Thách thức của tân Thủ tướng Singapore sau 'dấu ấn Lý Hiển Long'
Tin thế giới - Ngày đăng : 06:14, 17/05/2024
Con đường dẫn đến vị trí Thủ tướng
Quá trình chọn người kế nhiệm ông Lý Hiển Long làm thủ tướng Singapore bắt đầu từ năm 2016, khi ít nhất có 6 người có trình độ cao về học vấn, xã hội và nghề nghiệp đã được đề cử, nhưng đến tháng 11/2018, chỉ còn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, nổi lên thành người thừa kế duy nhất cho vị trí thủ tướng thế hệ thứ tư của Singapore.
Tuy nhiên, sự rút lui bất ngờ của ông Heng vào tháng 4/2021 sau kết quả yếu kém của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, đã mở đường cho sự trỗi dậy của ông Lawrence Wong như một ứng cử viên tiềm năng nặng ký cho chức Thủ tướng. Ông Wong, lúc ấy là Bộ trưởng Giáo dục, đã tiếp quản Bộ Tài chính từ ông Heng.
Ông Wong sinh năm 1972, có bằng cử nhân và thạc sĩ kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) và Đại học Michigan-Ann Arbor, đồng thời có bằng thạc sĩ quản trị công tại Trường Harvard Kennedy. Trước khi được bầu vào quốc hội bắt đầu tham gia chính trường năm 2011, ông Lawrence Wong đã có sự nghiệp công chức 14 năm tại Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Năm 2005, ông làm thư ký riêng chính của Thủ tướng Lý Hiển Long, một vị trí được coi là hữu ích để ông lãnh đạo đất nước sau này.
Ông Wong được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên năm 2012 rồi làm bộ trưởng chính thức 2 năm sau đó. Sau cuộc bầu cử năm 2015, ông Wong chuyển sang lãnh đạo Bộ Phát triển Quốc gia. Năm 2020, ông Wong được giao nhiệm vụ đồng chủ trì lực lượng đặc nhiệm đa bộ chống đại dịch Covid-19 cùng Bộ trưởng Y tế.
Chính phong cách lãnh đạo quyết liệt thời kỳ đại dịch khiến ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất và ứng viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng. Ông Wong được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng tài chính vào tháng 4/2021, một vị trí mà những người tiền nhiệm đều nắm giữ trước khi trở thành thủ tướng.
Tháng 4/2022, ông Wong được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhóm các bộ trưởng thế hệ thứ tư (4G) của Đảng nhân dân hành động (PAP). Chỉ 2 tháng sau, ông được thăng chức Phó Thủ tướng, đồng thời vẫn nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính.
Kể từ khi nhận cương vị Phó Thủ tướng, ông Wong đã nỗ lực bao quát mọi lĩnh vực, nổi bật nhất là việc ông đã phát động cuộc đối thoại Tiến lên Singapore (Forward Singapore) vào tháng 6/2022 để các nhà lãnh đạo đảng PAP thế hệ thứ tư (4G) đối thoại với người dân Singapore. Từ các cuộc đối thoại này, tháng 10/2023, ông Lawrence Wong đã cho công bố một bản báo cáo về lộ trình xây dựng Singapore trở thành một quốc gia năng động, toàn diện, công bằng và thịnh vượng, kiên cường và đoàn kết hơn.
Một phần kiến nghị của bản báo cáo này đã được chấp thuận triển khai ngay trong Ngân sách 2024, nhưng quan trọng hơn là nó chứng tỏ sự tín nhiệm của đảng PAP đối với ông Lawrence Wong trên cương vị Thủ tướng mới.
Việc ông Wong lên làm Thủ tướng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong nền chính trị Singapore, chuyển giao quyền lực lần thứ 3 cho thế hệ lãnh đạo thứ tư. Trước đó, Singapore chứng kiến hai lần chuyển giao quyền lực vào năm 1990 và 2004.
Thủ tướng đầu tiên, Lý Quang Diệu, là lãnh đạo thế hệ lãnh đạo thứ nhất từ năm 1965 đến năm 1990. Ông được thay thế bởi Goh Chok Tong, người giữ chức thủ tướng trong 14 năm tiếp theo cho đến năm 2004, khi Lý Hiển Long lên nắm quyền.
Thách thức đối với tân Thủ tướng Singapore
Ông Wong lên làm Thủ tướng Singapore, được thừa hưởng một đất nước đang ở vị thế đỉnh cao trong khu vực và trên thế giới. Sau 6 thập niên giành độc lập, Singapore từ một thương cảng thuộc địa đã trở thành quốc gia thịnh vượng nhất châu Á, và là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người vào khoảng 88.000 USD, tăng gấp đôi trong 20 năm qua, vượt xa Anh, Pháp, thậm chí cả Mỹ. Thách thức đối với tân Thủ tướng Singapore trước hết sẽ làm thế nào để duy trì vị trí đỉnh cao này của Singapore.
Tuy nhiên, ông Wong đang đứng trước không ít thách thức kinh tế, bao gồm lạm phát và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, khiến hòn đảo này trở thành nơi đắt đỏ nhất thế giới, trong khi sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng rộng, tỷ lệ sinh giảm khiến cho dân số già đi, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên.
