Dân văn phòng sợ hãi du lịch team building 'chữa rách vết thương lành'
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 19:04, 15/05/2024
Đi du lịch vẫn phải làm việc, phơi mình dưới nắng
Mùa hè năm ngoái, Đức Anh (24 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM) tay trái ôm máy tính, tay phải xách vali, vội vã lên chiếc xe 24 chỗ để đi team building với công ty. Dù chuyến đi được cho là kỳ nghỉ, chế độ phúc lợi với nhân viên nhưng Đức Anh vẫn phải đem máy theo để trực, làm việc.
Trước đó, chàng trai đã định từ chối, không tham gia nhưng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi đọc dòng thông báo: "Ai không tham gia sẽ bị trừ điểm văn hóa".
13h30, giữa cái nắng như đổ lửa, Đức Anh và nhiều đồng nghiệp khác buộc phải có mặt trên bãi biển, chuẩn bị tham gia trò chơi vận động.
Dù công việc vẫn chưa được giải quyết xong, Đức Anh vẫn không thể từ chối vì liên tục bị hối thúc. Vậy là cứ mỗi trò chơi kết thúc, cậu lại cấp tập chạy vào bên trong, mở máy tính làm việc, rồi quay ra khi trò chơi khác bắt đầu.
"Thật sự quá mệt mỏi. Bây giờ nghe team building chỉ muốn từ chối, cáo bệnh để vắng mặt", anh nói.
Huỳnh Như (26 tuổi), nhân viên văn phòng, cũng nhiều lần ám ảnh những chuyến team building "hành xác" của công ty. Cô cũng không ít lần phải dời lịch hẹn với gia đình để tham dự các chuyến team building bất chợt.
Cô gái kể, bản thân từng bị sốt cao sau chuyến đi của công ty vì vừa chơi trò chơi ngoài nắng nóng, vừa "lăn xả" dưới biển trong nhiều giờ. Tối đến, Như còn phải tham gia biểu diễn văn nghệ, rồi nhậu góp vui. Vì thế, việc trở lại văn phòng sau mỗi chuyến đi là nỗi cực hình đối với Như.
"Lắm lúc, chúng tôi chẳng những không gắn kết hơn mà còn tị nạnh nhau. Mặc dù ngày thường, đồng nghiệp đối xử với nhau rất hòa nhã, nhưng khi chia đội ra chơi trò chơi, các nhóm trở nên hơn thua, cự cãi để giành phần thắng. Nhiều lúc vì "hăng" quá, một số người vô tình để lại ấn tượng không tốt với người khác", Như nói.
Xây dựng chuyến đi phù hợp
Trong một diễn đàn về vấn đề công sở hơn 350.000 người tham gia cũng thường xuyên có những bài viết nhận được nhiều sự chú ý, về nội dung "cách từ chối tham gia team building", "công ty dọa đuổi việc, trừ điểm văn hóa, phạt tiền vì không đi team building",…
Theo Huỳnh Như, team building chỉ thật sự gắn kết khi nhân viên hiểu rõ lịch trình và tự nguyện tham gia. Những trò chơi được công ty tổ chức đôi lúc phải phù hợp với tình trạng sức khỏe, thể chất của từng nhân viên.
"Việc bắt ép, phạt hay đuổi việc nhân viên chỉ vì không tham gia team building là điều không chấp nhận được. Bộ phận tổ chức ở công ty cần khảo sát nhu cầu của nhân viên để tổ chức chuyến đi sao thật hài hòa.
Không nhất thiết phải đứng nắng, vận động cho vã mồ hôi thì mới gắn kết với nhau. Công ty có thể tổ chức những trò chơi nhẹ nhàng, tạo cơ hội để nhân viên được trò chuyện nhiều hơn", Như chia sẻ.
Ông Lâm Phong Nhã, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Saigon Travel JSC, cho hay các công ty thường tổ chức team building cho nhân viên vào các tháng cao điểm hè như tháng 6 và tháng 7.
Trong đó, 90% công ty tổ chức theo kiểu có đầy đủ các hoạt động chơi trò chơi vận động mạnh, văn nghệ,… Số ít còn lại lựa chọn tổ chức cho nhân viên đi theo kiểu nghỉ dưỡng.
Theo ông Nhã, thực tế, vì nhiều lí do, có không ít nhân viên từ chối đi các chuyến team building do công ty tổ chức hằng năm.
Vì thế, để thu hút người lao động tình nguyện tham gia, ông Nhã cho rằng cần xây dựng một lịch trình trong chuyến đi sao cho thật phù hợp, loại bỏ các chương trình không cần thiết, gây mệt mỏi cho nhân viên.
Trong lịch trình tổ chức team building cho các công ty, đơn vị ông Nhã thường chia thời gian cho phần chơi trò chơi ngoài trời chỉ kéo dài 1-2 tiếng và chọn thời điểm mát mẻ trong ngày.
"Nếu là tôi, tôi cũng không muốn tham gia một chuyến team building phải lăn xả quá nhiều, vì lúc làm việc đã đủ áp lực, mệt mỏi. Mỗi chuyến đi như vậy, chi phí tổ chức là không nhỏ. Vậy nên, công ty nên đầu tư tổ chức cho đêm gala, văn nghệ thì khả năng gắn kết sẽ cao hơn, lượng nhân viên tự nguyện tham gia cũng nhiều hơn", ông nói.