Hệ lụy khi rapper Việt văng tục, công kích nhau
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 10:39, 16/05/2024
Video có tiêu đề “XNEELAND - 69 NORTHSIDE vs LINKEENPAC - MAIN EVENT BATTLE KHEN” được đăng tải trên kênh của MC ILL (rapper Hưng Cao) từ hơn một tháng trước.
Gần đây, streamer ViruSs dẫn lại video, khiến trận chiến của 4 rapper gây chú ý trở lại trên mạng. Nhiều khán giả phấn khích khi nghe các rapper battle (rap chiến) với nhau mà không cần beat. Song, cũng không ít khán giả ngỡ ngàng vì nghe quá nhiều từ ngữ tục tĩu trong video.
ViruSs dẫn lại video trận chiến gây tranh luận của nhóm rapper.
Vượt giới hạn
Những trận no beat (rap không cần nền nhạc) đã hiện diện trong dòng chảy Rap/Hip hop Việt Nam từ nhiều năm trước. MC ILL là người giữ vai trò tiên phong đưa màu sắc này tiếp cận khán giả của rap tại Việt Nam. Trước đây, các trận no beat do MC ILL tổ chức chỉ gói gọn trong phạm vi underground, do đó dù tính chất nhạy cảm vẫn không phải là vấn đề.
Hiện tại, khi cái tên MC ILL đã qua khỏi vùng bó hẹp ở underground, bắt đầu phủ sóng từ lúc ngồi "ghế nóng" ở King of Rap, các trận chiến do anh tổ chức dần tiếp cận khán giả đại chúng nhiều hơn. Riêng trận đấu giữa 4 rapper, chia thành 2 đội là 66 NORTHSIDE và LINKEENPAC, nhiều streamer dẫn lại, trong đó có ViruSs, dẫn đến “viral”. Nhiều khán giả choáng khi nghe rõ từng chữ văng tục của các rapper.
Chính ViruSs khi làm video reaction (phản ứng) cũng liên tục cảnh báo khán giả vì nội dung nhạy cảm. Vấn đề ở đây là trong video gốc, MC ILL không chủ động gắn nhãn, cảnh báo khán giả hoặc lọc bớt các ngôn từ tục tĩu.
Các trận battle rap, đặc biệt là freestyle (ngẫu hứng) và không beat là một phần quan trọng làm nên bản sắc của rap. Thế nhưng, riêng thị trường nhạc Việt, khi các bộ phận khán giả có tiêu chuẩn riêng để tiếp nhận và thưởng thức âm nhạc, việc các rapper theo đuổi dòng battle rap có nhiều rào cản. Rapper làm sao để cân bằng 2 yếu tố là theo đuổi chất lượng thuần túy của rap nhưng vẫn được khán giả đại chúng Việt đón nhận? Đây là bài toán khó cho tất cả.
Vậy nên những rapper, người tạo sân chơi rap phải lựa chọn giữa 2 thái cực underground hay mainstream.
4 năm trước, thể loại rap không beat từng hiện diện trong một cuộc thi. Đại Vũ là rapper vào đến chung kết, đối đầu Phúc Du. MC ILL ngồi ở hàng ghế giám khảo. Ban tổ chức đã xác định những trận chiến này sẽ tiếp cận nhiều bộ phận khán giả, do đó chủ động cấm thí sinh sử dụng từ ngữ nhạy cảm.
Trận chiến giữa Đại Vũ và Phúc Du đã phủ sóng mạnh, với gần 9 triệu lượt xem trên YouTube vì 2 yếu tố: Tính đặc sắc của trận chiến no beat và phù hợp nhiều tệp khán giả.
MC ILL đã tắt chế độ công khai, trả loạt video battle về đúng vị trí, là chỉ dành cho hội viên. Với những khán giả nhiệt thành của battle rap, họ sẽ xem những trận đối đầu không khoan nhượng của rapper là “món ăn tinh thần”.
Nhưng không phải khán giả nào cũng thoải mái khi xem một trận đấu mà rapper văng tục quá nhiều, thậm chí lấy cả tên người khác để làm công cụ đả kích.
Đen Vâu bỏ qua yếu tố cá tính để thành công trên thị trường nhạc Việt.
Hai mặt khi nhạc rap nổi tiếng
Nhạc rap hiện diện trong đời sống nhạc Việt hơn 20 năm, song chỉ thật sự có con đường “màu hồng” trong 4 năm gần đây. Nhờ các game show và thành công của các rapper tiêu biểu như Đen Vâu, Karik, Binz, rap trên thị trường nhạc Việt giờ đã có chỗ đứng vững vàng. Thậm chí trong 6 tháng gần đây, số lượng ca khúc rap giữ vị trí cao trên “top trending” chiếm áp đảo.
Nhạc rap vươn lên đại chúng giúp các rapper có con đường rõ ràng hơn để đánh dấu tên tuổi và kiếm tiền bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng trái ngược, việc rap đại chúng hóa khiến dòng nhạc này phát sinh vấn đề trong văn hóa của giới underground và mainstream.
Các loại hình battle rap, đả kích, trận beef, từ lâu là những nét chấm phá của rap vì sự thẳng thắn, nay liên tục bị “tuýt còi” vì không chiều được tai nghe của tệp khán giả đại chúng.
Gần đây, B Ray phải xóa MV vì bài hát có nhiều câu từ nhạy cảm, trù ẻo bạn gái. Trước đó, sự cố của Chị Cả đã là tín hiệu báo động cho các rapper muốn tạo ra sản phẩm thuần túy gai góc của rap, nhưng lại không kiểm soát được phạm vi lan truyền. Để rồi, khi các sản phẩm này truyền tới tai số đông khán giả ở nhiều độ tuổi và tầng lớp, câu chuyện không còn đơn giản như những khán giả của rap nhìn nhận.
Có ý kiến của khán giả nói về sự tự do trong rap, tương tự những gì xảy ra ở nền công nghiệp âm nhạc Âu - Mỹ, với điển hình là trận chiến đang gây sốt thế giới giữa Kendrick Lamar, J.Cole và nhiều rapper khác. Song, với sự khắt khe của nhiều khán giả Việt, đây chưa phải lúc để các rapper thoải mái dùng ca từ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Phải thay đổi để hòa nhập thị trường âm nhạc, đó là con đường mà đa số rapper Việt đang chọn. Có những rapper đã từng “oanh tạc”, thể hiện cái tôi mạnh mẽ ở những trận chiến bằng nhạc rap trong quá khứ, song hiện tại phải sẵn sàng hoặc miễn cưỡng thay đổi vì mục tiêu trước tiên là đưa sản phẩm nhạc rap đến gần khán giả Việt.
Theo Tiền Phong