TPHCM lấy ý kiến về tên công viên trước Dinh Độc Lập, cầu qua Đảo Kim Cương
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:31, 15/05/2024
Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TPHCM vừa báo cáo với HĐND thành phố về công tác đặt, đổi tên đường trên địa bàn. Trong năm 2024, các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc đặt tên các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh cho một số tuyến đường.
Các tuyến đường được đề xuất mang tên Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Hoàng Cầm, Lê Quang Đạo, Phan Văn Khải, Văn Tiến Dũng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, quận 8, 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi.
Trong năm nay, SỞ VH&TT cũng dự kiến trình UBND TPHCM xem xét có tờ trình đề nghị HĐND thành phố đặt tên các công trình công cộng.
Trong đó, cơ quan này đưa ra phương án đặt tên cho công viên trước Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) là Công viên 30 tháng 4. Công trình công cộng này có diện tích hơn 3,5ha, thuộc phường Bến Nghé (quận 1), được giới hạn bởi các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hàn Thuyên - Công trường Công xã Paris - Phạm Ngọc Thạch - Alexandre de Rhodes.
Ngoài ra, cây cầu đang có tên tạm gọi là cầu Qua Đảo Kim Cương nằm trên đường Trần Quý Kiên (TP Thủ Đức) được đề xuất đặt tên là cầu Trần Quý Kiên. Cây cầu có chiều dài hơn 291m, rộng 18m.
Ngoài ra, Sở VH&TT cũng nghiên cứu, tham mưu phương án đặt tên cầu Năm Lý theo kiến nghị của cử tri.
Hiện tại, việc đặt tên cho các công trình công cộng nói trên đang được Sở VH&TT lấy ý kiến Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng các cơ quan chuyên môn.
Về khó khăn trong công tác đặt tên, đổi tên đường, Sở VH&TT cho biết, một số địa phương, đặc biệt là vùng ven, ngoại thành có một số tuyến đường đã được người dân tự đặt tên trong thời gian dài. Các địa phương đã đề xuất công nhận tên các tuyến đường nêu trên nhưng việc này chưa có trong quy định.
Trong năm 2023, thành phố đã thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về việc đặt tên 2 cây cầu bắc qua Sông Sài Gòn là cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son. Thành phố cũng đổi tên Xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Sài Gòn đến Ngã tư Thủ Đức, là đường Võ Nguyên Giáp.