiện tại đều có ít nhất 2 hãng hàng không Việt Nam khai thác. Hành khách vẫn có thể lựa chọn các mức giá phù hợp trên các đường bay giữa các hãng hàng không phù hợp mục đích và điều kiện của mình.
Việc giá vé máy bay tăng trong giai đoạn các tháng đầu năm 2024 cũng nằm trong xu hướng chung trên thế giới với nhiều nguyên nhân. Trong số đó, một số nguyên nhân chính như giá nhiên liệu hàng không - yếu tố quan trọng trong hoạt động của các hãng hàng không tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ gia tăng, đặc biệt là giá USD so với đồng nội tệ, gây áp lực lên chi phí hoạt động của hãng hàng không do nhiều khoản chi phí của hãng hàng không được thanh toán bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất Pratt&Whitney triệu hồi động cơ tàu bay A320/321 - là dòng máy bay chủ lực của các hãng hàng không Việt Nam, làm sụt giảm đội tàu bay và nguồn cung tải trên thị trường, cũng như tăng chi phí vận hành với đội tàu bay đang khai thác; giá thuê tàu bay và giá phụ tùng vật tư cũng đều tăng, vừa làm tăng chi phí và vừa làm hạn chế khả năng tiếp cận thuê bổ sung tàu bay của các hãng hàng không.
Thời gian vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay trên các đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam và kết quả kiểm tra cho thấy, trong cơ cấu giá vé bán ra của các hãng, phần lớn vẫn là vé ở phân khúc giá thấp và trung bình, từ 60% đến 70% lượng vé bán ra.