Hơn nữa, sự thay đổi nhân khẩu học của Singapore, cùng với sự đô thị hóa cao và kết nối kỹ thuật số của Singapore đã sinh ra một lớp người Singapore trẻ tuổi không có ký ức về quá khứ đấu tranh xây dựng quốc gia, nhưng lại tiếp xúc nhiều hơn với các diễn biến chính trị khu vực và quốc tế, coi trọng sự đa dạng và công bằng xã hội, và muốn tự do hóa chính trị rộng rãi hơn.
Trong khi đó, phe đối lập chính trị cũng đang thay đổi, thu hút nhiều người ủng hộ hơn và có chất lượng cao hơn. Đảng PAP cầm quyền đã giành chiến thắng dễ dàng với 71% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất năm 2020, nhưng cũng đã mất đi hai 2 khu vực bầu cử. Điều này cho thấy cử tri ngày càng mong muốn kiểm soát và cân bằng hơn đối với chính quyền.
Về đối ngoại, thách thức lớn mà ông Wong đang đối mặt là cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đang tác động tới khu vực Đông Nam Á. Singapore muốn được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc và mối quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Quốc đảo này đã nâng cấp quan hệ với Trung Quốc lên "Đối tác toàn diện, chất lượng cao, hướng tới tương lai" và đang có kế hoạch nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc - Singapore (CSFTA).
Trong khi đó, Mỹ là đối tác an ninh quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc huấn luyện và trang bị vũ khí cho Singapore. Việc bán máy bay chiến đấu F-35B tiên tiến cho Singapore, điều mà Mỹ từ chối với các quốc gia khác trong khu vực, là bằng chứng cho mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa hai nước.
Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ có thể là thách thức đối với giới lãnh đạo mới của Singapore, đặc biệt nếu hai cường quốc cố gắng gây áp lực buộc quốc đảo này phải đứng về một bên.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng gây tác động kinh tế đối với toàn khu vực, trong đó có Singapore. Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền trở lại cùng chính sách "Nước Mỹ trên hết" cũng có thể gây ra những bất ổn thương mại cho Singapore.
Đặc biệt, sự phân mảnh ngày càng tăng của các khối thương mại có thể làm giảm thương mại toàn cầu hoặc tăng chi phí hậu cần, điều này rõ ràng là tiêu cực đối với Singapore. Bên cạnh đó, Singapore cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nước láng giềng đều đang muốn trở thành trung tâm khu vực.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia không còn đặt trụ sở tại Singapore mà chuyển tới các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á để tiết kiệm tiền và tìm các cơ hội mở rộng.
Tân Thủ tướng Singapore sẽ làm gì?
Đứng trước những thách thức trên, nhiều khả năng ông Wong sẽ phải tập trung vào các vấn đề kinh tế và phát triển. Trong bài phát biểu về ngân sách vào tháng 2/2024, ông cho biết chính quyền phải tăng cường các chương trình hỗ trợ xã hội để giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng, đồng thời sẽ đầu tư hơn vào nghiên cứu và phát triển, cũng như trí tuệ nhân tạo, tài chính và năng lượng sạch.
"Chúng ta phải phát triển. Vì tăng trưởng là điều kiện tiên quyết để tạo ra việc làm tốt hơn và nâng cao mức sống cho tất cả mọi người", ông Wong tuyên bố.
Ông Wong cũng sẽ phải tính tới việc mở cửa thực chất hơn và tự do hóa hệ thống chính trị. Tín hiệu này có thể nhận thấy khi ông nhấn mạnh tại buổi xuất hiện truyền thông đầu tiên sau khi được chọn là lãnh đạo thế hệ thứ tư 4G, về mối quan hệ đồng đội và dự định chia sẻ trách nhiệm.
Ông Wong cũng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy ý định lắng nghe các quan điểm đa dạng và cởi mở với các ý tưởng khác nhau. Cuộc đối thoại Tiến lên Singapore do ông lãnh đạo có thể được coi là một nỗ lực nhằm làm mới hiệp ước xã hội của Singapore, một dạng thỏa thuận ngầm giữa người dân và chính quyền về vai trò và trách nhiệm của mỗi bên. Ông cũng có thể sẽ chấp nhận một phe đối lập lớn trong Quốc hội, tạo ra một cơ chế kiểm soát và cân bằng nhằm đưa ra các quan điểm đa dạng về chính sách.
Tuy nhiên, liệu ông Wong có định hình được một thương hiệu lãnh đạo của riêng mình với tư cách là gương mặt lãnh đạo thế hệ thứ tư của PAP hay không và có thoát ra được cái bóng của các thế hệ lãnh đạo trước, nhất là của ông Lý Hiển Long hay không?
Ông Wong đã cho thấy ông sẽ tiếp tục cách tiếp cận của những người tiền nhiệm nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Singapore trong vai trò một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực. Ông cũng cho biết sẽ cơ bản giữ nguyên nội các do ông Lý Hiển Long để lại.
Về phần mình, ông Lý đã ám chỉ rằng ông có thể phục vụ dưới quyền của Wong và đóng vai trò là cánh tay phải của Wong trong việc lãnh đạo đất nước. Đặc biệt, việc xử lý những vấn đề đối ngoại phức tạp, nhất là cạnh tranh Trung - Mỹ chắc chắn sẽ là lĩnh vực mà ông Wong sẽ cần đến những kinh nghiệm dày dạn của người tiền nhiệm Lý Hiển Long.
Đại sứ Tôn Sinh Thành