Những 'đại gia' nào mua hơn 27.000 lượng vàng miếng SJC đấu thầu?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:41, 16/05/2024
Trước phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức thành công 3 phiên đấu thầu.
Trong cả 3 phiên này, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đều trúng thầu với 2.000 lượng/phiên.
Như vậy, SJC đã trúng thầu 6.000 lượng vàng miếng SJC trong tổng số 14.900 lượng được đấu thầu thành công trong 3 phiên đầu.
“Thực tế tại các phiên đấu thầu vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên. Các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng từ NHNN do lo ngại rủi ro biến động giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC. Khi mua được vàng miếng từ NHNN, doanh nghiệp đã bán ngay ra thị trường”, thông tin từ NHNN cho hay.
Với việc NHNN điều chỉnh lượng vàng miếng tối thiểu và tối đa mỗi thành viên được đấu thầu, số lượng vàng miếng được đấu thầu thành công cũng như số lượng thành viên tham gia dự thầu ngày một tăng.
Cụ thể, trong hai phiên đấu thầu gần đây nhất, ngày 14/5 và 16/5, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng), thấp hơn 2 lô (200 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước. Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng), nhiều hơn 20 lô (2.000 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.
Trong cả hai phiên này đều có sự tham gia đặt thầu của 3 “đại gia” kinh doanh vàng gồm: Công ty SJC, Công ty DOJI, và Công ty PNJ.
Đáng chú ý, phiên đấu thầu diễn ra sáng 16/5, có tới 11 đơn vị tham gia đấu thầu và cả 11 thành viên này đều trúng thầu.
Dù NHNN chưa công bố danh tính cụ thể các thành viên tham gia dự thầu trong phiên sáng nay, nhưng theo tìm hiểu của VietNamNet, 11 thành viên này bao gồm gần như đầy đủ các "ông lớn" trong kinh doanh kim loại quý, như: Công ty SJC, Tập đoàn DOJI, Công ty PNJ, Công ty Phú Quý, Công ty vàng ASEAN. Bên cạnh đó là các một số ngân hàng thương mại.
Như vậy, so với phiên trước đó, số lượng thành viên trúng thầu tăng thêm 3 thành viên (2 doanh nghiệp kinh doanh vàng và một ngân hàng thương mại).
Cùng với số lượng thành viên dự thầu ngày một lớn, khối lượng vàng miếng SJC trúng thầu cũng tăng mạnh, đạt 12.300 lượng (123 lô) trong phiên ngày 16/5.
Điều này phần nào cho thấy, việc NHNN điều chỉnh quy định về khối lượng đặt thầu cũng như giá tham chiếu về mức hợp lý đã bước đầu thành công trong việc thu hút nhiều hơn các đơn vị tham gia dự thầu, qua đó dần dần đạt được mục tiêu cao nhất là bình ổn thị trường vàng.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương đánh giá, sự thay đổi này của NHNN đã mang lại kết quả khả quan cho đấu thầu vàng, phần nào thỏa mãn cơn khát vàng SJC của nhà đầu tư.
Theo vị chuyên gia này, chỉ cần 2-3 phiên đấu thầu với số lượng trúng thầu 7.000-8.000 lượng, chắc chắn giá vàng SJC sẽ sụt giảm trở lại, thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới.
“Với các động thái quyết liệt của Chính phủ, NHNN tổ chức thêm các phiên đấu thầu vàng miếng cung ứng ra thị trường, cường độ 2-3 phiên mỗi tuần, thì chỉ 1-2 tuần nữa bảo đảm giá vàng SJC sẽ giảm", ông nhận định.
Từ ngày 19/4 đến nay, NHNN đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Loại vàng miếng đấu thầu là vàng SJC, do NHNN tổ chức sản xuất, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. Trong 7 phiên, có 4 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu. Cụ thể, tại phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4, có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 8/5, có 3 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng vàng miếng SJC. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 14/5 có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng 8.100 lượng. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 16/5, 11 thành viên đã trúng thầu với khối lượng 12.300 lượng. |