Ông Hiệu: Linh hồn của lễ hội Gióng Phù Đổng
Dòng chảy - Ngày đăng : 16:56, 15/05/2024
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024 được tổ chức trong 10 ngày, từ ngày 8/5 đến 17/5 (tức mùng 4 đến mùng 10 tháng Tư năm Giáp Thìn). Lễ hội Gióng đền Phù Đổng có phần lễ và phần hội đan xen nhau cùng nhiều hoạt động văn hóa truyền thống.
Nhiều tiêu chuẩn khi lựa chọn Ông Hiệu
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hội Gióng xã Phù Đổng “là kịch trường dân gian rộng lớn, chứa đựng nhiều triết lý nhân văn sâu sắc, mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và Nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới”.
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng gồm khoảng 2000 người trực tiếp tham gia, tái hiện cảnh Thánh Gióng ra trận.
Bên cạnh hàng trăm vai diễn, điểm đặc biệt của Lễ hội Gióng đền Phù Đổng nằm ở các Ông Hiệu. Hàng năm, lễ hội bắt đầu lựa chọn các Ông Hiệu từ ngày 20-03 (Âm lịch). Năm nay, lễ hội đã chọn ra Ông Hiệu Cờ là người thôn Đổng Xuyên; ông Hiệu Trống người thôn Đổng Viên; ông Hiệu Chiêng người thôn Phù Dực; ông Hiệu Trung Quân người thôn Phù Đổng.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm: Việc lựa chọn Ông Hiệu có những quy định cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Người vào vai Ông Hiệu là thanh niên độ tuổi từ 18 đến 40, không nhất thiết là phải chưa có vợ, thuộc làng Phù Đổng và Đổng Xuyên (nay là Đặng Xá, Gia Lâm). Đó phải là những người có lối sống lành mạnh, có tư cách tốt, sống trong gia đình có uy tín và khá về kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, người nhà Ông Hiệu Trống chia sẻ về quá trình phục vụ Ông Hiệu: “Tất cả quần áo, đồ dùng phục vụ cho Ông Hiệu và đội quân hộ vệ đều được mua mới. Mỗi ngày, gia đình chuẩn bị ít nhất ba, bốn mâm cơm cho những người phục vụ Ông Hiệu và khách đến thăm dinh. Trong ngày những hội chính, có nhiều gia đình làm đến cả trăm mâm cỗ mời họ hàng và dân làng”.
Theo nhiều người dân tại xã Phù Đổng, vấn đề kinh tế đã phần nào khiến nhiều trai tráng trong làng, dù đạt chuẩn nhiều yêu cầu nhưng vẫn lỡ mất cơ hội vào vai Ông Hiệu.
Vai diễn vất vả và linh thiêng
Sau khi nhận mệnh, các Ông Hiệu phải sống trong dinh riêng, trai giới nghiêm mật, khu vực sinh hoạt tách biệt hoàn toàn với khu sinh hoạt chung của gia đình. Mỗi Ông Hiệu sẽ có riêng sáu người hầu thân cận phục vụ và một thầy dạy. Chỉ những người này mới được nói chuyện với Ông Hiệu. Tất cả mọi người gọi Ông Hiệu là Ông, kiêng gọi tên riêng, vì giờ đây người trần đã được coi là người nhà Thánh.
Ông Vương Đình Khen, bố ruột Ông Hiệu Chiêng năm nay chia sẻ: “Mỗi ngày Ông Hiệu cùng thầy luyện tập các động tác, cử chỉ để trình diễn tốt nhất trong những ngày diễn ra lễ hội. Việc nhận vai Ông Hiệu là rất vinh dự cho cả gia đình. Nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ này cũng rất khó khăn, đòi hỏi Ông Hiệu phải nỗ lực rất nhiều”.
Để hoàn thành tốt vai Ông Hiệu, nhân vật được chọn cần phải tập thuần thục mọi động tác, lễ nghi.
Quy trình tập luyện của các vai này đòi hỏi vừa kiên trì, công phu, vừa có ý thức tự giác cao độ. Mỗi cử chỉ, hành động của Ông Hiệu đều phải chính xác và mạnh mẽ. Những động tác nhỏ nhất như: đi, đứng, biểu cảm gương mặt, nghi thức đánh trống, đánh chiêng,... đều phải tập dượt lại nhiều lần. Đặc biệt, động tác lễ theo kiểu chữ “đinh” của một võ tướng yêu cầu các Ông Hiệu phải thực hiện rất nhanh. Đối với Ông Hiệu Trống và Chiêng, nghi thức này cần phải đều nhau.
Ngoài ra, mỗi Ông Hiệu có một “đạo quân” 30 người hộ vệ, dẹp đường. “Để đám rước diễn ra uy nghiêm, long trọng, không chỉ người trong vai Ông Hiệu mà tất cả người phục vụ cũng phải luyện tập kỹ càng” - ông Nguyễn Văn Huy, thầy dạy lễ nghi của Ông Hiệu Chiêng cho biết. Vai diễn của các Ông Hiệu kéo dài từ 20-3 đến 10-4 (Âm lịch). Trong đó, quan trọng nhất là các nghi thức “điều binh khiển tướng” trong 3 ngày chính hội, từ mồng 7 đến mồng 9-4 (Âm lịch).
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huy, trong lễ hội, Ông Hiệu cờ tượng trưng cho uy nghiêm Thánh Gióng, phất cờ lệnh trong các trận đánh. Ông Hiệu Trống và Ông Hiệu Chiêng luân phiên đánh trống - chiêng thể hiện cho lệnh xuất quân – thu quân nhịp nhàng của đoàn quân Thánh Gióng. Ông Hiệu Trung Quân tượng trưng cho quan triều đình Hùng Vương, đánh trống, điều khiển toàn bộ hội trận. Bốn Ông Hiệu tượng trưng cho sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương, là nhân vật trung tâm, là linh hồn của hội Gióng.
Thầy dạy là người từng vào vai Ông Hiệu, phải có phẩm chất tốt và am hiểu sâu sắc về hội Gióng.
Lễ hội kết thúc cũng là lúc các Ông Hiệu hoàn thành nhiệm vụ, trả lại mão, áo, cờ, hia, thoát vai, trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng những người từng vào vai Ông Hiệu vẫn luôn được dân làng kính trọng, thường lấy chức danh Ông Hiệu để gọi kèm theo tên gọi hằng ngày đến suốt đời. Và cũng vì thế, những người từng “đi Hiệu” suốt đời cố gắng rèn luyện đạo đức để xứng danh và gìn giữ sự linh thiêng của Thánh Gióng.
Năm 2011, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.
Lễ hội Gióng là niềm tự hào của người dân làng Phù Đổng. Hình tượng Ông Hiệu mà người dân tôn thờ thể hiện cho khát vọng độc lập tự cường và sức mạnh trường tồn của dân tộc. Lễ hội Gióng đền Phù Đổng và vai diễn Ông Hiệu là nét đẹp văn hóa hiếm có cần được bảo tồn.
Như một lớp trầm tích, Lễ hội Gióng luôn được mang thêm những yếu tố lịch sử, văn hóa của thời đại mới. Tại Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024, bên cạnh hội trận truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức đa dạng và dày đặc nhằm quảng bá và tôn vinh giá trị tinh thần lễ hội.