Người dùng Việt được hưởng lợi từ quy định an toàn với camera giám sát
Cuộc sống số - Ngày đăng : 07:23, 16/05/2024
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh camera
Camera giám sát đang ngày càng được sử dụng nhiều trong quản lý giao thông, giám sát an ninh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng như hộ gia đình tại Việt Nam. Do đó, nếu các thiết bị camera không đảm bảo an toàn, sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho các cơ quan, tổ chức và cả người dùng cá nhân.
Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thông tin từ camera giám sát, thời gian qua, Bộ TT&TT đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thường xuyên cảnh báo điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin trên các loại camera giám sát; đưa ra danh mục yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng, bao gồm camera giám sát. Gần đây nhất, ngày 7/5, Bộ TT&TT đã ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, các chuyên gia bảo mật và cả đơn vị tham gia sản xuất thiết bị camera giám sát đều khẳng định sự cần thiết của việc hoàn thiện các yêu cầu, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin mạng với camera giám sát.
Nhấn mạnh camera giám sát là thiết bị quan trọng trong các hệ thống, ông Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần An ninh mạng thông minh – SCS cho biết: Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tấn công mạng vào các nền tảng camera gây mất an ninh, biến những chiếc camera từ thiết bị bảo vệ thành “gián điệp”. Do đó, việc có yêu cầu, tiêu chí đảm bảo an toàn, bảo mật với camera an ninh là hết sức cần thiết.
Theo CEO CyRadar Nguyễn Minh Đức, dữ liệu của camera là dữ liệu riêng tư với cá nhân, hộ gia đình hay doanh nghiệp, tổ chức. Vì thế, việc ban hành tiêu chí kỹ thuật cho thiết bị này nhằm bảo vệ thông tin, dữ liệu là rất cần thiết.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty NCS phân tích: Camera giám sát là thiết bị đã xuất hiện tại hầu hết các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam. Rất nhiều dữ liệu riêng tư bằng hình ảnh, âm thanh được thu thập từ hệ thống camera giám sát; trong khi đó, nhiều hãng cung cấp sản phẩm, dịch vụ đang lưu trữ, xử lý những dữ liệu này trên máy chủ đám mây, đặt ra nhiều lo ngại về các vấn đề an toàn, an ninh mạng khi sử dụng camera. “Việc cơ quan quản lý ra tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh về các vấn đề đảm bảo an ninh mạng là rất cần thiết”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Ở góc độ của đơn vị sản xuất camera, ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Công ty công nghệ Pavana cũng nhận định, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư, trang bị camera an ninh ngày càng tăng ở Việt Nam, việc có tiêu chí kỹ thuật với loại thiết bị này sẽ góp phần để người dùng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề bảo vệ dữ liệu. Song song đó, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh camera tại Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn thông tin người dùng; các tổ chức, doanh nghiệp cũng có cơ sở để chọn camera chất lượng và đảm bảo an toàn về thông tin.
Quy định mới góp phần bảo vệ thông tin, dữ liệu người dùng camera
Bàn về ảnh hưởng, tác động từ việc Bộ TT&TT ra bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, quy định này trước hết đem lại lợi ích cho người dùng camera tại thị trường Việt Nam, giúp bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu của người sử dụng. Các thiết bị camera tại thị trường Việt Nam cần được rà soát lại mức độ tuân thủ những quy định này. “Tôi cho rằng, những sản phẩm camera tin cậy, được cung cấp bởi các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước sẽ không gặp khó khăn để đáp ứng theo bộ tiêu chí”, ông Nguyễn Trung Kiên nhận xét.
Cho biết Pavana đã rà soát và đánh giá khả năng tuân thủ các yêu cầu trong bộ tiêu chí ngay sau khi nhận được thông tin, ông Nguyễn Trung Kiên cam kết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ tuân thủ triệt để các yêu cầu tại bộ tiêu chí này, thậm chí sẽ có thêm những giải pháp an toàn ở mức cao hơn”.
Xem xét ở góc độ kỹ thuật, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nhận xét, phần lớn các yêu cầu trong bộ tiêu chí mới ban hành đều là những yêu cầu cơ bản cho một hệ thống có thu thập dữ liệu và kết nối Internet. Vì vậy, với những camera mới sản xuất, sẽ không có nhiều ảnh hưởng và các nhà sản xuất dễ dàng đáp ứng.
Tuy nhiên, với yêu cầu về việc lưu trữ, xử lý dữ liệu tuân theo quy định pháp luật của Việt Nam, trong đó có việc đặt máy chủ tại Việt Nam hay có giao diện thông báo về địa điểm lưu trữ dữ liệu sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất đến từ nước ngoài phải có những thay đổi lớn. “Vì vậy, sẽ phải có một lộ trình thích hợp để các nhà sản xuất điều chỉnh, xác định lại khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Để dễ thực thi quy định mới, ông Nguyễn Minh Đức đề xuất, cơ quan quản lý cần có thêm bộ checklist – danh sách các việc cần làm và hướng dẫn cụ thể với các hãng sản xuất camera, hỗ trợ những đơn vị này dễ dàng thực hiện. Việc đạt được các yêu cầu trong bộ tiêu chí sẽ giúp các hãng sản xuất camera rà soát, nâng cấp được các sản phẩm của mình, đồng thời cũng giúp người dùng yên tâm hơn khi lựa chọn sử dụng các giải pháp camera.
Mặt khác, các chuyên gia chỉ rõ, với bất cứ hệ thống, giải pháp nào liên quan đến dữ liệu và kết nối Internet, ngoài yếu tố về kỹ thuật thì mức độ an toàn còn phụ thuộc nhiều vào chính người dùng. Bởi lẽ, các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể giúp sản phẩm được an toàn hơn, chứ không đủ để đảm không bị tấn công, mất cắp dữ liệu.
Chẳng hạn, tiêu chuẩn có thể quy định phải đổi mật khẩu lần đầu sử dụng thiết bị, hay phải hỗ trợ cập nhật bản vá lỗ hổng khi có bản vá từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu người dùng vẫn chia sẻ mật khẩu cho người khác hay không cập nhật bản vá từ nhà sản xuất thì rõ ràng camera vẫn sẽ bị tấn công. Do vậy, người dùng vẫn cần phải nâng cao nhận thức về an toàn thông tin để chủ động phòng tránh tấn công mạng, trong đó có tấn công qua thiết bị camera.